Skip to main content
x
28 June 2019

             Ngày 11/9/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 67-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết hoạch số 55-KH/TU về thực hiện nghị quyết số 67-NQ/TU và tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết ở cấp tỉnh; đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trong chi bộ, đảng bộ và các cơ quan đơn vị.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 67-NQ/TU, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng; các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết; nhận thức về vị trí, vai trò của công tác cán bộ là nhân tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp được nâng cao.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến cơ sở đã được chú trọng nâng cao về mọi mặt, từng bước chuẩn hóa theo quy định, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kì 2015 - 2020, giới thiệu nhân sự ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016 - 2021 và nhân sự các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời tiếp tục chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kì 2020 - 2025. Đến nay, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ và tương đương) đạt 32,57% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 20% trở lên), trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 99,52% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 100%); cấp ủy viên cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học đạt 91,66% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 85% trở lên), trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 79,06% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 80% trở lên); cơ cấu nữ trong Ban Chấp hành đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện chiếm 23,8% (nhiệm kì trước là 14,54%, mục tiêu của nghị quyết là 15% trở lên). Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trình độ chuyên môn trung cấp trở lên đạt 82,03%, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên đạt 93,37% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 85% trở lên); tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90,30% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 70% trở lên); cơ cấu ngành nghề, dân tộc trong cấp ủy các cấp đã đảm bảo hợp lý và đúng cơ cấu theo quy định.

Công tác kiểm tra giám sát cán bộ đã được quan tâm đẩy mạnh, qua kiểm tra cho thấy việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương đối với cán bộ đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị đã tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó còn một số hạn chế yếu kém như: công tác nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn là một khâu khó và yếu, chưa phản ánh đúng thực chất những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ; việc thực hiện có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thực sự gắn vai trò của cá nhân với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, địa bàn. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị chất lượng còn thấp, chưa có tính đột phá. Một số cán bộ công chức, viên chức khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn thiếu điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo theo quy định.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều, cơ cấu chưa hợp lý, nhất là cơ cấu 03 độ tuổi, sự hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ còn có nguy cơ cao; thiếu cán bộ có trình độ quản lý giỏi, trình độ chuyên môn cao ở những lĩnh vực quan trọng của tỉnh; năng lực hoạt động thực tiễn, kiến thức, khả năng dự báo và thích ứng để xử lý những vấn đề mới nảy sinh của một số cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi được trưởng thành từ thực tiễn còn ít. Cơ cấu độ tuổi cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi mới đạt 12,53%. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở chưa đạt chuẩn còn cao (cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đạt chuẩn về trình độ chuyên môn 82,03%, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị 79,16%).

Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết ở một số cấp ủy cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa chú trọng và thực hiện nghiêm túc các khâu trong công tác cán bộ, về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, chính sách luân chuyển cán bộ…

Trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quán triệt thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 04/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị (thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ).

Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong đánh giá cán bộ; phải gắn với vai trò, trách nhiệm của cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở chủ yếu để đánh giá cán bộ.

Ba là, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kì 2015 - 2020; 2020 - 2025, quan tâm lựa chọn những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực công tác tốt, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức lối sống để đưa vào quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ. Thực hiện có hiệu quả đề án "Quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và những năm tiếp theo", đề án "xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bốn là, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ hằng năm, gắn công tác quy hoạch cán bộ với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý; thực hiện đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn chức danh, đào tạo trước khi bổ nhiệm. Ưu tiên đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo danh mục trình độ, chuyên ngành khuyến khích đào tạo và thu hút giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong tham gia giám sát cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

ThS. Vy Thị Tuyết

GV. Khoa Xây dựng Đảng