Skip to main content
x
23 June 2021

Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 113 quy định: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Điều này đã khẳng định rõ vị thế của Hội đồng nhân dân trong tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương.

Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND)  phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Để đại biểu HĐND cấp xã có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, thì việc từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết.

1. Thực trạng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ  2016-2021

* Kỹ năng tiếp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND

Nhiệm kỳ 2016 – 2021 hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND luôn được quan tâm đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đồng thời cử tri cũng tham gia, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về cơ chế, chính sách đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội và những tồn tại yếu kém đang vướng mắc tại cơ sở. Việc tiếp xúc với cử tri được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai, các tài liệu được chuẩn bị đầy đủ, nghiên cứu kỹ nội dung, xây dựng đề cương trước khi trình bày. Trong nhiệm kỳ vừa qua đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri được 562 cuộc (trong đó tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề được 346 cuộc, tổ chức tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, tại các khu dân cư được 461 cuộc, tổ chức tiếp xúc cử tri 3 cấp được 37 cuộc), với 36.092 lượt cử tri tham dự, tổng hợp được 702 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Đảng, nhà nước và chính quyền các cấp thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh.

* Kỹ năng giám sát tại kỳ họp của đại biểu kỳ họp Hội đồng nhân dân

Giám sát tại kỳ họp là hoạt động chủ yếu của HĐND, thông qua việc xem xét, thảo luận các báo cáo công tác của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phân tích, thảo luận, đóng góp những nội dung quan trọng; làm rõ những vấn đề còn hạn chế; đề xuất những giải pháp trong triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa có tính chất kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, vừa để đánh giá mức độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn, vừa là cơ sở phục vụ cho công tác thẩm tra, xem xét, phản biện các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh trình kỳ họp đảm bảo chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tại kỳ họp các đại biểu HĐND nhận thức rõ tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, thời gian qua, tại các kỳ họp HĐND tỉnh đều dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn và được chuẩn bị chu đáo; đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận chung tại hội trường. Các đại biểu HĐND dành nhiều thời gian để nghiên cứu tại liệu  trên  các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Sử dụng thành thạo các kỹ năng như:  kỹ năng thuyết trình,  kỹ năng trả lời chất vấn, kỹ năng giám sát. Trong nhiệm kỳ, đã có 96 nội dung chất vấn được gửi đến kỳ họp chủ yếu tập trung đề nghị làm rõ các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; thu ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; tiến độ, chất lượng các công trình, các dự án trọng điểm; công tác quản lý đô thị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường; các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thực hiện chính sách dân tộc; hoạt động của các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và nhiều vấn đề khác mà cử tri quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được còn có những hạn chế khó khăn sau:

Chương trình, nội dung kỳ họp vẫn còn thay đổi so với dự kiến, có nghị quyết ban hành chưa sát thực tiễn.  Một số kiến nghị của đoàn giám sát có lúc chưa cụ thể, việc tổ chức thực hiện kết luận giám sát ở một số đơn vị chưa nghiêm túc, công tác kiểm tra đơn vị thực hiện các kết luận của đoàn giám sát chưa được thường xuyên. Hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu mới chỉ là tiếp xúcvới cử tri trước và sau kỳ họp; việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề chưa được nhiều. Việc tổ chức giám sát, khảo sát phục vụ thẩm tra các nội dung kỳ họp HĐND  chưa nhiều. Hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề còn hạn chế. Ý thức và tinh thần trách nhiệm của một số đại biểu HĐND chưa thực sự được phát huy.

2. Một số giải pháp nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026

Để nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực, trách nhiệm, vai trò của đại biểu HĐND

Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp, nhất là đối với các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm; việc tập huấn phải được triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ và tổ chức thường xuyên hàng năm, ngoài ra Thương trực HĐND các cấp tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm cho các đại biểu HĐND với các địa phương khác. Các đại biểu HĐND cần phải tăng cường đi thực tế cơ sở, theo dõi giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời, dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu các tài liệu để chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng. Các cơ quan, đơn vị có đại biểu tham gia HĐND các cấp quan tâm tạo điều kiện để đại biểu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Hai  là, Đổi mới phương thức hoạt động của đại biểu HĐND     

Trong tiếp xúc cử tri: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh về giữ mối liên hệ với cử tri; chịu sự giám sát của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân; trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cử tri, giải đáp những vấn đề mà cử tri quan tâm. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc cử tri hướng về cơ sở, thôn, bản, khối phố, cơ quan, doanh nghiệp, theo từng chuyên đề và mở rộng loại hình tiếp xúc cử tri. 

Trong hoạt động giám sát: Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát toàn diện của HĐND qua các báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, tăng cường hoạt động giám sát tại các kỳ họp. Xây dựng nội dung chương trình kỳ họp đảm bảo chất lượng, phù hợp; thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục, quy định về thời gian trong việc xây dựng, thẩm tra và ban hành nghị quyết; nâng cao chất lượng thẩm tra hồ sơ dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh.  Xây dựng chương trình họp hợp lý, khoa học, dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; đảm bảo công tác điều hành kỳ họp linh hoạt, dân chủ, khoa học. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát toàn diện của HĐND qua các báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân, tăng cường hoạt động giám sát tại kỳ họp.  Xây dựng quytrình giám sát, tăng cường hình thức hoạt động giám sát chuyên đề. Kết luận và kiến nghị giám sát một cách chính xác, kịp thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tái giám sát các cấp các ngành thực hiện và giải quyết các kết luận và kiến nghị giám sát. Những vấn đề lớn có thể đưa ra các kỳ họp HĐND tỉnh để cho ý kiến giải quyết. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng công tác cho đại biểu HĐND.

  Ba là, đổi mới lề lối làm việc của đại biểu HĐND

Đảm bảo duy trì chế độ giao ban thường xuyên trong Thường trực HĐND tỉnh. Tổ chức giao ban định kỳ giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố; giữa Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố với Thường trực Hội đồng nhân dân các xã, phường, thị trấn đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, lãng phí. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng điều hòa hoạt động các cơ quan của HĐND. Xác định rõ hoạt động trọng tâm trọng điểm trong từng thời gian để tập trung lãnh đạo Nghiên cứu ban hành hướng dẫn công tác thi đua của đại biểu HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND. Các Ban của HĐND tỉnh cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định; tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động giữa các Ban của HĐND tỉnh với các Ban của HĐND cấp huyện, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Bốn là, Tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động giữa HĐND tỉnh với UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

Tiếp tục tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND tỉnh; chuẩn bị nội dung kỳ họp; giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, giám sát, tiếp xúc cử tri và công tác dân nguyện.

Năm là, đảm bảo các điều kiện hoạt động cho HĐND tỉnh

Xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức, lề lối làm việc, tập trung thật tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp trực tiếp phục vụ hoạt động của HĐND; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ quy hoạch, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ; tiếp tục quan tâm cải thiện cơ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật để phục vụ các hoạt động thường xuyên của hội đồng nhân dân. Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cung cấp tài liệu, các văn bản có liên quan, nhất là tài liệu về chủ trương, chính sách mới của Đảng, nhà nước và thông tin về đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, tài liệu của kỳ họp HĐND, các báo cáo hoạt động của UBND và HĐND hàng tháng, quý  phải được cung cấp đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND các cấp thực hiện tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát tại địa phương, cơ sở.  Vấn đề phụ cấp của đại biểu HĐND là vấn đề vừa đảm bảo quyền lợi, vừa mang tính chất động viên khuyến khích tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND để họ phát huy hết khả năng của mình với nhiệm vụ được giao./.

                                                                    Hoàng Xuân Yến

                                                             Khoa Nhà nước và pháp luật