Skip to main content
x
28 October 2019

     Sinh thời, V.I.Lênin đã từng khẳng định: “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, do “kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Vì thế để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, cần “đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin” theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin với tính khoa học và tính đúng đắn có giá trị định hướng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, việc nắm vững vấn đề cơ bản của triết học Mác - Lênin sẽ trang bị thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Khi đó, đội ngũ này có thể nhanh nhạy, quyết đoán, chủ động trước các bước ngoặt, tình huống khó khăn và nâng cao được năng lực tư duy phản biện.
     Là tỉnh có đường biên giới dài trên 231 km, có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính và 09 cửa khẩu phụ, lối mở, Lạng Sơn có vị trí địa kinh tế, địa chính trị khá đặc biệt trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội- Hải Phòng đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc . Là một tỉnh biên giới, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Hiện nay “một số nơi, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên sa sút, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn một số cán bộ đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện tha hóa về đạo đức, lối sống, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, làm giảm lòng tin của nhân dân” . Vì thế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Lạng Sơn hiện nay cần thiết phải nâng cao năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” bởi những lí do chủ yếu sau:
     Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) được dự báo sẽ diễn ra nhanh như vũ bão, kéo theo sự bùng bổ của kết nối vạn vật, mạng xã hội, điều này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Lạng Sơn tiếp cận thông tin nhanh hơn, dễ dàng hơn. Song mặt khác, để thực hiện toan tính, các thế lực thù địch cũng ráo riết đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa các trang thiết bị, các phương tiện thông tin, truyền thông, triệt để sử dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt internet và địa chỉ truyền thông nước ngoài để phát tán tài liệu, xuyên tạc, vu cáo, gieo rắc thông tin xấu, độc hại hòng làm nhiễu loạn đời sống văn hóa tinh thần của xã hội; những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng làm nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Lạng Sơn thiếu một tư duy phản biện thì rất khó để có thể sàng lọc thông tin đúng, sai? Tiến bộ hay phản tiến bộ?
     Thứ hai, một số chi bộ “chưa quan tâm lãnh đạo công tác tư tưởng và không nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của đảng viên; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình nói chung còn yếu, nhiều đảng viên nể nang, né tránh, ngại va chạm, không dám phê bình, góp ý đảng viên là cán bộ lãnh đạo”, “vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức khắc phục khó khăn trong học tập và công tác, làm việc cầm chừng, thậm chí vi phạm kỷ luật, sa sút về đạo đức, lối sống, đề cao lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực...”
     Thứ ba, quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Lạng Sơn cần phải am hiểu về ảnh hưởng của sự thay đổi và biết cách chỉ đạo, triển khai, hỗ trợ một cách tích cực các chương trình, kế hoạch đổi mới, cải cách trong hệ thống công vụ: xây dựng và triển khai khung chính phủ điện tử, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trung tâm hành chính công - đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy, văn hóa phục vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức cũng như phong cách, kỹ năng, văn hóa lãnh đạo, quản lý, quy trình giải quyết công việc, phương pháp làm việc mới, v.v..
     Từ những lý do chủ yếu trên cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không thể dùng tư duy cũ để nhận thức chính xác và đầy đủ thực tiễn đang biến đổi nhanh chóng, mà cần thiết và cấp thiết phải “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy”, đặc biệt là tư duy phản biện. Thông qua những hoạt động của quá trình tư duy phản biện, như nêu quan điểm và bảo vệ quan điểm, sử dụng những bằng chứng phù hợp, tạo mối liên hệ giữa các ý, đánh giá, phân tích, tổng hợp, phân loại, so sánh, tìm ra khó khăn và cách khắc phục,… sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý khắc phục được lối tư duy đơn giản, thiếu khoa học trong hoạch định, thực thi cũng như kiểm tra, giám sát và đánh giá một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Một quá trình tư duy phản biện được coi là tốt khi đạt được những tiêu chí: rõ ràng, mạch lac, chính xác, thống nhất, ngắn gọn, phù hợp, có những giải thích và lí do phù hợp, khách quan, toàn diện và có chiều sâu.
     Khi nâng cao được năng lực tư duy phản biện, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ biết nâng cao được bản lĩnh chính trị “kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm” và biết “ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tránh tư duy “tô hồng” hoặc “bôi đen” trong đánh giá, nhận định thực tiễn. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh; không dao động trước bất cứ tình huống nào.
     Nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có mối quan hệ biện chứng với nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ. Chính thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng của triết học Mác - Lênin cùng với việc nâng cao năng lực tư duy phản biện sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Lạng Sơn biết kết hợp nguyên tắc khách quan và phát huy tính năng động chủ quan trong “tổng hòa những quan hệ xã hội” nơi công sở. Qua đó, có động cơ trong sáng, thái độ thật sự khách quan, khoa học, không vụ lợi trong hành động của mình.
     Thiết nghĩ, để trở thành một nhà lãnh đạo, quản lý ưu tú, ngoài năng lực chuyên môn với những tố chất cần thiết cùng yếu tố ngoại hình và kiến thức, kỹ năng không thể thiếu thì hơn bao giờ hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Lạng Sơn hiện nay còn cần phải có năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
                                                                                                   Th.S Lê Thị Thảo
                                                                                      Giảng viên khoa Lý luận cơ sở