Skip to main content
x
6 September 2019

     Một trong những tư tưởng lớn đặc biệt quan trọng trong Di chúc của Bác mang tầm chiến lược là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ. Đó không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng của những thế hệ đi trước. Sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến của nhiều thế hệ cách mạng. Trong tiến trình ấy, những lớp người hiện tại đã trực tiếp giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ, nhưng cũng có không ít công việc còn dang dở; hơn nữa, thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết. Theo đó, nếu thiếu lực lượng kế cận thì chẳng những sự nghiệp cách mạng sẽ gặp khó khăn, mà ngay cả những gì đã có cũng khó được gìn giữ, bảo tồn.
     Trong Di chúc của Bác, ngay sau khi nói về công việc quan trọng của Đảng, Người viết: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đây không chỉ muốn nói về thanh niên với những đặc tính của tuổi trẻ, mà còn là những lời nhắn nhủ chân tình của người với thanh niên, những người thân yêu nhất, vô cùng gần gũi, như con cháu trong một nhà. Muôn vàn tình thương yêu, cùng với niềm tin tưởng lớn lao vào thế hệ trẻ được Người gửi gắm trọn vẹn trong lời căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn trọng trách người chủ tương lai của đất nước, thế hệ trẻ phải được giáo dục, bồi dưỡng tinh thần và lực lượng:
     Về bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Người đặt tư cách đạo đức của người cách mạng là nội dung trước tiên của cuốn sách “Đường kách mệnh”
     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, nếu thiếu một trong bốn phẩm chất đó thì con người không thể trở thành người theo đúng nghĩa. Nhưng, đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người. Do vậy, Người cho rằng, đối với thế hệ trẻ, phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng: thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán những thói hư, tật xấu; thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
     Về bồi dưỡng lý luận và văn hóa - khoa học - kỹ thuật. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bởi vì, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; người có tài mà không có đức sẽ trở nên vô dụng. Vì vậy, để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, tức là có tài, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên còn phải hăng hái học tập, trong đó có học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng - ngọn đèn pha soi sáng cho hoạt động thực tiễn. Cùng với việc học tập lý luận cách mạng, các thế hệ trẻ còn phải tích cực học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật; sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới.
     Về bồi dưỡng thể chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển toàn diện của thanh, thiếu niên và nhi đồng Việt Nam, trong đó có sự phát triển về mặt thể chất. Theo Người, xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới... tất thảy đều phải có sức khỏe thì mới thành công. Bởi vì, “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Với tinh thần đó, Người đã tự mình nêu gương sáng về rèn luyện thể dục, thể thao; đồng thời, kêu gọi tất cả mọi người, dù gái hay trai, già hay trẻ, đều phải thường xuyên rèn luyện thân thể, coi “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe” vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Đặc biệt, đối với thanh niên, Người mong muốn họ phải có sức sống dẻo dai, thể chất cường tráng, tinh thần mạnh mẽ và nghị lực lớn. Để có được như vậy, cần hăng hái, tích cực rèn luyện thể dục, thể thao.
     Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng sâu sắc nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã làm hết sức mình để chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Cách mạng Việt Nam liên tục phát triển nhờ có sự kế tiếp liên tục của các thế hệ, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Họ đã và đang tích cực “xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, như mong ước cháy bỏng của Người. Tuổi trẻ hôm nay sống trong điều kiện phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, đời sống kinh tế - xã hội biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ. Do đó, họ luôn khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, văn minh hiện đại, có xu hướng vượt ra khỏi giới hạn cổ truyền để hoà nhập và thích ứng với thời đại. Đó là xu hướng lành mạnh, khát vọng cao đẹp về tinh thần, về giá trị nhân văn và sự sáng tạo của tuổi trẻ. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, và đổi mới toàn diện của đất nước, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Họ đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, để cùng với toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
     Làm theo Di chúc của Bác, lấy tư tưởng của Bác để bồi dưỡng thế hệ trẻ làm nền tảng đưa đất nước vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chìa khóa mở tương lai. “Tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang” nếu như chúng ta luôn luôn trung thành thực hiện đầy đủ tư tưởng của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
                                                                                               Lê Thảo - Hoàng Quyên
                                                                                              GV Khoa Lý luận cơ sở