Skip to main content
x
26 November 2019

     Lạng Sơn có 231 km với 474 cột mốc biên giới với nước bạn Trung Quốc, là cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, là tỉnh có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân biên giới. Sau 10 năm (2009 - 2019) hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc và thực hiện 3 văn kiện, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định. Công tác phối hợp quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa các lực lượng hai bên biên giới đi vào nền nếp, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội hai bên biên giới, góp phần củng cố quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
     Thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021", cấp ủy, chính quyền các huyện, các xã, thị trấn biên giới và các đồn Biên phòng đã chủ động nghiên cứu, biên soạn nội dung đề cương PBGDPL, tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân; kết hợp, lồng ghép trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, khu dân cư, thôn, bản, chương trình ngoại khóa của các trường học trong địa bàn khu vực biên giới, tổng số được 1.245 buổi, thu hút trên 85.340 lượt người dự nghe. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật như: Luật Biên giới quốc gia; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Đất đai; Ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Nghị định số 34/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;...
     Các hình thức tuyên truyền PBGDPL được thực hiện đa dạng, phong phú như: biểu diễn Văn nghệ, lồng ghép tuyên truyền pháp luật bằng các tiểu phẩm, kịch ngắn, như: "“Tiếng chuông cảnh tỉnh"”, “Tội ác không thể dung thứ”“Đừng tin lời rắn độc”… xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo như: Chuyên mục “Thông tin pháp luật”, “Pháp luật với cuộc sống”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, “Thông tin tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”… Các huyện biên giới thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn biên giới xây dựng, củng cố, kiện toàn mô hình Câu lạc bộ pháp luật và Tổ Hòa giải ở khu dân cư. Đến nay, 100% các thôn, bản, khối phố trong khu vực biên giới có Tổ Hoà giải, duy trì hoạt động hiệu quả, phục vụ nhu cầu tư vấn, hỏi đáp pháp luật cho Nhân dân, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ, không để tạo thành vụ việc phức tạp trong khu dân cư.
     Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Tỉnh đoàn Lạng Sơn chỉ đạo Hội Phụ nữ, Huyện đoàn Cao Lộc và đồn Biên phòng Ba Sơn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương tổ chức Tọa đàm “Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Xuất Lễ đấu tranh phòng, chống ma túy, xây dựng hạnh phúc gia đình”, Diễn đàn Thanh niên “Cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh xã Xuất Lễ nói không với ma túy” tại xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, thu hút 860 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ dự nghe, đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, hội viên, đoàn viên và người dân, phát huy sức mạnh cộng đồng để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
     Các đơn vị và địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật và hướng dẫn của cấp trên về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, gắn với thực hiện nội dung Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017 - 2021”. Đến nay, 100% các xã, thị trấn biên giới và các đồn Biên phòng đều có Tủ sách, Ngăn sách pháp luật, mỗi Tủ sách, Ngăn sách có từ 90 đến 150 đầu sách, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân trong địa bàn biên giới
     Các đồn Biên phòng tiếp tục phát huy tốt mô hình “Biên giới với học đường”, đã phối hợp với các trường học, tổ chức được 12 lần với 1.255 học sinh và giáo viên tham quan hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới trên thực địa, kết hợp tuyên truyền pháp luật về biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trách nhiệm công dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
     Có thể nói, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các xã, thị trấn biên giới phối hợp chặt chẽ với các đồn Biên phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền PBGDPL tại đơn vị và các địa phương, phù hợp với khả năng nhận thức, tiếp thu của các loại đối tượng; gắn công tác PBGDPL với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương; qua đó không ngừng nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của cán bộ, Nhân dân biên giới, góp phần thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia.
     Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
     1. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác PBGDPL, xác định nội dung trọng tâm, khâu đột phá, giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
     2. Củng cố, kiện toàn và thành lập mới các mô hình, câu lạc bộ pháp luật và duy trì hoạt động nền nếp và có chất lượng; đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, PBGDPL cho từng nhóm đối tượng và từng địa bàn; tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; duy trì hoạt động có hiệu quả tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, thị trấn biên giới.
     3. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp đảm bảo trình độ, năng lực đáp ứng việc tuyên truyền PBGDPL; thực hiện tốt việc biên soạn đề cương, tờ rơi, tờ gấp phù hợp để tuyên truyền và phát hành trong nhân dân.
     4. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; nghiên cứu, nắm chắc tình hình, đặc điểm của từng nhóm đối tượng tuyên truyền, phong tục tập quán của địa phương để cần xác định hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền cho phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực.
     5. Xây dựng, củng cố, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung tủ sách, ngăn sách pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương.
                                                                                                 ThS. Phạm Ngọc Tuệ
                                                                                     Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng