Skip to main content
x
11 September 2020

      - Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng nông thôn mới rộng khắp các vùng nông thôn. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Những kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của nông dân, những “chủ thể” quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn.

      Với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã mạnh dạn sửa đổi, bổ sung các quy định, bộ tiêu chí, cơ chế quản lý, đồng thời sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, coi trọng công tác quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

      Tổng kết phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo qua đó tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn; văn hóa, môi trường có sự chuyển biến tích cực thông qua việc chỉ đạo hình thành các khu dân cư kiểu mẫu có những nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững, qua đó đã tạo được niềm tin sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

      Là một tỉnh có xuất phát điểm thấp, số lượng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xác định thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được coi là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này tỉnh  đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng tập trung, không dàn trải, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã được thực hiện có hiệu quả, gắn với việc xác định sản phẩm chủ lực, phát triển các cây, con, làng nghề, nghề truyền thống, có thế mạnh tại địa phương hiện có, có lợi thế cạnh tranh; khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGap gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác, bao bì nguồn gốc xuất xứ, tiến tới liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

      Cụ thể như các Mô hình phát triển kinh tế điển hình: Nuôi ong mật tại xã Vân Thủy, nuôi Gà vàng tại xã Vạn Linh, trồng Na (huyện Chi Lăng); trồng Hồng vành khuyên tại xã Tân Mỹ, trồng Chanh leo theo hướng bền vững tại xã Tân Việt (huyện Văn Lãng); trồng Quýt kết hợp du lịch sinh thái, trồng Thuốc lá, nuôi cá Trắm giòn, trồng lúa Nếp cái hoa vàng (huyện Bắc Sơn); nuôi Gà 6 ngón thương phẩm và trồng Chanh leo theo hướng hàng hóa, nuôi chim Cút, Ngựa bạch (huyện Lộc Bình); trồng Đào, Rau an toàn, Nho không hạt, Hạt dẻ (thành phố Lạng Sơn); trồng Quýt tại xã Kim Đồng, nuôi trâu thịt tại xã Tri Phương, Thạch đen (huyện Tràng Định); trồng hồng Bảo Lâm, Rau an toàn (Cao Lộc); trồng Bưởi diễn, Cam canh (huyện Hữu Lũng); trồng Gạo nhật, Nghệ đen (huyện Văn Quan); Thông, Chè, vườn ươm (huyện Đình Lập); mô hình nuôi bò, trồng Quýt (huyện Bình Gia). Bên cạnh đó là các gương điển hình làm kinh tế giỏi như Hộ gia đình ông Hoàng Văn Dũng, thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc với mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi cho thu nhập trên 350 triệu/năm; ông Lành Văn Lôi, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia cầm, lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/năm; ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình sản xuất Na gối vụ và được bình chọn Sao thần nông - cho mùa bội thu”; bà Dương Thị Chào, khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn với mô hình chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; ông Hoàng Văn Dương, thôn Cưởm Trên, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan với mô hình phát triển kinh tế VACR thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Huấn, thôn Bờ Lình, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng với mô hình chăn nuôi lợn, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn với mô hình trồng Quýt, nuôi trâu, lợn, gà, thu nhập trên 450 triệu đồng/năm; ông Nông Văn Cương, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập với mô hình trồng rừng, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; ông Hoàng Văn Kời, thôn Nà Vước, xã Tân Văn, huyện Bình Gia với mô hình vườn - ao - chuồng...  

      Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn đã huy động tổng nguồn (số liệu dự kiến đến năm 2020) là 28.141.398 triệu đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 19.685.390 triệu đồng (tăng 2,33 lần so với giai đoạn 2010-2015)1.  Xác định xây dựng nông thôn mới thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nên cách làm của tỉnh cũng linh hoạt, không bị gò bó, trói mình trong một khuôn mẫu, mô hình cụ thể. Tỉnh luôn xác định vai trò người nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nên đã hỗ trợ, cổ vũ người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình liên kết “bốn nhà” gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước được coi là “chìa khóa” để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo lực đẩy đưa lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiến nhanh hơn, vững chắc hơn. Sự gắn bó của bốn nhà này càng hiệu quả, càng chuyên nghiệp thì sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuyên môn hóa cao, tăng giá trị hàng hóa nông sản. Đây là một cách làm mới, góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế, tập quán sản xuất, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường.

      Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống” và “nơi muốn sống”. Những kinh nghiệm từ thực tiễn và cách làm sáng tạo, chủ động đã giúp tỉnh triển khai hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu. Với tỉnh Lạng Sơn, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới không phải là mục tiêu hàng đầu mà quan trọng là phát huy và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, trong đó đặc biệt xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là chiến lược phát triển của tỉnh với mục tiêu cao nhất là nông thôn phát triển bền vững, nông dân thật sự được hưởng những thành quả mà nông thôn mới đem lại.

      Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, với sự hỗ trợ từ trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, dự kiến năm 2020 tỉnh tiếp tục đặt kế hoạch xây dựng 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 77 xã, bình quân 01 xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 12 - 12,5 tiêu chí. Đối với 05 xã điểm đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 theo đúng kế hoạch; 20 xã biên giới phấn đấu đạt bình quân 12 tiêu chí/xã. Cấp huyện lựa chọn mỗi huyện một xã có ít nhất từ 2-3 thôn tiêu biểu để xây dựng "khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu"; xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xét công nhận được bình quân 20 vườn mẫu/năm; Giảm số xã dưới 10 tiêu chí xuống còn 70 xã, chiếm 33,8%.  Phấn đấu 100/189 thôn (chiếm 53%) được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới đối với 18 xã biên giới đặc biệt khó khăn theo đúng kế hoạch đề ra.Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; tổ chức thực hiện chương trình bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích; tập trung phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, tỉnh cũng yêu cầu các xã đạt chuẩn nông thôn mới có kế hoạch, lộ trình cụ thể giữ vững nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đối với những xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020, các địa phương phụ trách cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên phê duyệt thủ tục liên quan để các xã cán đích đúng lộ trình…

* Trích dẫn:

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn: Báo cáo số 419 BC-UBND ngày 27-9-2019, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2020.

(2) Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn: Báo cáo số 419 BC-UBND ngày 27-9-2019, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2020.

                                                                                                        ThS. Trần Văn Tuân

                                                                                                  Khoa lý luận cơ sở