Skip to main content
x
10 October 2019

     Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, công tác giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên trường chính trị có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức năng lực hoạt động thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
     Hiện nay, số lượng giảng viên ở Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ gồm 10 đồng chí và 2 đồng chí là giảng viên công tác tại Phòng. Phần lớn, giảng viên của Khoa đều được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hầu hết có nhiệt huyết và lòng yêu nghề, có đạo đức, lối sống lành mạnh, nhạy bén và có khả năng tiếp thu nhanh tri thức khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại vào tổ chức quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, việc giảng dạy các môn lý luận trong đó có phần học V.2. Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở và V.3. Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính là những phần học tương đối khó đòi hỏi mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng để đáp ứng yêu cầu của môn học.
     Thực tế giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ những năm qua cho thấy, để bài giảng có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao, mỗi giảng viên không những cần có vốn kiến thức vừa cơ bản, vừa sâu rộng, mà phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn); trưởng, phó phòng, chuyên viên của sở, ban, ngành; cán bộ công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác. Đối tượng này một mặt đã được học các môn lý luận ở bậc đại học, đã có kinh nghiệm thực tiễn công tác; mặt khác, quan trọng hơn là họ cần được tiếp cận các môn học này dưới góc độ là lý luận khoa học gắn với thực tiễn. Vì vậy, khi tiếp cận môn học đòi hỏi ở mỗi giảng viên có một khả năng khái quát, thông qua các khái niệm, quan điểm để từ đó mỗi học viên sẽ vận dụng những kiến thức mang tính chất lý luận đó vào giải quyết các công việc của thực tiễn đang đặt ra.
     Để nâng cao chất lượng giảng dạy phần học Nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, theo chúng tôi cần phải:
     Thứ nhất, về chuyên môn giảng viên phải có trình độ từ đại học trở lên. Vì đối tượng đào tạo ở các lớp trung cấp đa số đều có trình độ đại học và một số ít có trình độ thạc sĩ. Giảng dạy các môn khoa học lý luận, có sự vận động liên tục đòi hỏi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài chuyên ngành của mình phải có phông kiến thức rộng. Trong đó, quan trọng nhất là phải nắm chắc kiến thức về Triết học và Kinh tế chính trị học Mác – Lênin. Bởi cả Triết học và Kinh tế chính trị học đều trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phép biện chứng, phương pháp luận khoa học giúp cho giảng viên soạn và trình bày bài giảng có hệ thống logic và giàu sức thuyết phục.
     Ngoài ra, theo Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những yêu cầu đứng lớp của giảng viên là phải có bằng tốt nghiệp hoặc chứng nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị hoặc trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên để đáp ứng sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.
     Cùng với bằng cấp, giảng viên phải có khả năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay, cần phải coi nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên là tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo. Người giảng viên cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu để cập nhật kiến thức cũng như trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
     Thứ hai, giảng viên phải có hiểu biết thực tiễn. Trên thực tế, kiến thức chuyên ngành của các giảng viên được thể hiện ở trong bằng cấp của giảng viên. Kiến thức đó đã thỏa mãn về chuẩn quy định của một giảng viên. Song yêu cầu từ phía học viên cũng rất đa dạng, yêu cầu này có xu hướng ngày càng tăng lên về chiều sâu kiến thức. Bởi đối tượng học viên của trường chính trị là những cán bộ đã có thời gian công tác nhất định (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, học viên đều là cán bộ có nhiều kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn công tác và thường đã có chức danh cán bộ của ngành, địa phương đang công tác. Do đó, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức thực tiễn thì bài giảng mới có sức thuyết phục.
     Bài giảng muốn sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước; của địa phương; của các đối tượng học viên. Sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống. Kiến thức thực tiễn của học viên vô cùng phong phú, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.
     Để bổ sung kiến thức thực tế, hàng năm theo Quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mỗi giảng viên thực hiện 15 ngày nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Năm 2016, nhà trường cũng đã bắt đầu thực hiện việc nghiên cứu thực tế cơ sở dài hạn đối với giảng viên. Qua quá trình nghiên cứu thực tế ở cơ sở mỗi giảng viên sẽ tích lũy được những tình huống thực tiễn nhất định phục vụ cho quá trình giảng dạy. Tuy nhiên để có được kiến thức thực tế, sử dụng trong mỗi bài giảng có hiệu quả, giảng viên phải tự mình trải nghiệm trong công việc, đọc, tìm hiểu và nghiên cứu các tình huống thực tế liên quan đến bài giảng. Bên cạnh đó, giảng viên cần thông qua việc cập nhật thông tin, cóp nhặt và nghiên cứu các tình huống thực tế qua các phương tiện thông tin đại chúng.
     Thứ ba, thường xuyên thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực.
     Phương pháp giảng dạy tích cực gồm hệ thống các phương pháp khác nhau như: phương pháp chuyên gia, sàng lọc, lấy ý kiến ghi lên bảng, hỏi đáp, bể cá vàng... Phương pháp giảng dạy tích cực đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao, tạo động lực kích thích tư duy, khả năng độc lập, sáng tạo của học viên cũng như làm cho giảng viên chủ động và tránh được giáo điều trong giảng dạy lý luận.
     Để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy đi vào chiều sâu và có hiệu quả đòi hỏi giảng viên cần phải quán triệt một số biện pháp như: Áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm trong đó giảng viên giữ vai trò định hướng; đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại... Việc kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy đó giúp cho việc giảng dạy của giảng viên trở nên sinh động, phong phú hơn với nhiều tình huống, vấn đề để giảng viên và học viên thảo luận, trao đổi và làm rõ các nội dung nghiên cứu, nhằm đem lại buổi học có chất lượng cao.
     Tóm lại, chất lượng bài giảng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Việc nâng cao chất lượng bài giảng là yêu cầu đặt ra cần phải giải quyết của tất cả các giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay nói chung và giảng viên khoa Xây dựng Đảng nói riêng.
                                                                                                    ThS. Nguyễn Thanh Xuân
                                                                                                   GV: Khoa Xây dựng Đảng