Skip to main content
x
10 October 2014

     Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường đều nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng làm tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ.

     Nhận thức được điều này, trong những năm qua, trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ. Ngay từ khi tuyển dụng, các đồng chí đã trải qua khâu tuyển chọn về chuyên ngành đào tạo, khả năng sư phạm, xem xét quá trình học tập, tu dưỡng tại các trường đại học, học viện… Trong thời gian tập sự, các giảng viên trẻ được khoa chủ quan phân công các giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn như soạn bài và tập giảng, nhiều đồng chí đã khẳng định được mình từ bước đi đầu tiên ấy. Nhận thức rằng, nhiệm vụ của người giảng viên không chỉ trình bày những vấn đề lý luận đơn thuần mà phải thổi hồn vào bài giảng, làm cho mỗi tiết học trở nên sống động, giúp học viên hiểu và vận dụng hiệu quả bài học vào thực tiễn công tác ở đơn vị. Đội ngũ giảng viên trẻ đã không ngừng phấn đấu cả về trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bám sát và hiểu biết thực tiễn.

     Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Đảng ủy, Lãnh đạo nhà trường có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên. Nhà trường đã xây dựng đề án phát triển trường, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nhiều đồng chí đã được cử đi học cao học, nghiên cứu, tập huấn tại các học viện và các trường đại học trong nước. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại số lượng giảng viên trẻ (tuổi từ 25 đến 40) có trình độ thạc sỹ là 08 giảng viên, 06 giảng viên đang học Cao học; 02 giảng viên đang đi ôn thi Cao học; nhiều đồng chí có trình độ cao cấp lý luận...        

       Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Học Viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ chí Minh (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) mở lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực cho giảng viên cũng như là cử giảng viên đi tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực. Hiện nay trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, các giảng viên trẻ đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực với mục đích lấy “người học làm trung tâm”; phát huy khả năng sáng tạo của học viên, vận dụng lý luận vào các vấn đề thực tế ở địa phương, đồng thời xây dựng môi trường sư phạm thân thiện trong cán bộ công chức, học viên. Song song với việc đào tạo chuyên môn, nhà trường chú ý bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học. Đến nay, 100% giảng viên trẻ đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại và hầu hết các giảng viên trẻ đều sử dụng thành thạo máy chiếu. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại trong các tiết học về lý luận chính trị đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy tính năng động, linh hoạt của người học, góp phần gắn lý luận với thực tiễn.    


     Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên trẻ đã tích cực tham gia nghiên cứu, tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, viết bài cho báo, tạp chí Trung ương, báo tỉnh, Bản tin, Trang điển tử nhà trường,... Qua đó, khả năng tư duy độc lập, khả năng tổng hợp, phân tích, nhìn nhận vấn đề ngày càng sâu sắc, khả năng viết, diễn đạt ngày càng được trau dồi, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy. Ngoài ra, hàng năm Nhà trường luôn chú trọng đưa giảng viên đi thực tế ở cơ sở, về với cơ sở với nội dung do các khoa, phòng tự xây dựng dựa trên các vấn đề  được lý luận và thực tiễn đặt ra gắn liền với chuyên môn của khoa phòng cũng như tình hình thực tế tại địa phương. Sau mỗi đợt đi nghiên cứu thực tế, giảng viên trẻ trưởng thành nhanh về nhiều mặt, hiểu biết thực tiễn được nâng lên, tự tin và vững vàng hơn khi lên lớp.

     Kết quả trong công tác chuyên môn từ năm 2011 đến nay có 01 đồng chí đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc toàn quốc các trường Chính trị tỉnh, thành phố; 27 lượt giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường. Về công tác nghiên cứu khoa học có 03 giảng viên là chủ nhiệm đề tài cấp khoa và bảo vệ đều đạt loại khá và giỏi; nhiều lượt đồng chí tham gia cùng với khoa thực hiên đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, tham gia biên soạn tài liệu; nhiều đồng chí đã có những bài viết chất lượng tham gia các cuộc Hội thảo do nhà trường tổ chức; nhiều đồng chí có bài viết gửi Bản tin và trang điển tử của nhà trường, cũng như gửi báo tỉnh, báo và tạp chí Trung ương các bài viết đạt chất lượng cao.

     Có thể nói, đội ngũ giảng viên trẻ của Nhà trường đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong nhiệm vụ học tập cũng như trong quá trình công tác; với những giảng viên trẻ đang công tác tại trường nhiều đồng chí xác định cho mình phải tiếp tục tự học để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, luôn luôn có ý thức đổi mới, hoàn thiện bài giảng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ ở địa phương, vì vậy nhiều giảng viên đã được học viên quý mến, đánh giá cao, qua đó mà uy tín của giảng viên nói riêng và của Trường Chính trị được nâng cao hơn. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, đội ngũ giảng viên trẻ gặp một số khó khăn trong công tác như: kiến thức thực tiễn còn thiếu, một số giảng viên trẻ còn chưa thực sự tự tin khi đứng trên bục giảng đối với những lớp có nhiều cán bộ lớn tuổi và các lớp có nhiều cán bộ đang giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là đời sống vật chất của cán bộ, giảng viên trẻ còn gặp nhiều khó khăn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giảng viên. Vì vậy với thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục phát huy những ưu điểm của giảng viên trẻ và đồng thời phải khắc phục những khó khăn đối với giảng viên trẻ. Để nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ của trường Chính trị Hoàng Văn Thụ góp phần thực hiện tốt hơn công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức bản thân là một giảng viên trẻ có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

     Thứ nhất, Đảng ủy, Lãnh đạo nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa giúp các giảng viên trẻ nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước; Mạnh dạn giao việc cho đội ngũ giảng viên trẻ để họ có môi trường thực tiễn học tập, rèn luyện, tiếp cận được các công việc của một cán bộ khoa học, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu.

     Thứ hai, đội ngũ giảng viên trẻ cần có tinh thần cầu tiến, tiếp tục rèn luyện các mặt: tập viết, tập giảng, rèn luyện tác phong sư phạm, kỷ luật làm việc, kỷ luật phát ngôn, bản lĩnh chính trị, tích cực đi dự giờ, học hỏi kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên đã có nhiều năm công tác và kinh nghiệm ở trường để đúc rút kinh nghiệm, bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt trong bài giảng của mình.

     Thứ ba, Nhà trường cần xây dựng kế hoạch đưa cán bộ, giảng viên trẻ đi công tác thực tế ở xã, phường, thị trấn của tỉnh nhà trong khoảng thời gian từ 06 tháng đến 01 năm. Đây là công việc khó, nhưng nếu làm được sẽ góp phần bổ sung kiến thức thực tiễn ở địa phương cho đội ngũ giảng viên trẻ. Thông qua hoạt động này giảng viên sẽ mạnh dạn, tự tin hơn, có nhiếu kinh nghiệm hơn khi đứng lớp.

     Thứ tư, có cơ chế, chính sách hợp lý, toàn diện về công tác cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ, chế độ bổ nhiệm, khen thưởng… nhằm động viên, khuyến khích giảng viên trẻ say mê với công việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung.   

       Với đội ngũ giảng viên trẻ mạnh về số lượng và đang ngày càng nâng cao cả về chất lượng, đó sẽ là là lực lượng kế cận xứng đáng thúc đẩy trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới./.

 

                                                                                                     Nguyễn Văn Hiệp

                                                                                                Giảng viên khoa Dân vận