Skip to main content
x
9 June 2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt"[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất như một cơ thể chính trị - xã hội sống hoàn chỉnh, trong đó mỗi đảng viên là một tế bào cấu thành nên Đảng, đảng viên luôn là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của Đảng.Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đa số cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, nền nếp, tự tu dưỡng rèn luyện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn còn một bộ phận chưa thực sự cố gắng tu dưỡng, rèn luyện. Kết luận số 21-KL/TW đánh giá: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn còn hạn chế, khuyết điểm:một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm...

Để chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, Đảng đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó có nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Muốn thực hiện tốt được các nhóm giải pháp đó thì một trong những việc quan trọng đó là trách nhiệm của bản thân mỗi đảng viên cần tham gia vào công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, suy thoái.

Đảng bộ trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là Đảng bộ cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn, với tổng số 45 đảng viên, trong đó 44/45 đảng viên chính thức, đảng viên nữ có 25/45 đồng chí (chiếm 55,56%; đảng viên nam có 20/45 đồng chí (chiếm 44,44%). Đảng bộ trường luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, các đồng chí trong Đảng ủy có tinh thần trách nhiệm cao, đảng viên trong Đảng bộ luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, quy chế, quy định làm việc của cơ quan. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới đất nước ta phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, để thực hiện được nội dung đó, vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên rất quan trọng. Để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ đảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:

Một là, đảng viên cần nêu cao tinh thần tự giác trong nghiên cứu, học tập lý luận, Nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đề cao trách nhiệm của đảng viên trong nghiên cứu, học tập lý luận, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng đồng thời đây cũng chính là một trong 4 nhiệm vụ cơ bản được quy định trong Điều lệ Đảng, bắt buộc đảng viên phải thực hiện: "không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác"[2]. Việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước cần phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, thường xuyên đối với mỗi đảng viên. Chỉ khi nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mặt lý luận, hiểu biết thấu đáo các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì đảng viên mới có cơ sở để tin tưởng, làm theo và bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng, các nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên cần nghiêm túc tuân thủ chế độ học tập lý luận, nghị quyết của Đảng, bên cạnh đó nỗ lực tự nghiên cứu, học tập để bồi dưỡng lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tránh rơi vào suy thoái.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả"[3], nên mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, không ngừng học hỏi và cầu thị, thông qua các trường lớp để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thông qua môi trường công tác học tập đồng chí, đồng nghiệp. Có học hỏi, biết lắng nghe thì trình độ năng lực, tầm nhận thức và sự hiểu biết mới tăng lên, từ đó mới biết khiêm tốn, cầu thị, mới phát huy được ưu điểm, hạn chế được khuyết điểm.

Hai là, đảng viên cần nêu cao trách nhiệm trong tự rèn luyện, thực hiện nghiêm túc tự phê bình trong Đảng

Trách nhiệm của đảng viên trong tự rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Trong công việc không thể không có những khuyết điểm, hạn chế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi"[4]. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có dũng khí đối diện với khuyết điểm của chính mình, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng chí mình, tìm hiểu nguyên nhân của những khuyết điểm và khắc phục nó. Ngược lại, biết mình có khuyết điểm mà không chịu sửa đổi thì đó cũng là một trong những biểu hiện của bệnh tự kiêu. Việc hạn chế khuyết điểm và phát huy ưu điểm  phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, đúng như lời Bác đã căn dặn: "Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng.Đảng ngày càng phát triển"[5]. Để có thể sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm một cách tốt nhất, theo Người thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong của Đảng.

Mỗi cá nhân đảng viên không ngừng tự rèn luyện nâng cao nhận thức lý luận chính trị và đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời mỗi đảng viên phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình trong Đảng một cách thường xuyên, liên tục và hoan nghênh người khác phê bình, góp ý cho mình. Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, yêu cầu của nguyên tắc này là phải thực hiện thường xuyên, phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, tự phê bình mình trước, phê bình đồng chí mình sau, khi đã phát hiện ra khuyết điểm thì phải sửa chữa ngay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình như là chữa bệnh cứu người, cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, chân thành, người mà có khuyết điểm nhưng lại không thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì cũng như là có bệnh mà giấu bệnh, bệnh càng nặng thêm, phải thật thà tự phê bình và phê bình để làm rõ khuyết điểm, nguyên nhân từ đâu mà có những khuyết điểm đó để tìm cách khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm ấy. Thực hiện tốt nguyên tắc, phương pháp tự phê bình và phê bình không những giúp cho cán bộ, đảng viên tự nhận ra ưu điểm, hạn chế của mình mà còn giúp họ tự tìm ra cách phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế đó, khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải làm một cách triệt để, không nể nang, không thêm bớt, phải lấy lòng nhân ái mà phê bình, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thực hiện nghiêm túc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người"[6]. Tránh tình trạng lợi dụng phê bình mà xúc phạm nhau, triệt hạ lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái hòng trục lợi.

Ba là, đảng viên cần phát huy trách nhiệm trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay

Để phát huy trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thì tổ chức đảng cần phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định, nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Tạo môi trường công khai, dân chủ để mỗi đảng viên thực hiện quyền phát biểu ý kiến đóng góp của mình một cách thẳng thắn mà không sợ bị trù dập, trả thù. Cần có quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ người thẳng thắn, trung thực có những ý kiến đóng góp trái chiều.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, nghiên cứu lý luận, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn nêu cao trách nhiệm của đảng viên nhất là trong 3 mối quan hệ lớn của đảng viên là với mình, với đồng chí mình và với công việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong bất kỳ công việc nào, mọi hoạt động của con người được gói gọn trong 3 mối quan hệ:

- Mình đối với mình, chớ tự kiêu, tự đại, Hồ Chí Minh cho rằng: "Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình"[7].

- Mình đối với người, chớ nịnh hót, khinh người, Bác cho rằng: "Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới"[8].

- Mình đối với công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm"[9].

Như vậy, để thực hiện tốt trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong đấu tranh ngăn chặn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mỗi cán bộ, đảng viên nhà trường luôn thấm nhuần việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên cần tự giác học tập, rèn luyện, có kế hoạch cụ thể, thiết thực. Điều đó được thực hiện không chỉ bằng việc học thuộc lý luận, mà còn được thể hiện bằng những việc làm cụ thể nhất, từ trong thực tiễn cuộc sống đến công việc tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, để luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong tình hình mới, như khi tiếp cận, sử dụng các trang mạng xã hội, cần phải lưu ý chọn lọc những thông tin phù hợp, tham khảo những kênh thông tin chính thống.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, phức tạp, nếu mỗi cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng, sa sút về phẩm chất đạo đức sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của lợi ích cá nhân. Do đó cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản trên, sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới./.

ThS. Chu Minh Tâm

GVC. Phòng QLĐT & NCKH

 

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, HN-2011, T.15, tr.113

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, HN -2011 tr 8-9

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.5, tr.631

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.4, tr.192

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.5, tr.302

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.5, tr.272

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.6, tr.129-130

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.6, tr.130-131

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN-2011, t.6, tr.131