Skip to main content
x
29 November 2019

     Tri Phương là xã vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, có tổng diện tích tự nhiên là 4614,33ha, dân số 5249 nhân khẩu với 1449 hộ. Đảng bộ xã có 281 đảng viên đang sinh hoạt ở 13 chi bộ (trong đó có 09 chi bộ nông thôn và 04 chi bộ trường học).
     Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Tràng Định về công tác phát triển đảng viên, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch về tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nhằm từng bước tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ đảng viên ngày càng phát triển về số lượng và mạnh về chất lượng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ.
     Tuy nhiên, cũng như nhiều Đảng bộ cơ sở khác trên địa bàn huyện, Đảng bộ xã Tri Phương cũng gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đảng viên do thiếu nguồn và hạn chế trong tạo nguồn. Bởi trong điều kiện hiện nay, do kinh tế khó khăn đã có một lượng lớn đoàn viên thanh niên (đối tượng chính để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng) đã rời khỏi địa phương đi làm ăn xa; một bộ phận không nhỏ đoàn viên thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề, hoặc xin vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, một số quần chúng thanh niên ở lại địa phương nhưng cũng chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, không muốn bị ràng buộc trong tổ chức, chưa có ý thức phấn đấu bởi suy nghĩ hồn nhiên là vào Đảng gò bó, trách nhiệm nặng nề, đi họp mất buổi vào rừng làm nương, chăn trâu, nếu không được làm cán bộ thì không vào Đảng...
     Đồng chí Đinh Văn Ninh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tri Phương cho biết: Xác định tạo nguồn và phát triển đảng viên có vai trò quan trọng nhằm tăng sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa, Đảng ủy đã từng bước khắc phục khó khăn, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc bám sát thực tiễn cơ sở, tìm ra những giải pháp phù hợp, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên hàng năm cũng như cho cả nhiệm kỳ. Cụ thể:
     Thứ nhất, tìm nguồn kết nạp đảng viên.
     BCH Đoàn xã đã tăng cường chỉ đạo các chi đoàn thôn dân cư tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chủ động rà soát, nắm bắt số lượng đoàn viên thanh niên đang sinh sống và tham gia sinh hoạt thường xuyên tại các tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn cũng như những thanh niên đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp có đủ điều kiện, có lý tưởng, nguyện vọng được kết nạp Đảng để giúp đỡ, giới thiệu và đề nghị kết nạp Đảng cho họ.
     Đồng thời, tiến hành rà soát các đối tượng quần chúng là bộ đội xuất ngũ, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trở về tham gia lao động, sản xuất tại địa phương; từ đó chủ động tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục, tạo điều kiện để họ phấn đấu rèn luyện được đứng trong hàng ngũ của Đảng...
     Bên cạnh đó, chi bộ cũng chú trọng tới nguồn đối tượng kết nạp đảng là hội viên, cán bộ lãnh đạo các hội, đoàn thể ở thôn, mở rộng nguồn phát triển Đảng từ các nhà trường có những tiêu chí phù hợp. Nếu xét quần chúng có đủ điều kiện thì kịp thời bồi dưỡng, giáo dục giúp đỡ họ phấn đấu vào Đảng.
     Thứ hai, thay đổi nhận thức của quần chúng về việc vào Đảng. Trước đây, nhiều quần chúng trẻ có suy nghĩ nếu kết nạp vào Đảng thì không được đi ra khỏi địa phương mà phải ở nhà để cống hiến. Cách suy nghĩ này chưa đúng. Hiện nay, số thanh niên có xu hướng đi làm ăn xa ngày càng nhiều khiến việc kết nạp Đảng ở chi bộ thôn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền để làm thay đổi cách nghĩ đó, sau khi được kết nạp vào Đảng mà đi làm ăn xa thì vẫn chuyển sinh hoạt Đảng đến tổ chức Đảng nơi khác và vẫn cống hiến được, sau khi trở về địa phương sẽ là nguồn cán bộ cho địa phương.
     Đồng chí Ninh nhấn mạnh: "Từ sự quan tâm bồi dưỡng, chúng tôi lựa chọn quần chúng ưu tú và giới thiệu cho chi bộ, tổ chức Đảng bồi dưỡng, giúp đỡ và đưa các đối tượng này đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, phân công các đồng chí đảng viên trong chi bộ giúp đỡ, đồng thời hoàn thành các thủ tục kết nạp Đảng nhanh nhất, tạo động lực cho đảng viên mới kết nạp thấy được vào Đảng là niềm vinh dự rất lớn, từ đó nhiệt tình phấn đấu và trung thành với lý tưởng của Đảng mà mình đã lựa chọn”.
     Nhờ những biện pháp tích cực đó mà trong thời gian qua, công tác phát triển đảng ở Đảng bộ luôn được duy trì. Trung bình mỗi năm, chi bộ kết nạp được từ 7 - 10 đảng viên. Năm 2018 kết nạp được 10 đảng viên. Đảm bảo đủ số lượng, chỉ tiêu cấp trên giao. Số đảng viên mới kết nạp đều đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Hầu hết các đảng viên mới được kết nạp đều nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong tất cả các lĩnh vực, được nhân dân tín nhiệm bầu đảm nhiệm một số chức vụ ở cơ sở.
     Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên, Đảng bộ xã Tri Phương đã rút ra 1 số kinh nghiệm sau:
     Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cấp ủy ở cơ sở về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, đồng thời quán triệt phương châm kết nạp đảng viên. Trong các kỳ sinh hoạt ở chi bộ, Đảng ủy xã tổ chức các buổi tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và cấp ủy ở cơ sở về công tác phát triển đảng viên, góp phần bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên địa bàn dân cư. Quán triệt các chi bộ phải thực hiện nghiêm túc phương châm kết nạp đảng viên coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm nguyên tắc, theo quy trình chặt chẽ. Hướng dẫn các chi bộ thực hiện đầy đủ các khâu: khảo sát, đánh giá nguồn, thống kê số lượng, phân tích đánh giá về chất lượng nguồn kết nạp Đảng, chú trọng chất lượng nguồn bồi dưỡng.
     Thứ hai, tăng cường chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã đối với các chi bộ trong công tác phát triển đảng viên. Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ, giao chỉ tiêu kết nạp Đảng dựa trên điều kiện thực tế của từng chi bộ để kịp thời phát hiện những quần chúng ưu tú, tạo điều kiện giáo dục, bồi dưỡng để họ phấn đấu vào Đảng. Hàng tháng, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Đảng ủy viên trực tiếp về sinh hoạt ở các chi bộ để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác kết nạp Đảng, có giải pháp tháo gỡ kịp thời; thực hiện nghiêm các khâu rà soát, đối chiếu, thẩm định chặt chẽ hồ sơ, đưa ra khỏi danh sách đối tượng kết nạp Đảng những quần chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định có như vậy mới tạo được niềm tin với quần chúng nhân dân.
     Thứ ba, đẩy mạnh công tác tạo nguồn, quản lý nguồn và bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú. Đảng ủy tăng cường chỉ đạo các chi bộ phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên chính thức làm công tác tạo nguồn và giúp đỡ quần chúng (khi đủ 12 tháng trở lên).
     Phân công cấp ủy viên phụ trách tổ chức đoàn thể ở cơ sở hướng dẫn, củng cố, tổ chức, phát triển hội viên, lựa chọn quần chúng tiêu biểu thông qua các phong trào hoạt động đưa vào nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên.
     Các chi bộ thực hiện đảm bảo yêu cầu quản lý tốt nguồn kết nạp đảng viên, thực hiện đảm bảo 3 bước: quản lý nguồn, đánh giá chất lượng nguồn và phân công theo dõi giúp đỡ quần chúng ưu tú. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy trình, hướng dẫn quần chúng khai lịch sử chính trị, các yêu cầu của hồ sơ, xác minh thẩm tra hồ sơ đảm bảo thời gian.
     Thứ tư, Đảng ủy cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, trong việc thực hiện công tác phát triển đảng viên và tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phát triển đảng viên của chi bộ điển hình. Thường xuyên củng cố, xây dựng tổ chức Đảng ở thôn, nhất là các chi bộ có dưới 5 đảng viên. Lồng ghép nội dung sinh hoạt của tổ chức đoàn thể với các hoạt động của công tác phát triển đảng viên, tạo điều kiện đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... qua đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp.
     Qua kinh nghiệm ở xã Tri Phương cho thấy, khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên là thực tế chung. Tuy nhiên, nếu có giải pháp phù hợp thì công tác phát triển đảng viên vẫn đạt hiệu quả cao. Làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên giúp Đảng ủy xã Tri Phương có thêm trí tuệ tập thể, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
                                                                                                       ThS. Nguyễn Thanh Xuân
                                                                                                      GV Khoa Xây dựng Đảng