Skip to main content
x
1 September 2021

Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đã được Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn quan tâm triển khai thực hiện. Những kết quả đạt được đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác giảng dạy tại nhà trường.

1. Một vài nét về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức phá hoại, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trước tình hình chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Mục tiêu Nghị quyết số 35 là: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để chống phá, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, Nghị quyết đã tập trung nhấn mạnh về nội dung lãnh đạo đấu tranh tư tưởng và phương thức lãnh đạo đấu tranh tư tưởng trong thời kỳ mới, cụ thể như sau:

* Về nội dung lãnh đạo đấu tranh tư tưởng

Thứ nhất, lãnh đạo đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Về lý luận, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức phủ định tính khoa học, cách mạng, nhân văn và các giá trị cốt lõi phù hợp với thời đại của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tập trung tấn công vào những vấn đề nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất, như: về hình thái kinh tế - xã hội, về học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân...

Về thực tiễn, lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, chúng rêu rao lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng, rêu rao chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao của nhân loại, sẽ tồn tại vĩnh hằng.

Thứ hai, lãnh đạo phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh theo hai hướng. Một mặt, các thế lực thù địch phủ nhận nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng đây chỉ là “mớ lý thuyết hỗn độn nhằm đề cao, sùng bái cá nhân”, là “một di hại to lớn của lịch sử”, “Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu”... Mặt khác, chúng lại ra sức tuyên truyền, đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Thứ ba, lãnh đạo phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, các thế lực thù địch tập trung tấn công vào những vấn đề như: lựa chọn mục tiêu, mô hình phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hệ thống chính trị, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, lãnh thổ, đối ngoại...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội, phản động cũng đang tập trung chống phá hệ thống pháp luật, đòi tách hệ thống pháp luật của Việt Nam “độc lập” khỏi sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Thứ tư, lãnh đạo phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch chỉ tập trung đưa thông tin về những mặt tiêu cực, khoét sâu những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm của hệ thống chính trị; phóng đại những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, xung quanh vấn đề đất đai, môi trường, phân hóa giàu nghèo, phóng đại một số biểu hiện suy thoái của cá nhân cán bộ, đảng viên, một số việc làm vô cảm, mất lòng dân của cơ quan Nhà nước, thổi phồng những khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước...

Chúng hạ thấp những thành tựu phát triển của đất nước, như: Phủ nhận kết quả đạt được của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phủ nhận sự thay đổi tích cực trên tất cả các mặt của đất nước và đời sống xã hội của nhân dân, phủ nhận vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Chúng xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, phủ nhận những cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ năm, lãnh đạo đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Đặc biệt, chúng ra sức nói xấu, bôi nhọ đời tư, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Các Mác, Lênin, các lãnh tụ của Đảng, Anh hùng cách mạng, những người đã trở thành những tấm gương sáng trong lòng dân tộc Việt Nam. (1)

* Về phương thức lãnh đạo đấu tranh tư tưởng

Một là, cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng.

Hai là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua tổ chức đảng và đảng viên.

Ba là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua phát huy vai trò chính quyền nhân dân.

Bốn là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng. (2)

2. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng về vai trò của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; trong thời gian qua Đảng uỷ, Lãnh đạo Trường, các đoàn thể, chi bộ, các khoa, phòng tiếp tục thực hiện nội dung các giải pháp trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Chỉ đạo, triển khai, cụ thể hoá Kế hoạch số 111-KH/TU, ngày 02/7/2019 và Kế hoạch số 116-KH/TU, ngày 16/8/2019 của Tỉnh uỷ Lạng Sơn về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong từng mặt công tác của Đảng uỷ, nhà trường, các chi bộ, khoa, phòng; quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự kiên định của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với nền tảng tư tưởng của Đảng; trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 2015 đến nay, Trường đã triển khai thực hiện 13 đề tài NCKH cấp khoa, 16 đề tài NCKH cấp trường, các đề tài đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao; năm 2021, Trường đang triển khai thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Nội dung các đề tài tập trung nghiên cứu về triển khai thực hiện và vận dụng các Nghị quyết của Đảng vào thực tế trong công tác giảng dạy của trường; việc tăng cường, đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của trường; nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học, phần học do khoa phụ trách đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy gắn liền với việc đấu tranh phòng chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Trường đã tổ chức thành công 10 cuộc Hội thảo khoa học cấp trường với  286 bài viết đăng kỷ yếu, 75 bài tham luận tại Hội thảo; các khoa, phòng tổ chức trên 20 cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học khoa học cấp khoa… Chủ đề các cuộc hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa tập trung nghiên cứu về một số nội dung trong hệ thống các quan điểm của Mác Ăng ghen; học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bàn về việc triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Đảng vào thực tế của trường; các khoa tổ chức hội thảo khoa học gắn với nội dung chuyên môn, chuyên ngành với mục tiêu làm thế nào để giảng dạy tốt các môn học, phần học do khoa phụ trách… Có thể kể đến một số hội thảo khoa học nổi bật được nhà trường tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện trong thời gian quan như sau:

- Năm 2016, tổ chức thành công 02 cuộc Hội thảo khoa học: đợt I/2016 với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"; tổng số bài viết tham gia hội thảo 29 bài, 28 bài đăng kỷ yếu, 05 bài tham luận trực tiếp tại hội thảo; đợt II/2016 với chủ đề "Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ", hội thảo có 28 bài viết, 06 bài tham luận trực tiếp trong hội thảo.

  - Năm 2017, tổ chức thành công Hội thảo khoa học đợt I/2017 với chủ đề: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không ngừng học tập nâng cao trình độ, tư tưởng, phong cách khoa học, quần chúng, nêu gương"  với 21 bài đăng kỷ yếu, 10 tham luận đọc tại Hội thảo. Đợt II/2017 với chủ đề "Cách mạng tháng Mười Nga - giá trị và bài học lịch sử” có 22 bài tham luận in kỷ yếu, 08 bài tham luận đọc tại Hội thảo.

- Năm 2018, tổ chức 02 Hội thảo khoa học cấp trường: Đợt I với chủ đề: "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay", đợt II với chủ đề:“Nâng cao chất lượng hoạt động Nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên ở Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn”. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 61 tham luận gửi tới hội thảo và đã lựa chọn 57 bài tham luận đăng kỷ yếu và 16 bài tham luận tại hội thảo.

Phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học của Cụm thi đua số 2 các trường chính trị tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng. Trường có 01 bài tham luận tại Hội thảo và 04 bài được đăng kỷ yếu Hội thảo; phối hợp với Viện Triết - Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học đề tài khoa học cấp Nhà nước: "Thực hiện dân chủ trong vùng dân tộc thiểu số nước ta: Thực trạng, những vấn đề đặt ra"; nghiên cứu khảo sát tại 02 xã; xã Trùng Quán huyện Văn Lãng và xã Hải Yến huyện Cao Lộc.

- Năm 2019, Trường được giao tham mưu cho Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ (nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ 04/11/1909 - 04/11/2019) với chủ đề: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn”.

Tổ chức 01 cuộc hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng Tổ chức hội thảo, tọa đàm ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn”, có 22 bài tham luận đăng kỷ yếu và 6 bài tham luận tại hội thảo.

1

- Năm 2020, trường tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Tham gia Hội thảo khoa học cấp bộ nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri với chủ đề: “Đồng chí Lương Văn Tri - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn”.

2

Triển khai Biên soạn tài liệu soạn tài liệu học phần “Thực tiễn kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương” trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo yêu cầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có chuyên đề về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở tỉnh Lạng Sơn, chuyên đề Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở tỉnh Lạng Sơn.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW đến nay, trường đã xuất bản 05 số Bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” (2 số/năm), trong đó có 16 bài viết liên quan trực tiếp đến chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Chỉ đạo duy trì trang thông tin điện tử nhà trường, trong 3 năm, đã đăng tải có 102 tin, 98 bài viết, trong đó 22 bài viết liên quan đến chủ đề thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.

Từ những kết quả tích cực của công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đã cho cán bộ, giảng viên, học viên được chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, lồng ghép vào công tác giảng dạy để truyền đạt những chủ trương, đưỡng lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, nhất là việc truyền bá, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Qua đó giúp người học kiên định vào mục tiêu, định hướng mà Đảng đã đề ra, nhìn nhận, đánh giá và tích cực đấu tranh để phản bác lại các luận điệu sai trái của các thể lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng. Từ những kết quả đó, trong những năm qua không có cán bộ, giảng viên, học viên của trường vi phạm các quy định của Điều lệ Đảng, tiếp tay hoặc xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây cũng là hoạt động góp phần tích cực vào việc đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới

Để góp phần nâng cao các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" đạt được hiệu quả và chất lượng cao hơn nữa, thời gian tới Trường tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung đổi mới để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn cũng như các quan điểm của Đảng trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng, chống phá Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền tới đảng viên và quần chúng, nhất là học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng về vị trí, ý nghĩa và vai trò của Nghị quyết số 35-NQ/TW với nhiều hình thức khác nhau, trong đó đẩy mạnh lồng ghép với các hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên giúp học viên hiểu rõ và nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấy rõ bản chất phản động của những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch…

Thứ ba, Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời luận giải những vấn đề lý luận mới, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận trong nhận thức xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” và trang Thông tin điện tử của nhà trường. Duy trì đăng tải các tin, bài, phóng sự về việc thực hiện đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên các ấn phẩm do trường quản lý. Đồng thời đa dạng hóa các nội dung, hình thức đưa tin để phản ánh kịp thời các hoạt động về việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương cũng như của trường.

 Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, giám sát các chi bộ, đảng viên và quần chúng trong việc chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với sai phạm.

Thứ năm, đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, gắn liền với thực hiện đấu tranh phản bác, chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tăng cường chống phá sự nghiệp Cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Âm mưu cơ bản, xuyên suốt và lâu dài của các thế lực thù địch là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phụ thuộc chúng. Với vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, tin tưởng rằng khi những giải pháp đề ra được triển khai thực hiện, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.

  (1), (2) Nguyễn Hồng Hải - Nội dung, phương thức lãnh đạo đấu tranh tư tưởng của cấp ủy và lực lượng tuyên giáo các cấp hiện nay, Tuyengiao.vn -13/8/2019.

ThS. Nguyễn Đức Quý

                   TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ