Skip to main content
x
9 September 2021

Nhà nước pháp quyền là vị thế pháp lý hay một hệ thống thể chế, nơi mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, từ cá nhân đơn lẻ cho tới cơ quan công quyền. Nhà nước pháp quyền như vậy liên hệ chặt chẽ với sự tôn trọng trật tự thứ bậc của các quy phạm, tôn trọng sự phân chia quyền lực và tôn trọng các quyền căn bản. Nhà nước pháp quyền hình thức Nhà nước cộng hoà trong đó Nhà nước xây dựng nên pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật. Mọi cơ quan Nhà nước đều phải được tổ chức và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong Nhà nước pháp quyền, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau. Vai trò của toà án được đề cao. Điều kiện để có một Nhà nước pháp quyền là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và kịp thời. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật và pháp điển hóa không ngừng được thực hiện. Nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.

  Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

  Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là quá trình xây dựng một Nhà nước do nhân dân bầu ra, xây dựng nên và tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Với quan điểm nhất quán đó là: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân[1]. Kế thừa tư tưởng đó, trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”[2]. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng, Nhà nước ta đã có những quan điểm cụ thể về nền dân chủ mà chúng ta xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành đất nước đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Đảng ta xác định Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức và thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Theo đó, việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta, thực chất là nhà nước lấy dân làm gốc, dựa vào dân, tin dân, bảo vệ dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân luôn được đặt ở vị trí “ông chủ” và thật sự được là chủ, được làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. Trong xã hội đó, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân luôn đi liền với nhau. Nghĩa là nhân dân có quyền làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân. Điều này, đã được Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân[3]. Do đó, trong chủ trương Đảng ta khẳng định: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[4]. Như vậy, không thể có chuyện Nhà nước là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân mà người làm chủ của Nhà nước đó lại không thực hiện bổn phận của mình đối với nhà nước, nên phải: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”[5].

Thực tiễn qua 35 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[6]; “Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”[7]. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta còn có những hạn chế nhất định trong xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, bộ máy nhà nước có một số mặt hoạt động còn lúng túng như giữa đổi mới đồng bộ kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội. Vai trò giám sát quyền lực của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có mặt chưa theo kịp tình hình phát triển của thực tiễn đất nước; một bộ phận cán bộ, viên chức phẩm chất, năng lực còn có những hạn chế nhất định, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Do đó, để xây dựng Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân cần phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, để thực sự đảm bảo quyền làm chủ và bảo đảm lợi ích của nhân dân:

Một là, tiếp tục tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước, đảm bảo nhà nước đó thực sự của dân, do dân, vì dân. Trước hết cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng: Chủ trương, đường lối, bằng công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp đúng cán bộ và làm tốt việc kiểm tra, giám sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ.

Hai là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương đồng thời khắc phục sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp; nâng cao uy tín và hiệu quả của hoạt động tư pháp.

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cải cách hành chính theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Theo đó, cần phải: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”[8].

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện bộ máy của nhà nước và quy chế hoạt động của bộ máy đó. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Bên cạnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Tóm lại, nhà nước phải thường xuyên phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với việc tăng cường, kỷ cương, phép nước, giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Tiếp tục tạo ra các hành lang pháp lý đa dạng hơn để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp./.

 

Th.S Lê Thị Thảo

Khoa Lý luận cơ sở

 

 

[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 232.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.176.

[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 232.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 173.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 174.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 71.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 72.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 176.