Skip to main content
x
13 November 2019

     Trường chính trị Hoàng Văn Thụ, nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Lạng Sơn. Trường được thành lập ngày 20 tháng 11 năm 1949 tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia, có tên là Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn. Ra đời trong những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, với nhiệm vụ được giao là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên phục vụ nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ cách mạng, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh. Bảy mươi năm qua các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường đã luôn phấn đấu, rèn luyện giữ vững bản lĩnh chính trị, thi đua “giảng dạy tốt, học tập tốt”, luôn có ý chí khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
     Khóa I của Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn gồm có 54 học viên được khai giảng tháng 11 năm 1949 tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Nội dung học tập của các học viên bao gồm các bài: Khái quát lịch sử xã hội loài người; Đường lối kháng chiến toàn dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng; Xây dựng củng cố các đoàn thể…Đội ngũ giảng viên chủ yếu là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như đồng chí Hoàng Văn Kiểu (Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Phan Mạnh Cư (Phó Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Hà Nhân Nghĩa (Trưởng ban tuyên huấn Tỉnh ủy) và một số các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là thời kỳ vô cùng gian khổ, khó khăn đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên của nhà trường. Ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia là nơi sơ tán của các cơ quan Tỉnh ủy, nhà trường phải dựa và nhân dân, vào địa phương giúp đỡ về nơi ăn, chốn ở, chỗ giảng dạy; phương tiện giảng dạy, học tập rất khó khăn, thiếu phương tiện in ấn, tài liệu phục vụ học tập không đủ. Học viên đến học và tập huấn phải tự túc gạo, tiền, thuốc chữa bệnh, đồ dùng cá nhân…Trong điều kiện đất nước chiến tranh, Đảng ta còn phải hoạt động bí mật, nên cán bộ và học viên của nhà trường đã nỗ lực rất lớn, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Vì vậy, con số 54 học viên trong khóa học đầu tiên, là một con số tuy nhỏ nhưng thật đáng khích lệ. Sau Khoá I nhà trường đã liên tục mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho cơ sở.
     Đến cuối năm 1950, sau khi Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng Trường Đảng tỉnh chuyển từ Tân Văn, Bình Gia về Bình Trung, Văn Uyên và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Thông qua các lớp học đó, những quan điểm của Đảng về kháng chiến kiến quốc, về đấu tranh giai cấp, về Chủ nghĩa Mác-Lênin…giúp cho người học nâng cao nhận thức, thực hiện có kết quả cao trong công tác lãnh đạo và tổ chức quần chúng kháng chiến thắng lợi trong chiến dịch Biên giới năm 1950. Đến năm 1953, chi bộ đảng nhà trường được thành lập, kể từ đó dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền đạt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.
     Để tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về tiếp tục sản xuất để chống đói, tham gia giảm tô, cải cách ruộng đất, củng cố lực lượng vũ trang và an ninh, ngăn chặn đập tan những âm mưu, hành động phá hoại của bọn phản động…Đầu năm 1955, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triệu tập 183 cán bộ thuộc lực lượng nòng cốt thực hiện công tác giảm tô, nhờ đó mà công tác này được tiến hành đạt kết quả tốt hơn. Cùng thời gian này Trường Đảng được đổi tên thành Trường đào tạo cán bộ tỉnh. Chi bộ trường được kiện toàn lại gồm có 9 đảng viên. Từ đó, Trường đã tổ chức nhiều lớp học Lý luận chính trị cơ sở, cùng với Trường Hành chính tỉnh được thành lập năm 1959, nhiệm vụ của trường là tổ chức, huấn luyện cán bộ chính quyền cấp xã về nghiệp vụ quản lý hành chính. Năm 1963, sáp nhập Trường Hành chính tỉnh vào Trường Đảng tỉnh thành Trường Bồi dưỡng chính trị nghiệp vụ cán bộ cơ sở của tỉnh. Năm 1965 máy bay Mỹ bắn phá ác liệt các mục tiêu dọc đường quốc lộ 1A, Trường Đảng tỉnh sơ tán về xã Hoàng Đồng, huyện Cao Lộc (nay thuộc thành phố Lạng Sơn), nhà trường phải chia thành nhiều cụm để tổ chức mở lớp. Điều kiện dạy và học tập khó khăn và thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình, sách, bút, mực in…
     Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trường tiếp tục vừa xây dựng phát triển kinh tế, vừa nâng cao trình độ, vừa thâm nhập thực tế…Để thực hiện nhiệm vụ lớn hơn trong thời kỳ cách mạng mới Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn có quyết định thành lập lại Trường Hành chính tỉnh tại Khuổi Sao, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định. Nhưng sau một thời gian đến năm 1970, Tỉnh lại quyết định sáp nhập Trường Hành chính tỉnh và Trường Đảng tỉnh để thống nhất nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ yêu cầu thực tiễn sau cuộc chiến tranh biên giới, cùng với nhiệm vụ lãnh đạo khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở. Năm 1979, Tỉnh đã ra quyết định thành lập lại Trường Hành chính tỉnh trực thuộc Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
     Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đổi mới đất nước, đến năm 1993 Tỉnh ủy Lạng Sơn tiếp tục có Quyết định sáp nhập Trường Hành chính và Trường Đảng tỉnh thành Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Trường vẫn duy trì liên tục công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến năm 1995, Tỉnh ủy Lạng Sơn có Quyết định thành lập Trường Chính trị tỉnh trên cơ sở bộ máy của Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Trải qua 5 lần thành lập, sáp nhập đến nay, từ ngày 04 tháng 11 năm 1998 trường được mang tên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Đây vừa là một vinh dự lớn, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với nhà trường, vì vậy cán bộ, giảng viên nhà trường luôn phấn đấu không ngừng sao cho xứng đáng với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hoàng Văn Thụ, một nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng ta.
     Phát huy truyền thống của nhà trường, trước mỗi giai đoạn cách mạng đầy khó khăn, thử thách nhưng nhà trường luôn kiên định, vững vàng về chính trị, giữ gìn đạo đức nhà giáo. Những thành tích của nhà trường đã đạt được trong 70 năm qua đã được Đảng, Nhà nước và Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Với 53 cán bộ, viên chức và lao động của nhà trường thuộc 3 khoa giảng dạy, 2 phòng tham mưu; cán bộ, viên chức và lao động của nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Hàng năm nhà trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ dự nguồn cho Tỉnh.
     Đội ngũ giảng viên của nhà trường không chỉ tăng lên về số lượng mà còn tăng cả về chất lượng. Từ đội ngũ giảng viên ban đầu chủ yếu là các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tổng số đảng viên chỉ có 9 đồng chí, đến nay đội ngũ cán bộ, giảng viên là 38 đồng chí, với 46 đảng viên, trong đó chuyên viên cao cấp 01 đồng chí, giảng viên chính và tương đương 10 đồng chí. 16 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 16 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị; Bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên cao cấp 05 đồng chí, ngạch chuyên viên chính 19 đồng chí, ngạch chuyên viên 19 đồng chí. Giảng viên không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 90% bài giảng được áp dụng theo phương pháp dạy học tích cực - cơ bản theo yêu cầu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đảm nhận toàn bộ các chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn, tập huấn chuyên môn… Tâm huyết với công việc giảng dạy, cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, giúp cho công tác giảng dạy đi vào chiều sâu. Với 90% cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, những năm gần đây, nhà trường đã thực hiện 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, nhiều đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường. Đa số các đề tài phục vụ cho bài giảng, phần học của khoa, của nhà trường tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó cán bộ giảng viên còn tham gia biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng Trưởng thôn, khối phố. Viết bài cho báo Lạng Sơn, Đài phát thanh và truyền hình Lạng sơn, báo chuyên ngành Trung ương, viết bài và tham gia các cuộc hội thảo cấp khoa, cấp trường với chất lượng ngày càng nâng cao. Từ năm 2015 đến nay đã có trên 120 lượt đồng chí đạt giảng viên dạy giỏi cấp khoa, 98 lượt đồng chí đạt giảng viên dạy giỏi cấp trường, 06 đồng chí đạt giảng viên dạy giỏi các trường Chính trị tỉnh (trong đó 02 đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc)...
     Từ khóa học đầu tiên chỉ có 54 học viên, đến nay quy mô, phương thức đào tạo của trường không ngừng được tăng lên, nhà trường đã tiến hành đổi mới, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đặc biệt là đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 59 lớp đào tạo với tổng số 4483 học viên (05 lớp Cao cấp lý luận chính trị, 54 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính) tổ chức và phối hợp tổ chức được 186 lớp bồi dưỡng (ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, cán bộ công chức cấp xã…) với 17.677 học viên.
     Để đánh giá chất lượng giảng viên và học viên, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến học viên ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; Lãnh đạo nhà trường trực tiếp dự giờ, đánh giá giờ giảng, bài giảng của giảng viên. Kết quả cho thấy chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường ngày càng thiết thực, chất lượng học viên ngày càng nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của cơ sở, các cơ quan, đơn vị; giúp học viên sau khi tốt nghiệp nắm bắt và vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tiễn công tác và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
     Cơ sở vật chất của nhà trường đã được tỉnh quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
     Với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo của Tỉnh, truyền thống của nhà trường mang tên đồng chí Hoàng Văn Thụ. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn luôn xác định nhiệm vụ giảng dạy có vị trí hàng đầu. Cán bộ, giảng viên của nhà trường ngày càng khẳng định được thương hiệu của người giảng viên trường Chính trị, phấn đấu xây dựng nhà trường đạt chuẩn trong thời gian tới.
     Để tiếp tục phát huy truyền thống của nhà trường trong những năm tiếp theo, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện:
     1. Nhà trường luôn bám sát mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của Tỉnh, của nhà trường; nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Bộ Nội vụ.
     2. Trong giảng dạy, luôn gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, giảng dạy kết hợp với giải quyết các vấn đề ở cơ sở, trải nghiệm thực tiễn, đi nghiên cứu thực tế.
     3. Đổi mới công tác quản lý theo hướng chất lượng, hiệu quả, đồng thời thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, ngày càng nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác để đáp ứng công việc được giao.
     Với niềm vinh dự, tự hào về truyền thống nhà trường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ quyết tâm phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao, vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp của đất nước, xây dựng quê hương Lạng Sơn văn minh, hiện đại./.
                                                                                                   Thạc sĩ Vy Thị Lê
                                                                                 Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật