Skip to main content
x
7 November 2013

     Hiện nay, việc dùng phần mềm Powerpoint là khá phổ biến. Điều này cho thấy tính ưu việt gần như tuyệt đối hiện nay của máy tính với phần mềm Powerpoint về mọi phương diện cho một bài báo cáo hoặc bài giảng. Tuy nhiên, tính ưu việt đó còn phụ thuộc rất nhiều vào người báo cáo, bài giảng và đặc biệt là vào sự chuẩn bị các trang trình chiếu.

     Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Như vậy, nhiệm vụ trung tâm của nhà trường là đào tạo những cán bộ công chức, viên chức tốt phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy trong đó có việc giảng viên soạn giảng bằng Powerpoint nhằm nâng cao chất lượng bài giảng luôn là yêu cầu và nhiệm vụ của người giảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

     Đối với giảng viên việc chuẩn bị một bài giảng bằng Powerpoit không những chỉ đảm bảo tính nội dung mà cần đảm bảo tính khoa học. Tính khoa học ở đây bao gồm: sự phù hợp về mặt tâm sinh lí học viên, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc dạy học và các phương pháp dạy học. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Vì vậy, người giảng viên muốn sử dụng Powerpoint để dạy học có hiệu quả thì không những phải có kiến thức tối thiểu về phần mềm này (không phải chỉ đơn thuần là “viết” chữ lên các trang trình chiếu) mà còn cần phải có tính khoa học, kiến thức về lí luận dạy học và về các phương pháp dạy học tích cực, sau đó mới là sự linh hoạt và sáng tạo trong thiết kế các trang trình chiếu sao cho hấp dẫn một cách có ý nghĩa. 

     Mỗi giảng viên cần chọn tiết học sao cho nếu đưa nó lên trình chiếu Powerpoit thì sẽ tận dụng được tối đa ưu việt của máy tính về phương diện cung cấp thông tin cho người học, về tính hấp dẫn của của bài giảng, chí ít cũng có hiệu quả hơn bài giảng với bảng viết thông thường. Cần tránh việc chạy theo phong trào để rồi bài giảng thiếu chất lượng, lạm dụng các hiệu ứng trong phần mềm Powerpoit làm người học bị phân tán sự chú ý. Cũng không nên tầm thường hoá việc dạy bằng Powerpoit. Nhiều quan niệm cho rằng trình chiếu chẳng qua là thay bảng đen, thậm chí không bằng bảng đen vì không được viết xóa thoải mái như dùng bảng đen. Cái “lí” có thể đúng, bởi vì thực tế, một số giảng viên dạy bằng Powerpoint nhưng cuối cùng học viên chẳng ghi được gì, không thu nhận được kiến thức gì quan trọng ngoài sự “thú vị” một cách chung chung. Như vậy có nghĩa là, sử dụng máy tính để dạy học phải đạt được yêu cầu cao nhất là hiệu quả giờ học. Vậy làm thế nào để thu hút sự chú ý của người nghe trong suốt quá trình bài giảng?

     Bản thân các trang trình chiếu bằng Powerpoit (nếu soạn hợp lí) đã có một sức hút lớn đối với học viên. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng tính ưu việt đó thì đôi khi bài giảng sẽ có tác dụng ngược. Nghệ thuật của người thiết kế bài giảng Powerpoint sẽ có một sức hút riêng đối với học viên trong giờ học. Có một số thủ thuật cần thiết cho việc thiết kế bài giảng bằng Powerpoint như sau:

     Thứ nhất: Thay vì mở đầu bằng lời (kể chuyện dẫn dắt, ra một bài tập nhỏ..) có thể kèm theo đó là một trang hình phù hợp với nội dung nói, thậm chí có thể là một đoạn trích, một câu hỏi thảo luận đầu giờ, một hình ảnh có ý nghĩa, một đoạn phim…

     Thứ hai: Hãy dành một trang nêu tên bài học (sau mở đầu) cùng các đề mục (dàn bài) và cũng nên giới thiệu sơ qua các phần đó đề cập đến vấn đề gì, học viên sẽ dễ dàng có một tổng quan về bài giảng, gây tâm lí chờ đợi những thông tin thú vị phía sau.

     Thứ ba: Mỗi nội dung nhỏ (mục) cần có “điểm nhấn” hấp dẫn: một câu chuyện để chuyển tiếp giữa các mục, hình ảnh, một đoạn phim, một nhiệm vụ học tập cho học viên làm nhanh, một câu trích dẫn có ý nghĩa, một chút tính hài hước…để lôi kéo người nghe trở về bài giảng, đôi khi có ai đó bị mất tập trung.

     Thứ tư: Hãy giữ liên tục nội dung bài giảng phần dành cho học viên ghi từ trang này sang trang khác như một chiếc “bảng kéo”. Muốn làm điều này, cần chú ý:         

     Hãy sử dụng cỡ chữ, kiểu chữ, màu chữ thống nhất theo từng loại đề mục của bài học. Cỡ chữ ghi nội dung cụ thể nhỏ hơn các đề mục. Sự thống nhất này phải giữ từ đầu đến cuối bài giảng, cho dù nội dung bài học phải chuyển sang trang tiếp.

     Cố gắng sắp xếp nội dung một hoặc một số mục nằm gọn trong trang, trừ trường hợp bất khả kháng.

     Những công việc trên còn phải được kết hợp linh hoạt với nghệ thuật trình bày của giảng viên. Ví dụ thay vì chuyển tiếp sang mục khác thì giảng viên có thể tóm lược những ý chính của mục vừa mới giảng. Nhờ vậy mà người nghe sẽ bắt kịp tiến độ bài giảng, nếu vì lí do gì đó mà học viên bị mất tập trung.

     Thứ năm: Mỗi trang sau cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay về các trang trước để nội dung bài giảng được liên tục (đôi khi cần nhắc lại cái vừa mới học ở trang trước). Đến một chỗ nào đó trong bài giảng cần nhắc lại trang trước thì dùng Hyper Link cho xuất hiện ngay trang đó.

     Thứ sáu: Một nghịch lí về sự “chú ý” thường xảy ra trong dạy học bằng các trang trình chiếu, nhất là đối với những người mới sử dụng Powerpoint lần đầu là sự lạm dụng màu hoặc lạm dụng các hiệu ứng sẽ có thể tập trung được sự chú ý của học viên, song sự chú ý đó lại không hướng vào nội dung bài học mà là vào sự sặc sỡ của màn hình, vào những sự “nhảy múa” đủ kiểu của chữ và hình trong trang trình chiếu. Có nghĩa là, học viên vẫn chú ý, vẫn thích thú bài học nhưng khi kết thúc giờ học thì bài học cũng biến mất trong trong đầu học viên.

     Như vậy, chúng ta có thể thấy việc giảng viên soạn giảng bằng Powerpoint sẽ làm cho bài giảng hấp dẫn hơn. Nhưng cần phải chú ý đến một yêu cầu quan trọng, một tiêu chí, đó là, sự hấp dẫn của một giáo án dạy học bằng Powerpoint phải được bắt nguồn từ nội dung trình chiếu là chủ yếu, không phải là sự hấp dẫn của những trang quảng cáo hoặc những trang tiêu đề trên truyền hình./.

                                                                                                            Nguyễn Thị Ngọc Ánh

                                                                                   GV. Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu