Skip to main content
x
12 November 2019

     Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hôm nay đã có lịch sử tồn tại và phát triển 70 năm qua, từ khóa I của Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn gồm có 54 học viên được khai giảng tháng 11 năm 1949 tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, đến nay Trường đã lớn mạnh về mọi mặt. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn lượt cán bộ cung cấp cho nhu cầu của nhiệm vụ cách mạng qua các giai đoạn, đó là yếu tố hết sức quan trọng góp phần cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử góp phần phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ tổ quốc trên địa bàn tỉnh.
     Trong những năm tháng ấy đội ngũ giảng viên, học viên của trường đã có nhiều tấm gương hy sinh, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn (ăn không đủ no, mặc không đủ ấm) những tấm gương đó đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thế hệ học viên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cách mạng tháng Tám thành công, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Đảng bộ Lạng Sơn đã chỉ đạo mở lớp Huấn luyện cán bộ đầu tiên đó là tiền thân của trường Chính trị ngày nay. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để thích nghi với điều kiện chiến tranh, trường đã chia tách thành nhiều phân hiệu. Kháng chiến chống Mỹ thành công, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, đại hội thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 12 năm 1975, thực hiện Quyết định của Quốc hội, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành một tỉnh mới là tỉnh Cao Lạng. Do điều kiện lúc đó nên việc duy trì mở lớp vẫn thực hiện ở 2 địa điểm (Lạng Sơn và Cao Bằng) Lúc này Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn chuyển về khu Đông Kinh và trở thành phân trường phía Nam của Trường Đảng tỉnh Cao Lạng và đến tháng 12 năm 1978 lại tách làm hai tỉnh. Đến năm 1993 tỉnh Lạng Sơn sáp nhập 2 trường (Trường Đảng, Trường Hành chính) thành Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nay là Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Ngày nay trường đã có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều, đội ngũ giảng viên trẻ ngày càng đông, trình độ học vấn về chuyên môn nhiều mặt được nâng lên để đáp ứng với đòi hỏi của thời kỳ Đảng lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
     Mỗi dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là mỗi lần chúng ta nghĩ lại những ngày đã qua, những việc mà bản thân mình đã làm được, những việc chưa làm được và những việc chúng ta cần phải tiếp tục làm. Nghề giáo là một nghề cao quý. Việt Nam là một dân tộc có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhân dân đặt nhiều niềm tin, niềm hy vọng ở sự nghiệp giáo dục, ở đội ngũ thầy cô giáo. Biết bao thế hệ nhà giáo đã dốc hết tâm lực, trí lực dành cho học viên, gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục, vì con người, họ không vì danh lợi, vật chất. Chính nhờ những tấm gương đó đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân chúng ta. Cũng là nhà giáo nhưng nhà giáo ở trường chính trị, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Vì nơi đây là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho Nhà nước; vì cán bộ là “gốc” của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đào tạo cán bộ ở trường Chính trị cũng phải được coi là công việc gốc của Đảng. Thông qua hoạt động của Nhà trường góp phần quan trọng để bồi dưỡng, hình thành phát triển “đức, tài” của đội ngũ cán bộ. Từ những đòi hỏi ở sản phẩm đào tạo của Nhà trường mà đặt ra nhiệm vụ cho người giảng viên. Người giảng viên ở trường Chính trị không chỉ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm mà mặt khác còn đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, phải có kiến thức thực tiễn, sâu sát cơ sở và sự gương mẫu trong lời nói, việc làm. Phẩm chất này đội ngũ giảng viên của Nhà trường trong những năm qua đã thể hiện được. Qua quá trình đi giảng dạy tại trường và các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện, đi các cơ sở đều được học viên ghi nhận. Đây là một vinh dự lớn, song chúng ta cũng thấy đây cũng là trách nhiệm nặng nề, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường hết sức quyết liệt vào đội ngũ giảng viên. Hiện tượng “thương mại hoá” trong giáo dục đã xẩy ra ở nơi này, nơi khác, nếu chúng ta không thường xuyên ý thức đầy đủ mình là người giảng viên của trường Đảng, phải giữ gìn uy tín của Nhà trường thì cũng rất dễ đánh mất truyền thống tốt đẹp mà nhiều thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Điều đó nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, có thể ngày hôm qua là tốt đẹp nhưng ngày hôm nay nếu chúng ta không thường xuyên tự rèn luyện mình thì rất dễ đánh mất, trong tất cả cái mất thì mất uy tín là cái mất lớn nhất. Vinh dự là người giảng viên ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ chúng ta cần ra sức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao cho trong giai đoạn mới. Trường phải là công cụ giáo dục, công cụ tổ chức đắc lực để thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc trang bị cho người học những kiến thức lý luận, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối chính sách của Đảng thì vấn đề cực kỳ quan trọng là Trường còn là nơi rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn luyện phong cách và phương pháp làm việc cho người học. Đây là đòi hỏi lớn của người học đối với người giảng viên ở trường. Việc giảng dạy ở trường Chính trị đòi hỏi kiến thức phải sâu rộng, nắm vững lý luận đồng thời phải nắm bắt được thực tiễn sinh động. Vì vậy, người giảng viên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy còn phải chịu khó cập nhật thông tin qua sách báo, tạp chí và qua đi thực tế tìm hiểu hoạt động thực tiễn sinh động ở cơ sở. Vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào sự tự giác của mỗi người song chúng ta cũng phải hiểu được rằng nếu chúng ta không thường xuyên học hỏi, bổ sung kiến thức mới, chúng ta sẽ bị lạc hậu trước người học. Nhân ngày 20-11 (ngày nhà giáo Việt Nam) là một giảng viên đã công tác ở trường nhiều năm tôi xin bộc bạch tâm sự của mình cùng anh chị em đồng nghiệp./.
                                                                                                     GV. Hoàng Xuân Yến
                                                                                               Khoa Nhà nước & pháp luật