Skip to main content
x
16 May 2013

     Trong mỗi giai đoạn lịch sử của cách mạng, đòi hỏi từ thực tiễn phải có đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) về năng lực, trình độ, khả năng thích ứng với nhiệm vụ đảm nhiệm. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng phải đạt tiêu chuẩn theo chức danh, chương trình và nhiệm vụ. Đó chính là căn cứ để các cấp ủy Đảng thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và các chế độ, chính sách khác. Vì vậy việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa là mục tiêu cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong tình hình hiện nay.

     Hiện nay tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh Lạng Sơn là 4.320 người (cán bộ là 2.293 người, công chức là 2.027 người). Trong đó: Về trình độ học vấn: Trung học phổ thông 3.169 người, chiếm  73,35 %; Trung học cơ sở 1.083 người, chiếm 25,06%; Tiểu học 68 người, chiếm 1,57%.

     Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học 349 người, chiếm 8,07%; Cao đẳng 221 người, chiếm 5,11%; Trung cấp 1.919 người, chiếm 44,42%; Sơ cấp 642 người, chiếm 14,86%; chưa qua đào tạo 1.188 người, chiếm 27,5%. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 12 người, chiếm 0,27%; Trung cấp 1.591 người, chiếm 36,82%; Sơ cấp 565 người, chiếm 13,07%; chưa qua đào tạo 2.152 người, chiếm 49,81%. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng và chính quyền đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác luân chuyển, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn, do vậy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, tổ chức điều hành nhiệm vụ từng bước được nâng lên; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và có trách nhiệm trong công tác, tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 11/9/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đã mở được 1.235 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 78.387 lượt cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 10/6/2002 về thực hiện luân chuyển cán bộ; đồng thời chỉ đạo cấp ủy các huyện, thành phố có kế hoạch luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Từ năm 2003 đến nay số cán bộ luân chuyển từ huyện về các xã, phường, thị trấn là 122 lượt. Cán bộ được luân chuyển có điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách toàn diện hơn, có bản lĩnh vững vàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

     Qua luân chuyển hầu hết cán bộ, công chức cấp xã có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, được rèn luyện, đào tạo, trưởng thành từ thực tiễn. Cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, công chức, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có lối sống lành mạnh, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ sự phân công của tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng trong năm 2010, có 82,63% cán bộ, công chức hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ trở lên (trong đó có 17,39% hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ). Cán bộ, công chức cấp xã biết vận dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo, biết vận dụng các quy định của Nhà nước để xử lý công việc và biết ứng dụng công nghệ thông tin.

     Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn hạn chế, yếu kém về trình độ, năng lực, tỷ lệ cán bộ, công chức chưa đạt tiêu chuẩn theo chức danh, chức vụ còn cao. Còn 3.581 người chiếm 82,89% chưa qua đào tạo về quản lý hành chính; 1.188 người chiếm 27,5% chưa qua đào tạo về chuyên môn. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn thấp; nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức không đồng đều, thiếu chủ động, sáng tạo; năng lực quản lý điều hành còn lúng túng, trông chờ, ỷ lại chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra; năng lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn còn thấp, thụ động trong thực thi nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, công chức sa sút về phẩm chất, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm chưa cao; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa được quan tâm thực hiện một cách thỏa đáng.

     Nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là do công tác cán bộ ở cơ sở thực hiện chưa tốt, thiếu quy hoạch chậm được đổi mới; một số cấp ủy và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác cán bộ, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chức vụ, chức danh chưa được chú trọng đúng mức. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở có điểm còn bất cập; điều kiện làm việc ở cơ sở còn khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, công chức và chưa tạo được sức thu hút những người có trình độ, năng lực về công tác lâu dài ở cơ sở. Công tác đánh giá, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cán bộ, công chức công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi thực hiện chưa nền nếp và nghiêm túc.

     Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới, ngày 13 tháng 2 năm 2012 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 37 – NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bô, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá kết quả mặt mạnh và những hạn chế, yếu kém bất cập trên về công tác cán bộ và tiếp tục nâng cao trình độ năng lực cán bộ, công chức cấp xã và trước yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế thì cần phải tiếp tục thực hiện yêu cầu tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên một số giải pháp sau:

     Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn cách mạng hiện nay tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm, nguyên tắc, quy trình, quy định về công tác quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã để tạo bước chuyển biến rõ rệt về công tác cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên và nâng cao khả năng vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần ý thức tự giác nghiên cứu học tập không ngừng nâng cao trình độ năng lực, rèn luyện tu dưỡng cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của các bộ, công chức cấp xã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, thực hiện tốt các chính sách về cán bộ, công chức cấp xã.

     Hai là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt chú trọng công tác đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc thực hiện tốt công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh, quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển, chuẩn bị đội ngũ kế cận cho đơn vị. Chú ý cán bộ trẻ có triển vọng để đưa vào dự nguồn; trong quy hoạch phải đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp, trong đó chú trọng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ. Sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã theo quy hoạch và chuyên môn đào tạo, đúng năng lực và sở trường công tác.

     Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch của cấp uỷ gắn với việc đánh giá, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã, lãnh đạo quản lý phòng, ban, ngành cấp huyện, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch về giữ các chức vụ cán bộ chủ chốt cấp xã và luân chuyển cán bộ xã, phường, thị trấn lên huyện khi cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở, vừa rèn luyện đào tạo cán bộ lâu dài. Trong điều động, luân chuyển cán bộ, công chức phải kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với công tác tư tưởng, vừa động viên, khuyến khích tự giác của cán bộ, công chức, vừa yêu cầu cán bộ, công chức nghiêm túc chấp hành quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức.

     Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuẩn hoá gắn với quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, thực hiện tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, đào tạo theo chức danh. Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại cán bộ ở trong tỉnh và ngoài tỉnh đảm bảo chuẩn hoá chức danh, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước;  cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trung cấp lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Cán bộ nguồn được tuyển chọn phải là người còn trẻ, trong độ tuổi để có thể cử di đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị thay thế các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã theo hướng kết hợp lý luận gắn với thực tiễn, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho từng loại cán bộ, công chức theo hướng thiết thực, hiệu quả chất lượng.

     Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất. Đồng thời để cán bộ, công chức cấp xã làm việc có hiệu quả, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đề ra cần tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện phương tiện làm việc và hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo tốt các chính sách chế độ, quyền lợi cho cán bộ, công chức cấp xã./. 

 

                                                                                  TS. Nguyễn Đức Quyền

                                                                             TUV, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng