Skip to main content
x
30 November 2022

Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh  Lạng Sơn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban thường vụ Tỉnh ủy.Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

  Là giảng viên của trường chính trị tôi luôn cảm thấy mình thật vinh dự và tự hào khi được đứng trong đội ngũ giảng viên của ngôi trường mang tên đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh lạng Sơn, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người đặt nền móng cho sự nghiệp huấn luyện cán bộ theo đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây không chỉ là môi trường sư phạm đơn thuần mà cao hơn cả đó là nhiệm vụ đào tạo, cán bộ chủ chốt cho Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở trong toàn tỉnh.

Do vậy, Giảng viên trường Chính trị cần nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.Vậy giảng viên trường chính trị cần phải làm gì để thực hiện tốt được nội dung trên.

Đầu tiên, mỗi giảng viên của trường cần nhận diện được những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi, đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình” (1). Người chỉ rõ sở thích của những cán bộ mắc bệnh quan liêu là thích dùng mệnh lệnh, “thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách” (2); “ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hành hơn hết thảy, định đoạt mọi công việc, ở địa phương nào thì coi đó là một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích của toàn cục” (3). Người nhấn mạnh: “Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi” (4).

Như vậy, có thể hiểu: quan liêu là cách lãnh đạo thoát ly thực tế, đại khái, chung chung, chuộng hình thức, nặng về giấy tờ, ít kiểm tra, thiếu dân chủ, thích dùng mệnh lệnh hành chính, xa nhân dân, coi thường nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bảo thủ, hách dịch, chuyên quyền, độc đoán, thậm chí ức hiếp cán bộ cấp dưới và nhân dân.

“Chủ nghĩa cá nhân” là thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, những người mắc vào chủ nghĩa cá nhân “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”... ngại khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”(6). Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(7).

“Lối sống” là toàn bộ lề thói, cách thức cư xử, ăn, ở của một người, một tập thể người trong xã hội, thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt đến thái độ, hành vi, cách tư duy, lối ứng xử giữa con người với con người.

Con người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng nhất định, họ phải tuân thủ những quy tắc nhất định của cộng đồng, dần dần thành thói quen và trở thành lối sống cá nhân. Lối sống cộng đồng là những quy tắc được thừa nhận rộng rãi trong một cộng đồng người nào đó, được mọi thành viên tuân thủ gần như vô điều kiện và trở thành đương nhiên. Như vậy, lối sống là một thói quen có định hướng, thể hiện những đặc trưng văn hóa của mỗi người hay một cộng đồng.

Lối sống có sự thay đổi theo các điều kiện sống, sự thay đổi đó không phải lúc nào cũng mang tính tích cực, có không ít lối sống thay đổi theo hướng tiêu cực.

Lối sống quan hệ mật thiết với lẽ sống. Theo Đại từ điển tiếng Việt: “lẽ” là điều thường thấy ở đời, được coi là hợp với quy luật, với đạo lí(8). “Lẽ sống” chính là lối sống của cá nhân hay một cộng đồng người hợp đạo lý, hợp quy luật, là lối sống tiến bộ, được duy trì, phát triển cùng với sự phát triển, tiến bộ của con người và xã hội.

Như vậy, lẽ sống là nhân lõi của lối sống, quy định ý thức, tình cảm và mục tiêu của lối sống. Bởi vậy, để xây dựng lối sống tốt đẹp trong xã hội phải đặc biệt quan tâm xây dựng lẽ sống đúng đắn, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc và thời đại, giữ gìn lối sống tốt, loại bỏ lối sống xấu.

Lối sống tốt đẹp của con người là lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, vì tập thể, vì mọi người, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích tập thể và đất nước... Người có lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm là người có lập trường tư tưởng không vững vàng, bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc, say mê quyền lực, địa vị, khéo luồn lách, nịnh bợ, kéo bè, kết cánh, “móc ngoặc” trên dưới, trong ngoài để đạt mục đích cá nhân. V.I.Lênin chỉ rõ, những người cơ hội là những người lừng chừng về chính trị, họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”(9).

Lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, bè phái là biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Đây là biểu hiện thứ nhất trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

“Lợi ích nhóm” là biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống.

Quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, bè phái, “lợi ích nhóm” là các tệ nạn nguy hiểm đối với Đảng và chế độ. Những tệ nạn này có mối quan hệ với nhau và liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, bè phái, “lợi ích nhóm” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các tệ nạn này không còn khả năng phát triển, giảm dần, hạn chế và bị loại trừ.

Thứ hai, để tiếp tục nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, trong thời gian tới bản thân mỗi giảng viên Trường Chính trị cần xác định mình phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, phát huy truyền thống quê hương Xứ Lạng anh hùng. Chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

  Hai là, không ngừng rèn luyện, học tập, nghiên cứu khoa học. Nâng cao trình độ mọi mặt. Giữ gìn phẩm chất đạo đức, tác phong nhà giáo “Giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, mẫu mực về tác phong”.

  Thứ ba, quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp thân ái, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ cùng nhau tiến bộ; không cục bộ, bản vị, tự ty, tự lợi.

  Thứ tư, đối với công việc phải trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, công tâm, thường xuyên đổi mới lề lối, phương pháp, tác phong công tác. Nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao.

  Thứ năm, gương mẫu chấp hành nội quy, quy chế nhà trường đề ra; tham gia đầy đủ các hoạt động tại nơi cư trú; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí; phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, xây dựng gia đình văn hóa; tích cực xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa, đơn vị an toàn.

  * Tài liệu tham khảo

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.575, 575.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.376, 376.

(5), (8) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, 2002, tr.799, 558.

(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.444-445, 445.

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.239.

                                                                                               

                                                ThS.  Hoàng Ngọc Hiếu

                                                GV.  Khoa Nhà nước và Pháp luật