Skip to main content
x
4 May 2022

Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại - ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông liền một dải, từ địa đầu Lũng Cú đến chóp mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời. Nhân dân ta từ khắp mọi miền đất nước phấn khởi, vui mừng tự hào về thắng lợi của Đại thắng mùa xuân 1975, mốc son chói lọi, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đây là đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và tự chủ của nhân dân ta, dân tộc ta cũng là sự thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Vì vậy, hằng năm, khi tháng Tư về, trên mỗi con đường, hè phố, chúng ta không chỉ thấy hình ảnh cờ hoa rực rỡ kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn vang lên trên các phương tiện đại chúng những giai điệu của nhiều bài hát về những năm tháng hào hùng của dân tộc cùng ra quân trong mùa Xuân lịch sử năm 1975, sống với sự trào dâng cảm xúc về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những giờ phút “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam”; nhớ tới thời điểm lịch sử khi xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc lập và lá cờ giải phóng tung bay tại trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, khi triệu triệu người dân vỡ òa niềm vui sum họp…

1

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau: miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn; tại miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, thực hiện dã tâm xâm lược, thiết lập chính quyền tay sai, ra sức đàn áp, tàn sát nhân dân và lực lượng kháng chiến, áp đặt chế độ thống trị bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Do vậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm (1954-1975), là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, ác liệt nhất. Cuộc kháng chiến này phải trải qua nhiều giai đoạn, đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ. Đó là:

- Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

- Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công.

- Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

- Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu của Liên minh đặc biệt 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

- Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, mặc dù phải rút quân về nước nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục nuôi âm mưu dùng chính quyền ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường ngân sách, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chính quyền ngụy Sài Gòn lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam muốn giành được thắng lợi trọn vẹn vẫn là con đường bạo lực để giành chính quyền và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc.

Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được những thắng lợi cơ bản. Ta càng mạnh lên, quân đội ngụy Sài Gòn càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ, ngày càng có nhiều tiếng nói trong chính quyền, trong nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới phản đối, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Tháng 7/1974, Trung ương Đảng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với những thắng lợi trên toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó có thể quay trở lại miền Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định đẩy nhanh thực hiện kế hoạch trên đã đề ra.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 60 ngày chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị, quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, thu non sông về một mối, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1) .

Sau năm 1975, trước muôn vàn khó khăn, thách thức của một đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, lại bị Mỹ thực hiện chính sách bao vậy, cấm vận nhưng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vận dụng một cách sáng tạo tinh thần của Chiến thắng 30/4 vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, khởi xướng sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam vẫn vững vàng trên con đường đã chọn và con đường ấy ngày càng được hoàn thiện, từng bước được hiện thực hoá trên tất cả các lĩnh vực: đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ XHCN được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao...

Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam. Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sáng ngày 26/1/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành quả ấy được bắt nguồn từ ý thức của mỗi người dân Việt Nam về việc xây dựng một đất nước  hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển. Chiến thắng 30/4/1975 là mốc son vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam bước sang những trang sử mới. Một đất nước Việt Nam phát triển toàn diện đúng như nhận xét của ông R.MacNamara, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát biểu trước các nhà báo vào ngày 10/11/1995 : “Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”.

Hiện nay, trước bối cảnh thế giới, khu vực biến động phức tạp, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực thù địch tăng cường chống phá nước ta trên nhiều mặt; đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần Chiến thắng 30/4, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động đề ra phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “coi trọng sức khỏe và tính mạng con người là trên hết”,“mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và dư luận thế giới đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam mặc dù là nước đang phát triển nhưng đã thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng thế giới. Những thành tựu trong thực hiện "mục tiêu kép" đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giờ đây cả dân tộc vẫn đang trong hành trình bứt phá và làm nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích mà không gì có thể thay thế được, đó là Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, đó là con người Việt Nam thông minh, anh dũng, nhân hậu và khoan dung. Tinh thần Chiến thắng đã làm chúng ta sống lại không khí hào hùng của ngày đại thắng với niềm phấn khởi vô song bởi những thành tựu mà đất nước đạt được từ khi thống nhất đất nước đến nay. Kết quả này cũng chính là bệ phóng để Việt Nam tiếp tục thực hiện khát vọng hùng cường trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Phát huy tinh thần của Chiến thắng 30/4, chúng ta luôn tin tưởng rằng, mỗi người Việt Nam chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khát vọng hòa bình, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn./.

ThS. Nguyễn Thanh Xuân

GVC khoa Xây dựng Đảng

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam - Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb. Sự thật, H. 1977, tr. 289.