Skip to main content
x
25 November 2019

     Trường chính trị Hoàng Văn Thụ - tiền thân là trường Đảng tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Lạng Sơn, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường đều nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Những chặng đường qua, trường luôn chú trọng làm tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ tỉnh nhà.
     Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Đảng ủy, Lãnh đạo nhà trường có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên. Nhà trường đã xây dựng đề án phát triển trường, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực, kỹ năng nghiệp vụ công tác. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và lao động hiện nay của nhà trường là 53 người. Về trình độ chuyên môn có 47 đồng chí có trình độ Đại học trở lên, trong đó có 01 đồng chí có trình trình độ Tiến sỹ, 32 đồng chí có trình độ Thạc sỹ.
     Thật tự hào khi trở thành học viên của trường, là một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống, với biết bao thế hệ nhà giáo đã dày công gây dựng. Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của nhà trường, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Lạng Sơn; Sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Sự phối hợp của các ban, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh; sự tận tụy, trách nhiệm của lớp lớp cán bộ, giảng viên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ mái trường này, hàng ngàn cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng và trưởng thành, nhiều đồng chí học viên đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
     Đến với mái Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, ngoài việc được gặp gỡ, giao lưu với các thầy cô giáo, những con người tâm huyết với nghề, vui vẻ, hiền hòa và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng học viên, tôi còn được làm quen với các bạn học viên đến từ nhiều địa phương trong toàn tỉnh; qua đó tôi được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tế cơ sở từ đó học hỏi được rất nhiều từ chính họ. Ngoài việc chúng tôi được trau dồi kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản, nhà nước pháp luật, các nội dung thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó được rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, phong cách, lối sống giản dị, dẫn dắt chúng tôi trở thành những người cán bộ thật sự là công bộc của dân, sống có hoài bão, có lý tưởng, và quan trọng hơn cả, đây là môi trường giáo dục không “khô khan” như tôi đã từng nghĩ đến mà là một môi trường giáo dục thiết thực, hiệu quả.
     Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 188 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn, 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ, 70 năm ngày truyền thống nhà trường, chúng tôi tích cực hưởng ứng và tham gia “Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị” với những phần thi: Thi viết và thuyết trình. Đây chính là cơ hội để chúng tôi thể hiện mình, được vận dụng sáng tạo những kiến thức thầy cô đã dày công truyền đạt trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hiện thực hoá kiến thức vào cuộc sống. Những giờ học tập, ôn luyện vất vả, có những lúc tưởng chừng như kiệt sức nhưng sự đam mê, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm được thầy cô truyền lửa khiến chúng tôi luôn vui vẻ khổ luyện và cố gắng giành được giải cao của Hội thi. Ngoài ra, sau những giờ học, chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá, các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi góp phần tăng tình đoàn kết thầy trò, giữa các học viên là cán bộ của các huyện trong tỉnh được gần gũi, gắn bó hơn.
     Qua thời gian học tập tại ngôi trường mang tên người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ cùng sự trải nghiệm của các thế hệ học viên đi trước truyền lại đã cho bản thân tôi nhận thấy để đáp ứng được những yêu cầu của việc giảng dạy tại Trường, đội ngũ thầy cô hội tụ đủ cả ba yếu tố: Tâm - Tài - Đức.
     Tâm của người thầy là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm sáng, lòng say mê với nghề, ý thức trách nhiệm với công việc, giải quyết tốt mối quan hệ với học viên. Người thầy cũng như người cha, người chú, người anh của học viên, luôn quan tâm ân cần chỉ bảo cả về kiến thức và vốn sống. Và tất nhiên, người thầy phải có kiến thức, năng lực sư phạm, kinh nghiệm thực tế để mềm hóa nội dung bài giảng nhằm chuyển tải nội dung và giúp học viên dễ hiểu từ đó tiếp thu tốt nhất bài giảng. Trong ngôi trường này, tôi cảm nhận cái Tâm ấy không chỉ là lòng yêu ngành, yêu nghề mà được biểu hiện thành những hành động cụ thể: biết hiến thân cho nghề dạy học, biết hi sinh vì lợi ích tương lai; Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp, lòng nhiệt huyết, say mê khi đứng lớp; Luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, kịp thời bổ sung những kiến thức thực tiễn trong bài giảng.
     Mỗi thầy cô lên lớp đều thể hiện tài năng về trí tuệ và tài năng nghiệp vụ sư phạm. Tài năng đó giúp người dạy nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung hệ thống các kiến thức cơ bản của môn học, khả năng phát hiện vấn đề bổ sung vào nội dung bài giảng; tài năng nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và khả năng xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Kết hợp được giữa nội dung và phương pháp làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho chúng tôi hứng thú, say mê qua mỗi tiết học. Ở đó, giảng viên là người thiết kế, tổ chức kế hoạch học tập cho học viên thông qua bài giảng của mình, do đó, họ vừa là người thiết kế vừa là người thực hành nhằm đạt được sự thành công của bài giảng; giảng viên là người có vai trò động viên, khuyến khích, định hướng nhu cầu nghiên cứu của người học. Giảng viên không chỉ đơn thuần là người làm công tác giảng dạy, người “truyền thụ” mà còn đóng nhiều vai trò khác trong môi trường học tập hiện đại vừa “tư vấn” cho học viên, vừa “tạo điều kiện” cho học viên nhằm giúp cho học viên học tập tốt hơn, sử dụng trang thiết bị cũng như các nguồn lực khác hiệu quả hơn.
     Với tôi, đạo đức của người thầy thể hiện ở thái độ, tác phong chuẩn mực khi thực hiện giảng dạy và trong lối sống, đã trở thành tấm gương, vừa là người thầy, vừa là người cán bộ ưu tú, chuẩn mực cho người học noi theo. Mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm. Sự hi sinh vô tư, giúp đỡ người học một cách chân thành, không vụ lợi, không phân biệt đối xử. Mỗi ngày, người thầy luôn miệt mài lao động để cô đọng hệ thống kiến thức, đảm bảo những kiến thức cơ bản nhất, hiện đại nhất, hữu ích nhất cho người học. Họ vừa biết giảng giải cho người học, vừa biết thiết kế bài học, hướng dẫn người học, dẫn dắt để người học lĩnh hội, giác ngộ, đưa người học thành người hợp tác, cộng tác với thầy giáo, cô giáo, với bạn học để nắm lý luận và vận dụng một cách sáng tạo theo những kiến thức đã được tiếp nhận. Nhiệm vụ này rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang, ở đó, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, động lực để thầy cô hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngoài ra, cái Đức còn được biểu hiện ở thái độ kiên quyết đấu tranh chống những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong chính bản thân mình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của chế độ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
     Là một học viên được đào tạo, bồi dưỡng tại trường qua các khóa học, thấy được Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đang ngày càng có sự đổi mới và phát triển qua từng năm từng tháng. Sự thay đổi không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất của trường được đầu tư với những giảng đường khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại mà còn ở chất lượng giảng dạy, lòng tâm huyết với nghề của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, các công trình như: cảnh quan sân trường, phòng truyền thống, hội trường phòng học, nhà ăn, nhà đa năng, ký túc xá, khuôn viên khang trang, xanh sạch đẹp; các phòng học được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như: máy chiếu, hệ thống âm thanh phục giảng dạy, phòng giảng đường có điều hòa, quạt; phòng làm việc của các khoa, phòng chuyên môn được trang bị đầy đủ bàn làm việc mới, máy vi tính, máy in phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có được những thành quả đó, theo tôi, là nhờ công lao to lớn, đầy tinh thần trách nhiệm của Đảng ủy, lãnh đạo nhà trường cũng như sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ giảng viên luôn nỗ lực hết mình với nghề nghiệp và sự nhiệt tình không quản thời gian của cán bộ, nhân viên các phòng tham mưu
     Được học tập, trang bị kiến thức lý luận chính trị và những kỹ năng cơ bản quan trọng nhằm nâng cao năng lực giải quyết công việc trong thực tiễn công tác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý bản thân luôn cảm thấy tự hào và càng thấy rõ trách nhiệm của người học viên dưới mái trường này, sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, nghiên cứu, học tập nghiêm túc, giữ gìn tác phong gương mẫu trong rèn luyện và sinh hoạt hàng ngày để hoàn thành tốt nhất mục tiêu của khóa học; thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế nhà trường, cố gắng học tập rèn luyện để thu được kết quả tốt nhất. Với kiến thức đã được các thầy cô truyền đạt khi trở về địa phương, đơn vị công tác sẽ vận dụng vào thực tế có hiệu quả nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp văn minh./.
                                                                                       ThS. Hoàng Văn Đức
                                                                   Học viên lớp Trung cấp LLCT- HC khóa 14