Skip to main content
x

                                                                                       ThS. Nguyễn Đặng Ân
                                                              PCVP HĐND và Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn

     Đặc thù của trường Chính trị Hoàng Văn thụ là đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức, viên chức ở địa phương về lý kuận chính trị - hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thực tiễn, phù hợp với tình hình và yêu cầu của cách mạng. Chính vì vậy, ngoài đội ngũ giảng viên của trường giảng dạy thường xuyên, nhà trường còn mời các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I và đội ngũ giảng viên kiêm chức của trường tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh.

     Từ năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 786-QĐ/TU kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức thuộc Trường Chính trị gồm 15 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh. Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ra quyết định kiện toàn đội ngũ giảng viên với 13 đồng chí. Quy chế hoạt động của giảng viên kiêm chức thuộc trường chính trị Hoàng Văn Thụ cũng đang được nhà trường phối hợp với các giảng viên kiêm chức xem xét, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức của nhà trường.

     Mặc dù số lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức của Trường Chính trị Hoàng Văn thụ còn mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán của nhà trường. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy ở một số chuyên đề trong chương trình chính thức và các chuyên đề bổ trợ và các chuyên đề, báo cáo thực tế về một số ngành, lĩnh vực của tỉnh.

     Từ năm 2008- 2009 nhà trường thực hiện mời giảng viên kiêm chức là lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tham gia giảng dạy các chuyên đề về Quốc phòng, an ninh ở chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị có gắn với tình hình thực tế của tỉnh và các đồng chí giảng viên kiêm chức là lãnh đạo các sở: Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Từ năm học 2010-2011 đến nay, nhà trường thực hiện mời giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy tại lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính.

     Qua thực tế mời giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy nhìn chung cho thấy đội ngũ giảng viên kiêm chức đã từng bước thực hiện tốt Quy chế hoạt động của giảng viên kiêm chức do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành.

     Đội ngũ giảng viên kiêm chức thường xuyên được kiện toàn, cơ bản đã đáp ứng được về số lượng và chất lượng theo yêu cầu, nhiều đồng chí có trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác chuyên môn cũng như quản lý trên thực tế và có năng lực sư phạm tốt có thể chuyển tải có hiệu quả kiến thức chuyên môn đến các đối tượng học viên làm cho học viên dễ tiếp thu, dễ nhớ vì thế mà chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên. Công tác phối hợp giữa nhà trường và đội ngũ giảng viên kiêm chức trong bố trí sắp xếp công việc tham gia giảng dạy khá nhịp nhàng như: Cung cấp giáo trình, chương trình giảng dạy, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo và các điều kiện đảm bảo khác để giờ giảng có chất lượng tốt nhất. Các hội nghị, hội thảo khoa học của nhà trường và cập nhật tình hình, kiến thức mới đều mời giảng viên kiêm chức tham dự. Nhiều giảng viên kiêm chức có liên hệ thường xuyên với nhà trường để nâng cao năng lực sư phạm và cập nhật kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

          Tuy nhiên công tác sinh hoạt chuyên môn và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hàng năm, thời gian qua chưa đi vào nền nếp thường xuyên giữa nhà trường và giảng viên kiêm chức. Việc phân công giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy có lúc chưa khoa học nên về mặt thời gian còn gây ra tình trạng bị động cho cả giảng viên và học viên đối với chương trình học theo quy định, xáo trộn về logic nhận thức. Một số đồng chí giảng viên kiêm chức tham gia chưa đúng thời gian nên cũng ảnh hưởng đến chương trình chung của lớp học. Một số đồng chí chưa dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc nâng cao kiến thức chuyên môn của bài giảng, kết hợp giữa thực tiễn và lý luận chưa nhuần nhuyễn. Có đồng chí giảng viên kiêm chức trong quá trình giảng còn nặng về thực tiễn và trao đổi, chưa quan tâm đúng mức về lý luận cơ bản nên học viên đôi khi khó ghi chép để ứng dụng vào thực tiễn khi làm bài kiểm tra đánh giá chất lượng.     

     Nội dung Quy chế hoạt động của giảng viên kiêm chức cũng chưa được hoàn chỉnh nên chưa góp phần đưa hoạt động này vào nền nếp quy củ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

          Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng của nhà trường nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức nói riêng trong thời gian tới nhà trường cần phối hợp với đội ngũ giảng viên kiêm chức sớm rà soát nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đáp ứng yêu cầu về tổ chức và hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy bổ sung kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức để đảm bảo có những giảng viên có năng lực nhiệt tình và có điều kiện tham gia giảng dạy tốt nhất.

          Xây dựng các tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực của giảng viên kiêm chức làm cơ sở cho việc lựa chọn và phân công giảng dạy phù hợp với năng lực từng người và bố trí giảng dạy các cấp độ đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Phối hợp với các cơ quan nơi công tác của giảng viên kiêm chức để xây dựng lịch công tác hàng năm khoa học, có kế hoạch để đảm bảo lịch giảng dạy không bị chồng chéo, thay đổi. Cần tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên môn giữa giảng viên kiêm chức với nhà trường.

          Rà soát các quy định hiện hành với giảng viên kiêm chức; có các chế độ khuyến khích động viên giảng viên kiêm chức kịp thời để họ yên tâm gắn bó với nhiệm vụ được giao lâu dài và có trách nhiệm, kéo dài thời gian tham gia làm giảng viên kiêm chức, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường./.