Skip to main content
x
4 December 2013

     Nghề dạy học là một trong những nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Nghề dạy học từ xưa đến nay được xã hội tôn vinh và ngưỡng vọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Truyền thống tôn sư trọng đạo ấy đã được các thế hệ người Việt Nam lưu truyền từ đời này qua đời khác. Cho đến ngày nay, xã hội phát triển ở một trình độ cao hơn thì vai trò của người thầy vẫn được đề cao và nghề dạy học luôn được xã hội trân trọng là nghề cao quý.

     Nghề dạy học là một nghề cao quý và người dạy học - người thầy được xã hội gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng. Đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của mỗi địa phương thì niềm tin ấy được nhân dân đặt ở những người giảng viên trường Chính trị vì vậy trách nhiệm của giảng viên lại càng nặng nề hơn. Trường Chính trị là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở địa phương. Cán bộ chính là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định đến sự phát triển của địa phương đó. Thông qua hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên trường Chính trị đã góp phần quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương hội tụ đầy đủ "Tài" và "Đức", có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

     Vốn là một nghề cao quý và được xã hội tôn vinh nhưng không phải ai cũng làm được nghề cao quý đó. Để làm tốt nghề này, người thầy phải được trang bị những kiến thức khoa học, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và hơn cả đó là lòng yêu nghề để đem những tri thức mà mình đã tích lũy truyền lại cho người học. Đặc biệt đối với những giảng viên trường Chính trị là những người thầy thực hiện nhiệm vụ quan trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cho địa phương càng phải ý thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp. Khi được phân công nhiệm vụ giảng dạy, mỗi giảng viên tự có ý thức trách nhiệm với bài giảng được giao, người thầy phải tạo được không khí cho lớp học, truyền thụ những kiến thức lý luận cơ bản của bài và cập nhật kiến thức thực tiễn phù hợp để làm phong phú thêm nội dung bài giảng, để học viên có thể vận dụng vào thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, người thầy dạy lý luận cần phải có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, lối sống trong sáng, giản dị và lòng yêu nghề. Trong mỗi bài giảng, người thầy phải thể hiện được sự tâm huyết với nghề, không ngại khó khăn vất vả khi phải lên lớp ở các huyện, nội dung bài giảng phải đúng đường lối chính sách pháp luật, phải có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn tạo được niềm tin đối với học viên.         

     Để có thể gắn bó với nghề, yêu nghề, giảng viên trường Chính trị phải tự nghiên cứu, rèn luyện, không ngừng trau dồi về chuyên môn, tích cực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tự bổ sung nguồn kiến thức thực tiễn từ địa phương vào mỗi bài giảng. Bởi người thầy lý luận chính trị không chỉ giáo dục tri thức lý luận mà còn phải bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cho người học góp phần đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.         

     Dân tộc ta có truyền thống "Tôn sư trọng đạo", người thầy được xã hội tôn vinh, nghề dạy học được trân trọng. Đứng trước những yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội, vai trò trách nhiệm của người thầy càng nặng nề. Đặc biệt với đội ngũ giảng viên trường Chính trị ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, cần phải trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, luôn giữ nhiệt huyết với nghề, chữ tâm phải được coi trọng, coi đó là phương châm sống và hành động của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị để nghề dạy học mãi được xã hội tôn vinh và trân trọng là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"./.

                                                                                                            Dương Thị Quý

                                                                                               GV. Khoa Nhà nước và Pháp luật