Skip to main content
x
26 February 2018

        Cùng với lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và phát triển của đất nước, Lạng Sơn là tỉnh có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng trong vùng văn hóa Việt Bắc đa sắc. Một trong những thành tố quan trọng tạo nên diện mạo phong phú ấy là các lễ hội truyền thống.

        Trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng hơn 340 lễ hội với tính chất, quy mô khác nhau và chủ yếu là Lễ hội Lồng tồng (tức lễ hội xuống đồng - chiếm khoảng 90% tổng số các Lễ hội trên địa bàn tỉnh); còn lại là các loại hình lễ hội khác như: Lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng, Lễ hội lịch sử cách mạng… Quy mô của lễ hội rất phong phú, có hội mang tính thôn bản như hội lồng tồng, có hội mang tính vùng, khu vực. Lễ hội Lạng Sơnvừa mang những đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam và vùng Việt Bắc vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa Xứ Lạng. Các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hàng năm. Do vậy không ảnh hưởng đến sản xuất nông – lâm nghiệp. Các lễ hội đều mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội chùa Tam Thanh, Lễ hội Chùa Tiên (TP. Lạng Sơn), Lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng, Huyện Tràng Định), lễ hội Phài Lừa (Xã Quốc Việt, Huyện Tràng Định), lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn)…       

        Trong những năm qua việc tổ chức và quản lý hoạt động Lễ hội được quan tâm chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo, lựa chọn một số lễ hội dân gian tiêu biểu gắn với các di tích lịch sử, tín ngưỡng, danh thắng trên địa bàn tỉnh, tập trung ở khu vực thành phố và một số huyện lân cận để tổ chức Khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng hàng năm với quy mô cấp tỉnh. Tất cả các huyện, thành phố đều xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Tân Mão; Thành lập Ban tổ chức Lễ hội xuân hằng năm để chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn quản lý. Tổng số đã có 20 lễ hội tiêu biểu được các huyện, thành phố tổ chức Lễ khai mạc với quy mô cấp huyện, thành phố như: Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa - Tả phủ, Lễ hội Đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn); Lễ hội Đồng Đăng, Lễ hội Bắc Nga (huyện Cao Lộc); Lễ hội Háng Đắp (huyện Lộc Bình)... Đồng thời, chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn tổ chức từ 1-2 lễ hội tiêu biểu để làm điểm nhấn tuyên truyền, quảng bá cho thế mạnh, tiềm năng di sản văn hoá, du lịch của địa phương nhân dịp đầu xuân. Thông qua đó, các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng nhân dân; nhiều nét hay, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn phát huy, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập.     

         Nhìn chung trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao tới tận cơ sở, các lễ hội được tổ chức triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước. Việc phân cấp tổ chức lễ hội theo quy mô từng cấp, từng cơ sở gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại đã tạo điều kiện cho nhân dân, các tổ chức chính quyền và đoàn thể ở cơ sở được trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện, qua đó đã phát huy tính sáng tạo, kế thừa truyền thống văn hóa, tập tục tốt đẹp của từng dân tộc, từng địa phương. Các ngành và chức năng liên quan chủ yếu chỉ hỗ trợ về chuyên môn và thực hiện chức năng quản lý nhà nước.                                                  

         Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn tồn tại một số hiện tượng: đưa rước tượng thờ trái phép vào di tích; tự ý bài trí không đúng với quy trình sơ đồ tiêu chuẩn về bài trí tượng pháp, xây dựng, cơi nới trái phép di tích và cơ sở thờ tự. Tại các lễ hội việc xóc quẻ, bán sách tướng số, tử vi không có xuất xứ, hiện tượng ăn xin vẫn còn diễn ra, tình trạng người ăn xin, chèo kéo mua bán hương vàng, cành lộc hoặc tổ chức các trò chơi ăn tiền mang tính chất cờ bạc tại các điểm diễn ra lễ hội. Vệ sinh môi trường và an toàn giao thông chưa đảm bảo.

        Căn cứ từ tình hình thực tế, chúng tôi đề xuất một số định hướng, giải pháp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội như sau:

        Một là, cần tăng cường quản lý lễ hội truyền thống bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp, chính sách, các quy hoạch và chiến lược phát triển lễ hội mang tính bền vững. Hiện nay đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật của Trung ương về quản lý lễ hội như các chỉ thị, nghị định, quy chế, thông tư… Còn ở các tỉnh, thành phố hầu như chưa xây dựng hoàn chỉnh quy chế, hướng dẫn… công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

        Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát lễ hội, gắn với quản lý các di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là việc làm cần thiết nhằm phát hiện và uốn nắn, xử lý kịp thời những sai phạm, góp phần tạo nên nếp sống văn minh, văn hóa, ấn tượng tốt đẹp của người dân và du khách về lễ hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý di sản và lễ hội truyền thống. 

        Ba là, thực hiện nghiên cứu, thống kê và phân loại lễ hội trên từng địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp. Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của người dân. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu về bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống, nghi lễ, tín ngưỡng dân gian đặc sắc, phục dựng các lễ hội đã bị mai một nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

        Bốn là, tăng cường huy động các tầng lớp nhân dân các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tích cực và tự giác vào các hoạt động của lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phục vụ lễ hội nhằm khai thác, bổ sung và giới thiệu được nhiều sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần các sản phẩm văn hóa địa phương để phục vụ khách tham quan.

        Năm là, có định hướng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nghiên cứu phát huy các giá trị tiến bộ của luật tục trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để có thể tổ chức định kỳ hàng năm.

        Sáu là, việc quy nạp bản sắc văn hóa của các khu vực, địa phương khác nên có sự chon lọc, kế thừa và phát triển đúng hướng, lành mạnh và bổ ích đối với mọi tầng lớp nhân dân. Khai thác những sắc thái riêng biệt của lễ hội trên cơ sở đó tạo thành hoạt động văn hóa, tránh sự trùng lặp, tạo sự hấp dẫn riêng của địa phương. Những trò chơi, trò diễn và màn sân khấu hóa phải được xây dựng công phu nhằm tái hiện phong tục, lịch sử địa phương bằng những biểu tượng nghệ thuật cách điệu cao hơn.

                                                                                             Phạm Anh Tuấn

                                                                                         Khoa Xây dựng Đảng