Skip to main content
x
5 August 2019

     Châu Bắc Sơn (nay là huyện Bắc Sơn) nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, với diện tích khoảng 800km2, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Tây giáp huyện Võ Nhai, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng và phía Bắc giáp huyện Bình Gia.

     Bắc Sơn địa thế hiểm trở. Núi cao, lắm hang động kỳ vĩ, có hang rộng tới 12.000 m2, dài hàng kilômét với nhiều di tích khảo cổ. Giữa rừng núi trùng điệp là những thung lũng rộng, đồng ruộng khá phì nhiêu. Bắc Sơn có 5 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh. Người Tày đông nhất, chiếm tới 80% dân số.

Từ lâu, Bắc Sơn đã là tên gọi cho cả một nền văn hóa. Những dấu tích tìm thấy tại nơi đây và nhiều vùng lân cận khác cho thấy sự xuất hiện cách đây cả vạn năm của con người ở thời đồ đá mới. Bắc Sơn cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với cuộc khởi nghĩa đã đi vào sử sách. Đó là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - tiếng súng đầu tiên báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền của cách mạng Việt Nam.

     Năm 1933, từ Lũng Nghìu (một làng nhỏ huyện Long Châu, Trung Quốc) cách biên giới không xa, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về quê hương gây dựng cơ sở từ Na Sầm, Khe Da đến Đồng Đăng, Kỳ Lừa. Ngày 25/9/1936, dưới sự giúp đỡ của đồng chí Hoàng Văn Thụ, chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn xuất hiện tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng. Chi bộ gồm 4 đồng chí: Đường Văn Thông (tức Kỳ Tân) làm bí thư, Hà Khai Lạc (tức Doãn Tạo), Đường Văn Tư (tức Quang Long), Mai Huyền (tức Nguyễn Văn Phong). Việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bắc Sơn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào quần chúng đã phát triển mạnh mẽ về chính trị và tổ chức.

     Bắc Sơn lúc ấy nằm trên con đường chiến lược từ Lạng Sơn đến biên giới Việt - Trung, vì thế tháng 8/1938, Xứ ủy Bắc kỳ cử cán bộ về củng cố. Tháng 5/1939, Ban cán sự châu Bắc Sơn thành lập ở đồi Nà Kheo, xã Vũ Lăng. Từ đó nhân dân Bắc Sơn luôn gắn mình với phong trào cách mạng chung của cả nước: chống phát xít, chống bắt phu, đòi bán muối, đòi tự do đi lại...

     Sau khi Pháp đầu hàng Đức ở chính quốc ngày 22/6/1940, phát xít Nhật liền tìm cách nhảy vào chiếm thuộc địa Đông Dương của Pháp. Phát xít Nhật buộc chính quyền thuộc địa Đông Dương phải nhượng cho chúng nhiều quyền lợi. Để làm áp lực cho đòi hỏi này, ngày 22/9/1940, phát xít Nhật cho quân vượt biên giới Việt-Trung đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân theo đường biển đổ bộ lên Đồ Sơn (Hải Phòng). Quân Pháp ở Lạng Sơn chống cự yếu ớt rồi rút chạy qua Điểm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tan rã ở nhiều nơi. Quan quân địch ở Bắc Sơn hoang mang, lo sợ.

     Ngày 25/9/1940, một số đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về tới địa phương. Đêm 26, các đồng chí Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức họp bàn với đảng viên chi bộ xã Hưng Vũ, trong đó có đồng chí Dương Công Bình, đồng chí Hoàng Văn Hán. Mọi người đều nhận định thời cơ phát động quần chúng cách mạng nổi dậy khởi nghĩa đã đến. Sáng ngày 27, cuộc họp do chi bộ triệu tập thống nhất các chủ trương và chính thức kêu gọi nhân dân tiến hành khởi nghĩa. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhân dân đã tự tổ chức việc thu nhặt và tước khí giới của các toán tàn quân địch để tự vũ trang. Ban chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được thành lập do đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng. Mục tiêu đầu tiên là đồn Mỏ Nhài, ở châu lỵ Bắc Sơn.

     Vào lúc 20 giờ ngày 27/9/1940, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Cộng sản xã Hưng Vũ, với 20 khẩu súng trường, 8 súng kíp, đội tự vệ cùng 3000 quần chúng gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh thuộc các xã Tam Hoa, Hưng Vũ, Trấn Yên, Ngư Viễn cùng nhau khua chiêng, gõ mõ, kéo về châu lỵ Bắc Sơn, tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Với khí thế hùng dũng, mọi người ào ạt xông lên, vừa nổ súng vừa kêu gọi binh lính trong đồn về theo cách mạng. Tri châu Hoàng Văn Sĩ cùng một cai đội và hai mươi hai lính với đầy đủ súng ống hoảng sợ chạy tháo thân qua đèo Canh Dàn sang Bằng Mạc. Nghĩa quân chiếm được đồn, thu mười khẩu súng trường, sáu súng kíp, hai gánh đạn, một máy chữ cùng toàn bộ sổ sách, bằng, triện. Tin vui thắng trận lan nhanh, hàng nghìn đồng bào già trẻ đốt đuốc kéo đến đồn Mỏ Nhài reo hò náo động cả một vùng đồi núi. Đồng chí Hoàng Văn Hán thay mặt ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân và phong kiến tay sai, và xác định trật tự an ninh trong các thôn xóm từ nay sẽ do nhân dân tự đảm nhiệm.

     Các ngày 28 và 29/9/1940, quân khởi nghĩa tiếp tục truy quét tàn quân thực dân Pháp ở đèo Canh Tiêm (thuộc xã Chiến Thắng ngày nay), Dập Dị (xã Vũ Lăng). Trước tình hình đó, thực dân Pháp và phát xít Nhật đã thỏa hiệp để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp đưa quân lên chiếm lại các đồn, chiếm lại châu lỵ, thiết lập lại chính quyền bù nhìn tay sai.

     Ngay khi được tin khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập một cuộc họp với các đảng viên ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) để bàn các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng Bắc Sơn. Qua thảo luận, hội nghị quyết định: Tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, thu thập vũ khí để thành lập Đội du kích Bắc Sơn. Xây dựng vùng Nà Tấu (xã Ngư Viễn), Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Ne, Bản Nhi xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) thành khu căn cứ du kích Bắc Sơn. Sau cuộc họp, một cuộc mít tinh, diễn thuyết lớn đã diễn ra tại làng Đon Úy (xã Vũ Lăng). Tại cuộc mít tinh, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố "Đội du kích Bắc Sơn" được thành lập và kêu gọi nhân dân ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa.

     Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng, Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Trước khi tiến công, ngày 28/10/1940, Ban chỉ huy tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Vũ Lăng để vận động quần chúng và biểu dương lực lượng. Giữa lúc quần chúng cách mạng đang dự mít tinh, quân Pháp và tay sai đã huy động lực lượng tập kích bất ngờ làm cho lực lượng của ta bị phân tán. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị kẻ thù khủng bố và đàn áp khốc liệt.

     Sau cuộc tập kích của địch, ngày 29/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng bộ Bắc Sơn tại thôn Nà Pán, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương). Cuộc họp quyết định rút toàn bộ cán bộ, đảng viên đã bị lộ cùng Đội du kích vào rừng sâu để tiến hành hoạt động bí mật; đối với cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên quyết bám lấy quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng ở các xã thuộc châu lỵ Bắc Sơn.

     Tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) đã quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn, đề ra nhiệm vụ và phương hướng hoạt động cho Đội du kích Bắc Sơn là kết hợp hình thức tuyên truyền vũ trang, vừa chiến đấu chống khủng bố, vừa bảo vệ và xây dựng cơ sở quần chúng, tiến tới thành lập căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.

     Đến đây cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã hoàn thành những nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra cho nó. Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn bước sang một giai đoạn đấu tranh mới: xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, chuẩn bị những điều kiện để cùng với cả nước tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.

                                                                                                     ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                                                                   GV. Khoa Xây dựng Đảng