Skip to main content
x
26 September 2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Người chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[1]. Kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là “khâu then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, gắn liền với xứ mệnh của Đảng, của đất nước.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ về chất lượng công tác trường chính trị, hướng tới mục tiêu xây dựng trường chính trị cấp tỉnh xứng tầm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh, là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn (Quy định số 11-QĐ/TW). Tại chương II, Quy định số 11-QĐ/TW, quy định các tiêu chí của trường chính trị chuẩn mức độ 1 với 06 nhóm tiêu chí: (1) thể chế, quy định; (2) đội ngũ cán bộ, viên chức; (3) hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; (4) hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (5) xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; (6) cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính, trong đó tiêu chí chuẩn về đội ngũ cán bộ, viên chức.

1. Thực trạng đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh[2]. Tổ chức bộ máy của nhà trường gồm Lãnh đạo trường[3]; 02 phòng tham mưu[4]; 03 khoa giảng dạy[5]. Tổ chức Đảng, đoàn thể: Đảng bộ Trường là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn, tổng số 45 đảng viên gồm có 05 chi bộ khoa, phòng. Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn viên chức tỉnh, tổng số 49 đoàn viên thuộc 05 tổ công đoàn.

* Thực trạng đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay theo tiêu chuẩn mức 1, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí Thư:

Một là, Đội ngũ cán bộ, viên chức trường chính trị phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Hai là, đối với Lãnh đạo trường: gồm 03 đồng chí (01 Hiệu trưởng và 02 phó Hiệu trưởng). Lãnh đaọ trường hiện nay đạt 04/7 tiêu chí, còn 03/7 tiêu chí chưa đạt: Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn (có 2/3 đồng chí có trình độ thạc sĩ); Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn có trình độ tiễn sĩ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn ( có 1/3 đồng chí đang nghiên cứu sinh); có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (có 2/3 đồng chí có chứng chỉ). Dự kiến đạt chuẩn năm 2026.

Ba là, đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa: gồm 07 đồng chí (03 Trưởng khoa và 04 Phó Trưởng khoa). Trưởng khoa, phó trưởng khoa hiện nay đạt 06/7 tiêu chí, còn 01/7 tiêu chí chưa đạt là: có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (hiện đạt 85,8%, có 01 đồng chí trưởng khoa chưa đạt nghỉ hưu vào tháng 7/2024). Dự kiến đạt chuẩn vào năm 2025.

Bốn là, đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng: gồm 05 đồng chí (02 Trưởng phòng và 03 Phó Trưởng phòng). Trưởng phòng, phó trưởng phòng hiện nay đạt 01/5 tiêu chí, còn 04/5 tiêu chí chưa đạt  là: có trình độ chuyên môn từ Thạc sĩ trở lên về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn (4/5 đồng chí, đạt 80,00 %, có 01 đồng chí nghỉ hưu năm 2025[6]); có trình độ Cao cấp LLCT hoặc tương đương (4/5 đồng chí, đạt 80,00 %, có 01 đồng chí nghỉ hưu năm 2025[7]); giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên (02/5, đạt 40,00 %, 02 đồng chí trưởng phòng đã đủ điều kiện xét thăng hạng giảng viên chính, hiện đang chờ có đợt xét thăng hạng sau khi trường xây dựng xong Đề án vị trí việc làm, luân chuyển hoặc bổ nhiệm 01 đồng chí Phó Trưởng phòng đủ tiêu chuẩn vào năm 2025); người đứng đầu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 05 năm liên tục (01/2 đồng chí, đạt 50,00%). Dự kiến đạt chuẩn vào năm 2025.

Năm là, đối với đội ngũ giảng viên: gồm 37 giảng viên. Đội ngũ giảng viên hiện nay đạt 7/9 tiêu chí, còn 2/7 tiêu chí chưa đạt đó là: Giảng viên giảng dạy LLCT có trình độ trung cấp LLCT hoặc tương đương trở lên. Giảng viên sau giảng dạy ở trường 7 năm giảng dạy tại trường, có trình độ cao cấp LLCT hoặc tương đương (hiện nay trình độ Cao cấp LLCT có 32/37 đồng chí, Trung cấp LLCT 05/37 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí đang học); Ít nhất 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương (hiện có 21/37 đồng chí giữ ngạch giảng viên chính, 16/37 đồng chí giữ ngạch giảng viên). Dự kiến đạt chuẩn năm 2026.

* Nguyên nhân của một số tiêu chí chưa đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư:

- Nguyên nhân khách quan:

Một số cơ chế, chính sách của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn bất cập, chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách; đặc biệt là việc chi trả kinh phí đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ và cao cấp lý luận chính trị;  

Yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện xét tuyển nghiên cứu sinh còn tương đối cao so với hiện trạng thực tế của cá nhân giảng viên, nhất là yêu cầu về ngoại ngữ, cần có thời gian và năng lực học tập của người học; Việc xét thăng hạng viên chức hạng II, chưa thường xuyên.

- Nguyên nhân chủ quan

Trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nhất là nghiên cứu sinh, cấp ủy, Lãnh đạo trường đã quan tâm triển khai, tuy nhiên đôi khi chưa thực sự làm tốt công tác tư tưởng đối với việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; bản thân cán bộ, giảng viên chưa thật sự quyết tâm đăng ký, cũng như tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh tương đối cao trong khi nhiều đồng chí đã quá tuổi hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh Lạng Sơn[8].

Nhiều giảng viên không có điều kiện về kinh phí cá nhân để tham gia đào tạo tiến sĩ.

Một số giảng viên, chuyên viên nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn còn chưa đầy đủ và toàn diện; chưa thực sự tích cực và tâm huyết; chưa đầu tư kinh phí và dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động này.

2. Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn mức 1 trong thời gian tới

Xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031 là giải pháp căn cơ, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị. Để Trường đạt các tiêu chí đạt chuẩn mức 1 về đội ngũ cán bộ, viên chức vào năm 2026 theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, theo Tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, viên chức nhà trường.

Tiếp tục quán triệt, triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về xây dựng trường chính trị chuẩn; Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về “Xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031” và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp trên tới toàn thể cán bộ, viên chức nhà trường nhằm giúp cho cán bộ, viên chức nhà trường nắm chắc quan điểm, mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong việc xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031, từ đó nêu cao bản lĩnh chính trị, tinh thần, trách nhiệm của bản thân trong việc hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn nói chung và tiêu chí về xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức nói riêng.

Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo trường trong xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức 

Đảng ủy, Lãnh đạo trường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2026-2031. Chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo lộ trình.

Chỉ đạo tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu so với quy định trường chính trị chuẩn mức 1: Xây dựng kế hoạch, lộ trình cử cán bộ đi đào tạo trình độ tiến sĩ, cao cấp lý luận chính trị; thực hiện quy trình luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đảm bảo hợp lý với tình hình thực tiễn của trường; chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủytham mưu cho tỉnh về đảm bảo chỉ tiêu thăng hạng giảng viên chính, giảng viên cao cấp và tương đương… đáp ứng tiêu chí chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư.

Ba là, cử cán bộ, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Hàng năm, Trường xây dựng kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thiện các yêu cầu về chứng chỉ theo quy định; cử cán bộ, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ban, ngành tổ chức; có cơ chế, chính sách đặc thù để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức của nhà trường đi đào tiến sĩ, bởi có nhiều đồng chí cán bộ, giảng viên muốn đi đào tạo tiến sĩ nhưng quá độ tuổi được hưởng chính sách ưu tiên của tỉnh; tham mưu với cấp trên tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ giảng viên nhà trường đi đào tạo tiến sĩ, bởi Nghị quyết 15-NQ/TU quy định tiêu chuẩn được hỗ trợ kinh khí đào tạo tiến sĩ là phải tham gia học tập trung, trong khi nếu đi đào tạo tập trung giảng viên sẽ bị cắt phụ cấp đứng giảng.

Bốn là, mỗi cán bộ, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu vượt khó vươn lên, xây dựng kế hoạch học tập nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn; tiếp tục phát huy truyền thống 74 năm xây dựng và phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, không ngừng rèn luyện phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026, mức 2 vào năm 2031 theo Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

ThS. Lô Thị Hợp

Phòng Tổ chức, HC,TT,TL

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2004

[3] Hiệu trưởng; 02 Phó Hiệu trưởng

[4] Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

[5] Khoa Lý luận cơ sở; khoa Nhà nước và Pháp luật; khoa Xây dựng Đảng.

 

[6] theo kế hoạch số 88- KH/TU, ngày 23/12/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy

[7] theo kế hoạch số 88- KH/TU, ngày 23/12/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy  

[8] Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND, ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn.