Skip to main content
x
15 August 2019

     Phần học V.2 Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở là một trong những phần học quan trọng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là phần học gắn liền với các đối tượng học viên trong lớp đó là những đảng viên, cấp ủy viên, phó bí thư và bí thư chi bộ, cán bộ dự nguồn khối Đảng, đoàn thể. Vì vậy, thông qua phần học này sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản liên quan đến nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở mà học viên được trực tiếp làm, đồng thời rèn luyện những kỹ năng cần thiết để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, những tình huống phát sinh trong công tác Đảng mà học viên có thể gặp thường xuyên. Với đặc thù như vậy nên việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học viên cần được giảng viên nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn phương pháp phù hợp. Một trong những phương pháp giảng dạy có thể được vận dụng linh hoạt trong các chuyên đề của phần học V.2 đó là phương pháp dạy học bằng tình huống sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy và học.

     Một trong những mục tiêu đặt ra trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay đó là nâng cao chất lượng giảng dạy bằng cách gắn chặt lý luận với thực tiễn. Dùng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn và thông qua thực tiễn mà kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp của lý luận. Vì vậy, quá trình giảng dạy được đánh giá đạt hiệu quả khi cung cấp được những kiến thức hữu ích và giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đưa ra. Từ đó, người giảng viên cần tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và nhận thức của người học, sự chủ động và sáng tạo trong suy nghĩ của người học cần được chú trọng và nâng cao. Phương pháp tình huống là một phương pháp rất hiệu quả trong việc đáp ứng những đòi hỏi như trên.

     1. Những ưu điểm khi sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy các chuyên đề phần V.2 Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở

     Thứ nhất, sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy phần học V.2 làm thay đổi cách học thụ động một chiều, phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của học viên.

     Thứ hai, phương pháp tình huống góp phần nâng cao tính thực tiễn của môn học. Sau khi học viên đã được giảng viên cung cấp các kiến thức lý luận, một bài tập tình huống sẽ giúp học viên có cái nhìn sâu hơn và thực tiễn hơn về vấn đề lý luận đã được học.Thông qua việc xử lý tình huống, học viên sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý luận đã được giảng viên cung cấp.

     Phần học V.2 với tiêu đề là “nghiệp vụ” nên trọng tâm sẽ giúp học viên giải quyết, thực hiện các công việc thường xuyên phải làm trong công tác Đảng như: công tác quản lý đảng viên, công tác cán bộ, công tác tư tưởng, công tác văn phòng cấp ủy… Để có được kiến thức và cách giải quyết mang lại hiệu quả cao thì thông qua việc sử dụng các tình huống vừa giúp học viên có kiến thức về lý luận như các văn bản quy định, hướng dẫn có liên quan. Đồng thời biết cách áp dụng các văn bản trong xử lý các tình huống cụ thể.

     Thứ ba, sử dụng phương pháp tình huống giúp học viên nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến trước đám đông. Để giải quyết tình huống, học viên được yêu cầu làm việc trong một nhóm, từ đó cả nhóm cùng phân tích và thảo luận để đi đến giải pháp, sau đó trình bày giải pháp của nhóm mình trước lớp.

     Trong quá trình làm việc học viên rút ra được kinh nghiệm làm việc theo nhóm, chia sẻ kiến thức, thông tin để cùng đạt đến mục tiêu chung. Các kỹ năng như trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến cũng được hình thành trong bối cảnh này. Học viên cũng học được cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác để làm cho vốn kiến thức của mình phong phú hơn.

     Thứ tư, trong quá trình tổ chức thực hiện phương pháp tình huống giảng viên trong vai trò của người dẫn dắt sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những giải pháp mới từ phía người học để làm phong phú bài giảng và điều chỉnh nội dung tình huống nghiên cứu. Đây cũng là một kênh quan trọng để giảng viên thu thập kinh nghiệm từ người học.

     2. Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong phần V.2 Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở

     Để đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong phần Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, đối với người giảng viên cần phải có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Muốn đạt hiệu quả như mong muốn, cần lưu ý một vài điểm như sau:

     Một là, về lựa chọn tình huống

     Giảng viên cần dành thời gian nghiên cứu để tìm ra những tình huống phù hợp với nội dung từng bài giảng. Việc lựa chọn tình huống như thế nào và khi nào được sử dụng phải được cân nhắc. Một tình huống được xem là hiệu quả khi nó bổ trợ cho kiến thức của bài học, gắn chặt với nội dung của bài học. Ví dụ: Với nội dung của Bài 4. Tổ chức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ và đại hội đảng bộ, chi bộ, những tình huống có thể được lựa chọn như liên quan đến công tác tổ chức đại hội: công tác thẩm tra tư cách đại biểu, tỷ lệ đảng viên nhất trí thông qua nghị quyết, bầu cử… như thế nào được xem là hợp lệ, hay việc đảng viên đi làm ăn xa thường xuyên không tham gia sinh hoạt chi bộ… thì được xem xét tạo điều kiện hoặc xử lý như thế nào. Hay đối với nội dung Bài 7: Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, những tình huống có thể được sử dụng như hình thức xử lý những vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên thông qua công tác kiểm tra, giám sát hay quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát…

     Cần xây dựng được những tình huống có tính thực tiễn

     Một tình huống cụ thể được giảng viên đưa ra có thể là những vụ việc thường xuyên xảy ra trong thực tế, những sai phạm có tính điển hình đang được dư luận quan tâm... Những tình huống có tính thực tiễn cao sẽ hấp dẫn được người học, học viên cảm thấy bản thân cũng gặp những tình huống như vậy mà chưa có phương hướng để  giải quyết. Từ đó học viên sẽ hào hứng và chủ động tìm cách giải quyết vấn đề. Đối với mỗi chuyên đề của phần V.2 các nội dung để xây dựng tình huống gắn với thực tiễn rất phong phú, đa dạng, giảng viên có thể lựa chọn. Ví dụ: Liên quan đến nội dung bài 2: Công tác đảng viên của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác đảng viên, có thể xây dựng những tình huống như công tác quản lý đảng viên: đảng viên đi làm ăn xa, sang bên kia biên giới; công tác kết nạp đảng viên ở những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào có đạo… Hay đối với nội dung bài 6: Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác dân vận, tình huống xảy ra liên quan đến công tác vận động nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới… Những tình huống được đưa ra dựa trên cơ sở thực tế sẽ kích thích lòng ham muốn giải quyết vấn đề của học viên.

      Hai là, về quá trình tổ chức thực hiện phương pháp tình huống

     Để phát huy hiệu quả cao của phương pháp tình huống trong giảng dạy cần phải có một quá trình chuẩn bị công phu. Sự chuẩn bị của người giảng viên ở đây trước hết là trong việc lựa chọn và xây dựng tình huống phù hợp, đảm bảo được những yêu cầu của một tình huống chất lượng, có tính thực tiễn và phù hợp với năng lực trình độ của người học. Giảng viên có thể phân công cho học viên yêu cầu chuẩn bị tài liệu có liên quan để có thể giải quyết được những tình huống mà giảng viên sẽ đưa ra. Đồng thời giảng viên cần chuẩn bị được trước những phương án trả lời cho từng tình huống, các chiều hướng có thể phát sinh khi học viên yêu cầu giảng viên giải đáp hoặc bổ sung thêm.

     Trong quá trình sử dụng phương pháp tình huống trên lớp, giảng viên cần sát sao để gợi ý cho học viên kiến thức vế mặt lý thuyết có liên quan đến tình huống đưa ra, cần thiết giảng viên phải giải thích thật chi tiết tình huống để học viên hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết. Giảng viên cần lưu ý đến quá trình điều hành giải quyết tình huống của học viên để tạo ra bầu không khí cởi mở, sôi nổi để học viên thảo luận và giải quyết tình huống.

     Để giảng dạy lý luận chính trị nói chung và phần học V.2 Nghiệp vụ công tác  Đảng ở cơ sở nói riêng đạt hiệu quả cao, cần thấy được tính đặc thù của từng phần học. Sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, trong đó có việc sử dụng phương pháp tình huống. Một vài lưu ý trong bài viết sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy phần học V.2 Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở qua việc sử dụng phương pháp tình huống.

                                                                                                       ThS. Nguyễn Thị Hương 

                                                                                            GV. Khoa Xây dựng Đảng