Skip to main content
x
11 November 2019

     Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước, là lực lượng trực tiếp vận hành và quyết định đến hiệu lực hiệu quả của bộ máy đó. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy tỉnh Lạng Sơn đã xác định đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng trong đó Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức ở địa phương.
     Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước là nhiệm vụ chiến lược, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản như Luật Cán bộ công chức 2008; Luật Viên chức 2010; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành quy quy chế đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG ngày 30/9/2019 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ các quy định của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các văn bản cụ thể như: Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 11/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 63/2018/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn và văn bản của các ngành liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tạo thành hệ thống văn bản chính sách đầy đủ để thực thi chính sách hiệu quả.
     Căn cứ quy định của Nhà nước, quy định của địa phương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành, hàng năm nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó xác định loại hình đào tạo bồi dưỡng gồm: đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng các chức danh cán bộ cơ sở; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ đối với Trưởng thôn, khối phố; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quản lý và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phối hợp khác. Trong kế hoạch hàng năm xác định số lượng các lớp mở trong từng năm; các lớp từ năm trước chuyển sang năm sau trên cơ sở đó bố trí thời gian và nguồn lực thực hiện phù hợp.
     Công tác phổ biến, tuyên truyền thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nhà trường triển khai kịp thời. Tuyên truyền triển khai thực thi chính sách nhằm giải thích các quy định của Nhà nước, của địa phương, nhà trường về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để định hướng nhận thức cho cán bộ, công chức. Vì vậy các hình thức tuyền truyền phổ biến chính sách được nhà trường vận dụng đa dạng như thông qua các cuộc hội nghị của cơ quan, trang thông tin điện tử của trường hoặc gửi đến các cơ quan đơn vị qua đường bưu điện. Nhờ vậy cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan đơn vị nắm được quy định của nhà nước, của địa phương về chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức để chủ động đăng ký và sắp xếp thời gian học tập.
     Để thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt hiệu quả, các phòng, khoa của nhà trường chủ động phân công, phối hợp thực hiện chính sách. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học là đơn vị tham mưu xây dựng các văn bản liên quan đến hoạt động chiêu sinh, tuyển sinh, các quyết định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định trình lãnh đạo trường phê duyệt. Công tác phối hợp thực thi chính sách giữa 2 phòng tham mưu được thực hiện chủ động. Đối với các lớp mở tại trường, Phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đã chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp, khai giảng, sắp xếp lịch học, Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu, bố trí phòng học, tài liệu giáo trình, ký túc xá cho học viên đến học tập. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng phối hợp nhà trường chủ động trao đổi với các đơn vị làm tốt công tác tuyển sinh, sắp xếp thời gian học tập, bố trí cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình kịp thời phục vụ việc học tập của học viên. Các khoa chuyên môn gồm khoa Lý luận cơ sở, khoa Xây dựng Đảng, khoa Nhà nước và Pháp luật thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các lớp theo sự phân công của nhà trường.
     Công tác phối hợp trong thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nhà trường chủ động thực hiện. Hàng năm nhà trường phối hợp với Huyện ủy, Thành ủy, các Sở ngành mở các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định hiện hành. Công tác phối hợp được các đơn vị tham mưu của trường chủ động thực hiện để đảm bảo mở lớp đúng tiến độ theo kế hoạch được giao. Trong giai đoạn từ 2015 – 2019 nhà trường đã phối hợp với 11 huyện, thành phố; Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Y tế; Tòa án nhân dân tỉnh mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức. Từ năm 2015 đến năm 2019 nhà trường đã đào tạo được 59 lớp đào tạo gồm 05 lớp Cao cấp lý luận chính trị, 54 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tổ chức và phối hợp tổ chức được 186 lớp bồi dưỡng.
     Thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho học viên. Vì vậy, công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách được nhà trường và các đơn vị phối hợp mở lớp quan tâm thực hiện thường xuyên. Thông qua mỗi giờ lên lớp, giảng viên trực tiếp quản lý sĩ số học viên, phát hiện những trường hợp học viên nghỉ học để phối hợp với chủ nhiệm lớp, đơn vị phối hợp mở lớp nhắc nhở kịp thời. Kết thục mỗi phần học, giảng viên chủ nhiệm tổng hợp danh sách học viên đủ điều kiện dự thi báo cáo lãnh đạo trường duyệt theo quy định. Kết quả thi của các phần học được Phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tổng hợp báo cáo lãnh đạo trường xem xét phê duyệt. Kết quả học tập của học viên được gửi đến chủ nhiệm lớp, đồng chủ nhiệm lớp, các đơn vị phối hợp mở lớp để nắm bắt theo dõi, đôn đốc học viên kịp thời. Cùng với các hoạt động theo dõi, kiểm tra như trên, học viên các lớp học nêu cao tinh thần tự quản, ý thức tự giác chấp hành nội quy quy chế học tập, xây dựng phong trào thi đua học tập tốt ở các lớp. Với sự chủ động trong công tác phối hợp thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các lớp, từ năm 2015 đến năm 2019 có 3992 học viên được công nhận tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 26 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên với 1.782 học viên; 04 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính với 279 học viên; 06 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương với 332 học viên; 150 lớp bồi dưỡng khác tổng số 15.160 học viên. Trong giai đoạn 2015 – 2019 nhà trường đã mở 186 lớp bồi dưỡng (ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, cán bộ công chức cấp xã….) với 17.677 học viên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong thực thi công vụ.
     Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhà trường luôn chủ động trong việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện chính sách. Đối với các lớp đào tạo bồi dưỡng khi kết thúc khóa học, Hội đồng xét tốt nghiệp của trường họp đánh giá kết quả học tập của lớp học, thảo luận kết quả học tập, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình học, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để việc tổ chức lớp học thực hiện khoa học hơn; công tác bế giảng lớp học được nhà trường, các đơn vị phối hợp thực hiện trang trọng, ý nghĩa, công tác thi đua khen thưởng được thực hiện đúng quy chế, kịp thời để động viên kịp thời và ghi nhận sự phấn đấu nỗ lực trong học tập và rèn luyện của học viên.
     Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ còn tồn tại một số hạn chế như: hình thức tuyên truyền phổ biến các văn bản chính sách chưa phong phú; công tác phối hợp mở lớp, chọn lọc đối tượng tham gia tuyển sinh còn bất cập do có sự thay đổi của chính sách liên quan đến đối tượng dự tuyển; công tác kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch học tập các phần học của một số chủ nhiệm lớp hay đơn vị phối hợp chưa sâu sát…
Với những kết quả đạt được và hạn chế trong thực thi chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, cần thực hiện một số giải pháp sau:
     Một là, đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thông qua hoạt động tuyên truyền của giảng viên trực tiếp lên lớp. Trong các nội dung bài giảng liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên thông tin đến học viên các quy định của Nhà nước, của địa phương đặc biệt là chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức tham gia học tập. Ngoài ra nhà trường cần tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền như cập nhật văn bản về công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên trên trang thông tin điện tử truongchinhtrils.vn, Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn.
     Hai là, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong công tác tuyển sinh, hướng dẫn nghiệp vụ, quy định của Nhà nước để các đơn vị lựa chọn đúng đối tượng tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường tổ chức góp phần tạo nguồn cán bộ, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
     Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt là kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Kết thúc mỗi phần học, khoa chủ trì giảng dạy, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, chủ nhiệm lớp phải kịp thời đánh giá quá trình học tập của học viên đảm bảo số lượng, chất lượng học tập; thực hiện tốt chế độ chính sách hỗ trợ cho học viên để đảm bảo quyền lợi và định hướng cho học viên trong quá trình học tập góp phần thực hiện tốt chính sách ở địa phương.
    Thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hàng nghìn lượt cán bộ công chức, viên chức đã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường tổ chức góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương. Vì vậy, phải thực thi chính sách thường xuyên, liên tục, có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc cải cách hành chính và xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển./.
                                                                                                            Dương Thị Quý
                                                                                                   GV Phòng QLĐT&NCKH