Skip to main content
x
11 June 2019

              Với sự đầu tư nguồn lực của nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân, sự chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó tạo sức bật, chuyển biến rõ nét, diện mạo nông thôn, có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Không khí thi đua xây dựng NTM tại các huyện, xã đã dần trở thành phong trào rộng khắp. 

Năm 2018, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức được 1.264 hội nghị, xây dựng được 162 pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức được trên 420 hoạt động ra quân thực hiện Chương trình xây dựng NTM với hơn 69.780 lượt người tham gia. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã biên tập, in và cấp phát 1.600 cuốn Sổ tay kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng NTM, 3.000 cuốn sổ tay Hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017-2020 cho cán bộ làm công tác xây dựng NTMcác cấp. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng được 164 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường như: Mô hình “Thu gom rác thải”, mô hình “Xây hố đốt rác và đường nông thôn tự quản”; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch 3 an toàn”, trong năm đã có 891 hộ đạt danh hiệu Hộ gia đình 5 không 3 sạch 3 an toàn”, nâng tổng số hộ đạt trong toàn tỉnh lên 14.051 hộ. Tỉnh Đoàn thanh niên tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện mô hình "Thắp sáng đường thôn", xây dựng các mô hình điểm thôn "Sáng - xanh - sạch - đẹp", xây dựng các tuyến đường hoa, trồng hàng rào cây xanh tạo cảnh quan môi trường tại các xã đã đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp theo Chương trình khung tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2018, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện tổ chức được 24 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 2.396 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cơ sở (Trong đó: 10 lớp đào tạo cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM tại các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; 10 lớp tập huấn cấp huyện; 02 lớp giám sát cộng đồng; 02 lớp tập huấn thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu). Tổ chức 02 cuộc hội thảo xây dựng xã NTM nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu, đồng thời tổ chức 02 đoàn đi học tập kinh nghiệm tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh.

Kết quả thực hiện một số tiêu chí đến hết 2018: Về phát triển giao thông nông thôn, có 58/207 xã đạt tiêu chí về giao thông, chiếm tỷ lệ 28,02%. Về thủy lợi, nước sinh hoạt, toàn tỉnh có 156/207 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, chiếm tỷ lệ 75,36%. Về điện nông thôn, có 129/207 xã đạt tiêu chí về điện, chiếm tỷ lệ 62,32%. Về trường học, có 52/207 xã đạt tiêu chí về trường học, chiếm tỷ lệ 25,12%. Về cơ sở vật chất văn hóa, có 51/207 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, chiếm tỷ lệ 24,64%. Về thông tin và truyền thông,  62/207 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 29,95%. Về trạm y tế, 107/207 xã đạt chuẩn chiếm 51,69%. Tỷ lê hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018  còn 16,7%, giảm 3% so với năm 2017, hiện có 65/207 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,40%.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có thêm 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn lên 48 xã; bình quân 01 xã đạt 10,04 tiêu chí (tăng 1,39 tiêu chí so với năm 2017)không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cùng với đó, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất được chú trọng, cơ bản hạn chế được tình trạng phân bổ dàn trải, cào bằng; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình cây, con chủ lực, thế mạnh của địa phương như: Mô hình Na VietGap ở huyện Chi Lăng; trồng Chanh leo ở các huyện: Tràng Định, Văn Lãng; trồng Nghệ, cây dược liệu ở huyện Văn Quan; cây ăn quả ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường được quan tâm đẩy mạnh, Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Ngày hội Na Chi Lăng lần 2, Tuần lễ quảng bá Na Chi Lăng năm 2018 tại Hà Nội...

Mục tiêu nhiệm vụ năm 2019: Phấn đấu xây dựng 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 60 xã, chiếm 28,99% số xã; bình quân 01 xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 11-11,5 tiêu chí; số xã đạt từ 15-18 tiêu chí có 02/207 xã, chiếm 0,97%; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 35/207 xã, chiếm 16,91%; số xã đạt từ 5-9 tiêu chí có 110/207 xã, chiếm 53,14%. Đối với 05 xã điểm đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt bình quân 14 tiêu chí/xã; 20 xã biên giới phấn đấu đạt bình quân 9,5-10 tiêu chí/xã (Trong đó, xã Cao Minh, huyện Tràng Định và xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn có khả năng đạt chuẩn ngay trong năm 2019). Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu hết năm 2019 bình quân mỗi xã đạt từ 5 - 5,5 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí nâng cao); mỗi xã đạt chuẩn NTM lựa chọn và chỉ đạo xây dựng thành công ít nhất từ 1-2 "Khu dân cư kiểu mẫu".

Phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, năm 2019 và những năm tiếp theo Lạng Sơn cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTMĐẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung về Chương trình MTQG xây dựng NTM, thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng NTM các cấp.

Hai là, tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình MTQG, các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn thực hiện xây dựng NTM. Chỉ đạo đẩy nhanh quyết toán các dự án đã hoàn thành; rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để ưu tiến bố trí vốn thanh toán vốn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM bảo đảm đúng quy định.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực gắn với hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm gắn với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì sản phẩm. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, chú trọng xây dựng các mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất trong xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép các Chương trình việc làm và dạy nghề, giảm nghèo bền vững để sớm hoàn thành các tiêu chí về kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất.

Bốn là, chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Chỉ đạo các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã có mô hình "khu dân cư kiểu mẫu" tiếp tục nhân rộng mô hình, đối với xã đạt chuẩn NTM năm 2018 chỉ đạo xây dựng hoàn thành từ 1-2 "khu dân cư kiểu mẫu". Thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”.

 Năm là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM. Triển khai có hiệu quả về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020; tạo thuận lợi, hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã mang đến những khởi sắc toàn diện cho bức tranh phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn. Diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tiếp tục Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn mới./.

 

CN. Nguyễn Văn Hiệp

 GV. Khoa Xây dựng Đảng