Skip to main content
x
26 November 2019

     Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ; Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn, về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ về tái cơ cấu nông nghiệp xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ngày 27/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chi Lăng khoá XXII đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/HU, về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Chi Lăng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
     Nhận thức được tầm quan trọng của yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, cán bộ đảng viên và nhân dân đã thực sự quan tâm và tham gia tích cực đối với phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất tiếp tục tăng đặc biệt trong phát triển các loại cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; nhận thức, tư duy của nhân dân về đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng hàng hóa được nâng cao.
     Một số vùng sản xuất tập trung đã được hình thành nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đã xây dựng và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tập trung: Vùng nguyên liệu thuốc lá với quy mô gần 800 ha; Vùng lạc với quy mô 500 ha trở lên; Vùng ớt (Năm 2019, diện tích cây ớt đạt trên 500 ha), áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; Vùng na với quy mô 1.650 ha trở lên; Vùng hồi với quy mô 1.400 ha trở lên; Vùng thông với quy mô trên 12.000 ha; Vùng keo, bạch đàn với quy mô trên 14.000 ha, vận động người dân đầu tư thâm canh, chăm sóc để rừng phát triển tốt.
     Một số xã, thị trấn đã tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến.
     Các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển; nhiều ngành nghề đã hình thành, phát triển ở các vùng, địa bàn khác nhau. Củng cố và thành lập mới các Hợp tác xã, Tổ hợp tác thương mại và dịch vụ, phát triển kinh tế trang trại để tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa và thu mua nông sản cho nông dân.

     Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mặc dù tổng diện tích gieo trồng có xu hướng giảm nhưng huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, như đẩy mạnh áp dụng sản xuất lúa cải tiến SRI, trồng ngô mật độ dày; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao như: F1 CP 134, LS55, Sán ưu, Nhị ưu 986, SNY6, CR 203, sản xuất rau áp dụng theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP). Bước đầu đã xuất hiện các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất sản phẩm; thông qua tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển sản xuất theo hướng bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
     Tính đến tháng 6/2019, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 3.650 ha. Triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất Na an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và ký cam kết sản xuất Na an toàn trên toàn bộ diện tích nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phát triển cây ăn quả có múi (bưởi diễn, bưởi da xanh, cam canh); áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến đem lại giá trị và hiệu quả trong sản xuất.
     Tập trung chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: Cao khô Vạn Linh, rau bò khai, Ngựa bạch Hữu Kiên. Đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ các Hợp tác xã về nhãn mác, bao bì nhận diện cho một số sản phẩm như: Na Chi Lăng; Cao khô Vạn Linh; Mật ong Vân Thủy; rau an toàn xã Quang Lang, Ngựa bạch Hữu Kiên. Tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản với các tỉnh và Thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Qua các hội nghị, các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tìm được đối tác tại Hà Nội và các tỉnh trên địa bàn toàn quốc để hợp tác tiêu thụ sản phẩm; hình thành và phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
     Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là thương hiệu Na Chi Lăng, nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong 03 năm 2017, 2018, 2019 huyện Chi Lăng đã phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức thành công Ngày hội Na Chi Lăng. Các hoạt động quảng bá về Ngày hội Na Chi Lăng, sản phẩm na sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP cùng với mẫu mã, bao gói đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thương hiệu na Chi Lăng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin dùng giúp cho sản phẩm Na Chi Lăng tiêu thụ gặp nhiều thuận lợi hơn, giá cả ổn định và tăng 30% so với năm 2016 cụ thể: Năm 2016 diện tích na 1.500 ha, sản lượng na đạt 15.000 tấn, giá bình quân 20.000 đồng/1kg, giá trị kinh tế ước đạt 300 tỷ đồng. Năm 2019, diện tích na khoảng 1.650 ha, sản lượng ước đạt 16.500 tấn, giá bán bình quân đạt 40.000 đồng/kg, giá trị sản xuất na năm 2019 ước đạt gần 700 tỷ đồng tăng gấp 02 lần so với năm 2016.Thương hiệu Na Chi Lăng đã vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận là thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng trong tốp 10 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” trong 02 năm liên tiếp (năm 2018, 2019).
     Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Việc xây dựng đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi thôn, bản và người dân, đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2019, thu nhập bình quân/năm của người dân nông thôn đạt 28,75 triệu đồng/người, tăng 6,52 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Đến nay, toàn huyện có 08/19 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 04 xã so với năm 2016; tuy nhiên, mức thu nhập bình quân tại các xã còn chưa đồng đều (có 08 xã mức thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm; 09 xã đạt mức 20-27 triệu đồng/người/năm; 02 xã đạt mức dưới 20 triệu đồng/người/năm). Đến nay số xã đạt chuẩn nông thôn mới 06/19 xã, ước hết năm 2019 là 07/19 xã, đạt 36,8%, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã: 12,84 tiêu chí, tăng 4,79 tiêu chí/xã so với năm 2015.
     Trong 02 năm (2017-2018) đã lựa chọn và xây dựng được trên 20 dự án phát triển sản xuất với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trên 10 tỷ đồng để nâng cao thu nhập cho nông dân tiêu biểu như: Mô hình mở rộng diện tích Na theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình cây có múi, mô hình lạc, trồng rau an toàn, chăn nuôi vịt trời, mô hình trồng rừng tập trung;...
     Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện còn gặp nhiều khó khăn như: Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp và thường bị ép giá khi được mùa. Các hình thức tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững. Việc huy động các tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh sản xuất nông, lâm nghiệp chưa nhiều; chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu…

     Để thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự có hiệu quả, Huyện ủy, HDND, UBND huyện, các cấp các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện xác định: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân; phải tranh thủ những thời cơ thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tích cực và có hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó cần xác định tập trung vào các giải pháp sau:
     - Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.
     - Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch nông, lâm, thủy sản hiện có; nghiên cứu bổ sung quy hoạch còn thiếu trên cơ sở phát huy lợi thế các sản phẩm của địa phương.
     - Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê, góp đất nông nghiệp, vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn.
     - Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ; Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; Xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là các mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả, chăn nuôi theo hướng an toàn.
     - Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có, tuyên truyền và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, các tổ đội sản xuất trong các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
     - Tập trung đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Duy trì các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thành lập các hiệp hội ngành, hàng để điều phối hoạt động sản xuất, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
     - Coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở. Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên có sở điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch tổng thể nhu cầu đào tạo nhân lực lao động phục vụ phát triển sản xuất của từng vùng, lĩnh vực và sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ cơ sở (Khuyến nông, thú y, công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường) đảm bảo đủ mạnh, làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân, đóng vai trò là những nhà khoa học giúp nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất để người nông dân có đủ thông tin cần thiết để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất.
     Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực từ phía người dân cùng với việc thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp nêu trên huyện Chi Lăng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện trong thời gian tới./.
                                                                                      GVC, ThS Dương Thị Hồng Vân
                                                                                Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng