Skip to main content
x
15 August 2019

     Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có số dân khoảng 790.460 người, với hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu, gồm: Dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số ít người như: Dao, Mông, Sán Chay chủ yếu ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh.

 

   Đoàn viên thanh niên huyện Lộc Bình tham gia xây dựng Nông thôn mới (Ảnh: tác giả)

 

     Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, khu vực biên giới được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; các đề án, dự án đầu tư phát triển được quan tâm chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; chỉ đạo thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình 120, Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu: cầu, đường giao thông, điện lưới, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, phát triển các chợ đầu mối, xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao tại các xã, cụm xã; sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng...

     Các nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách về phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, thủy lợi, trường, trạm...) ở vùng dân tộc và miền núi, khu vực biên giới được quan tâm, lồng ghép. Hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép nhiều Chương trình, nguồn vốn Nhà nước, viện trợ của các tổ chức và đóng góp của nhân dân để tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; trong tổ chức, thực hiện có sự tham gia của cộng đồng được hưởng lợi; ban hành các chính sách để khuyến khích xã hội hoá nguồn lực đầu tư.

     Công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, 100% người nghèo, hộ nghèo, hộ chính sách được hưởng các chế độ, chính sách giảm nghèo.

     Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg, ngày 12/10/2009, Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn (bản) đặc biệt khó khăn, Tỉnh đã tập trung rà soát thực trạng đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Kết quả đến hết năm 2018 đã thực hiện bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới được 293 hộ, trong đó: Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai 113 hộ; Dự án ổn định vùng biên giới 178 hộ; triển khai 11 dự án bố trí dân cư trong giai đoạn 2013-2019...

     Công tác giao đất, giao rừng được triển khai tích cực, Tỉnh đã đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp với tổng diện tích 627.066,5 ha; xác định ranh giới, mốc giới giao đất với diện tích 464.863,1 ha; đăng ký cấp được 129.890 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/233.310,4 ha đất cho hộ gia đình, cá nhân. Kết quả giao đất lâm nghiệp tính đến hết năm 2017 là 499.339,51 ha. Diện tích đất của các Công ty giao về cho địa phương quản lý là 5.499,85 ha.

     Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động về giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá về công tác vệ sinh môi trường nông thôn, vận động nhân dân tự đầu tư chuồng trại và xây dựng các công trình xử lý nước thải trong nông thôn, làm sạch làng, sạch ngõ, vận động nhân dân ăn sạch, ở sạch... gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp  công trình đầu mối, sửa chữa, nâng cấp, phát triển hồ chứa nước lớn để đảm bảo cung cấp nước, phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông- lâm- ngư nghiệp- nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.139 công trình thủy lợi kiên cố, trong đó có 271 hồ chứa, 972 đập dâng, 148 trạm bơm điện, Nhân dân tự đầu tư xây dựng được 2.334 công trình tạm và guồng cọn…diện tích tưới cho lúa xuân đạt trên 15.000 ha, tưới cho lúa mùa trên 27.000 ha. Xây dựng được 79.021 công trình cung cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ cho hộ gia đình; 370 công trình cấp nước tập trung. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 74,5% năm 2009 lên 91,4% năm 2018; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của bộ y tế năm 2018 đạt 51,5%.

     Vấn đề vượt biên trái phép, di cư tự do ở vùng dân tộc và miền núi được quan tâm giải quyết. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội ký kết “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới” giữa Lạng Sơn (Việt Nam) với thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) ngày 10/2/2017. Tiến hành Hội đàm và ký kết Biên bản Hội đàm với Cục Tài nguyên nhân lực và An ninh xã hội thành phố Sùng Tả về cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Ban hành hướng dẫn về việc thực hiện cơ chế quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị nhằm kết nghĩa cụm cư dân hai bên biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Lực lượng chức năng hai bên tích cực hợp tác trong quản lý, không để xảy ra tình trạng phức tạp trên tuyến biên giới. Hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì và tăng cường, hai bên đã chính thức ký kết nghĩa hữu nghị nhiều cụm dân cư biên giới...

     Có thể thấy, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, kinh tế trong vùng đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì tăng trưởng, nhiều năm ở mức 8 - 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ... Đời sống người dân các dân tộc được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người chung toàn tỉnh năm 2018 đạt 38,4 triệu đồng/người/năm tăng gấp hơn 9 lần so năm 2003, trong đó thu nhập người dân tộc thiểu số tăng 8,95 lần (năm 2003 là 3,96 triệu đồng/người/năm tăng lên 35,45 triệu đồng/người/năm); tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 3,24%/năm, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 15,83%, hộ cận nghèo là 11,01%. 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     ThS, GVC. Phạm Anh Tuấn                                                                                                                                                                 Khoa Xây dựng Đảng