Skip to main content
x
23 May 2019

             Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại mà còn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức các hình thức sản xuất  hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, tỉnh Lạng Sơn xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là “kim chỉ nam”.

Là tỉnh miền núi biên giới, địa hình phức tạp, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế nhưng người nông dân ở đây bao năm chưa tìm ra được “con đường thoát nghèo” bền vững. Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước đã thổi một luồng gió mới, tiếp sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn. Đảng bộ, chính quyền đã kịp thời có những chủ trương, chính sách thực sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các xã chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện các dự án thành phần về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững. Năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí 36.450 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để trợ hỗ trợ các dự án, mô hình điểm về phát triển sản xuất; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, các mô hình phát triển các cây, con thế mạnh, chủ lực của địa phương; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn, các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 và các xã đặc biệt khó khăn để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Đối với 03 dự án điểm phát triển sản xuất tổng thể được UBND tỉnh trực tiếp phân bổ vốn thực hiện: Trong đó đã có 2 dự án phát triển sản xuất đang tiến hình xây dựng và tổ chức sản xuất, tiến độ đạt trên 80% khối lượng (Dự án đầu tư sản xuất rau an toàn gắn tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Cao Lộc và Dự án sản xuất rau an toàn gắn tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn); còn 1 dự án mới hoàn thành xong thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong năm 2019 (Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia).

Đối với 13 dự án hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, các mô hình phát triển các cây, con thế mạnh, chủ lực của địa phương chủ yếu tập trung để phát triển các sản phẩm sạch, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm, các mô hình sau khi được hỗ trợ thực hiện cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, khai thác được các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương và hướng tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị. Một số mô hình cụ thể như: Mô hình Na VietGap ở huyện Chi Lăng; trồng Chanh leo ở các huyện: Tràng Định, Văn Lãng; trồng Nghệ, cây dược liệu ở huyện Văn Quan; cây ăn quả ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng... Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 và 05 xã đặc biệt khó khăn theo định mức 350 triệu đồng/xã, toàn tỉnh đã xây dựng được 69 mô hình phát triển sản xuất tại 52 xã, với 2.320 hộ tham gia, 06 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác. Đến nay, cơ bản các mô hình đang được triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng người dân và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, từng địa phương.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Ngày hội Na Chi Lăng lần 2, Tuần lễ quảng bá Na Chi Lăng năm 2018 tại Hà Nội. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện 31 đề tài, dự án tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các khâu giống, quy trình công tác và sản xuất theo hướng hàng hóa. Thực hiện triển khai hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 8 sản phẩm: Quýt, Quế huyện Tràng Định; Khoai lang huyện Lộc Bình; Rau huyện Cao Lộc; Ba kích huyện Đình Lập; Nem nướng, Măng Bát độ huyện Hữu Lũng; Cao khô Vạn Linh huyện Chi Lăng.

Năm 2018, toàn tỉnh tiếp tục thành lập mới được thêm 18 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên là 128 hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 02 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt độngCông tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện, giải quyết việc làm cho khoảng 14.560 người; tổ chức dạy nghề cho 12.590 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% (tăng 2,4% so với năm 2017). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở 30 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn cho 1.050 học viên, các nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào đối tượng là cây con, chủ lực của tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất gắn với hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; triển khai thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì sản phẩm; tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, chú trọng xây dựng các mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện lồng ghép các Chương trình việc làm và dạy nghề, giảm nghèo bền vững để sớm hoàn thành các tiêu chí về kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất./.

 

)

                                                                                    Nguyễn Văn Hiệp

                                                                       Giảng viên khoa Xây dựng Đảng