Skip to main content
x
11 September 2018

        Thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn có diện tích tự nhiên là 316,17ha, thị trấn có 2 thôn và 6 khối phố, với tổng số dân số là gần 5000 người/1260 hộ gia đình, bao gồm 05 dân tộc anh em đoàn kết chung sống. Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng tới các thôn, khối phố và đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân; các phong trào văn hóa và thể dục thể thao phát triển rộng. Hàng năm 100% các khu dân cư đạt thôn, khối phố tiên tiến, 70% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa và có trên 92% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 8/8 thôn khối phố đều có nhà văn hóa.

         Thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại các xã  phường, thị trấn và các khu dân cư; cấp ủy đảng, chính quyền thị trấn coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm tham gia của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân.

        Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thị trấn Bắc sơn đã đạt được một số kết quả:

        Về tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa - văn minh đô thị:

        Lễ cưới tại thị trấn Bắc Sơn trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, đám cưới được tổ chức trang trọng, lịch sự gọn nhẹ. Con cái được bình đẳng tự do tìm hiểu trên cơ sở tự nguyện, đúng với Luật hôn nhân gia đình, được cha mẹ 2 bên tạo điều kiện, và chính quyền địa phương thực hiện đăng ký kết hôn đúng theo quy định của pháp luật, không còn tình trạng tổ chức đám cưới bắc rạp tràn lan ra đường, mà được tổ chức tại các Nhà hàng theo phong cách và nếp sống mới, lễ ăn hỏi và lễ đón dâu được thực hiện trong cùng một ngày; không còn tình trạng cưới tảo hôn; các cặp đôi nam, nữ thanh niên đều tuân thủ đến UBND thị trấn đăng ký trước khi tổ chức đám cưới từ 10-15 ngày.

         Về tổ chức tang lễ:

        Những năm trước đây, tang lễ ở thị trấn Bắc Sơn, được thực hiện căn bản theo đời sống mới nhưng vẫn còn có tính tự phát và cũng còn nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà, chi phí tốn kém. Đứng trước tình hình đó cấp ủy đảng, chính quyền luôn trăn trở và xác định đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo và mất trật tự an toàn xã hội, làm chậm quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Từ đó thị trấn Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị thảo luận để tìm ra hướng đi mới trong công tác thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn, nhằm thay đổi xóa bỏ các hủ tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào từng người, từng gia đình qua nhiều thế hệ. Công tác tuyên truyền, triển khai được thực hiện đồng bộ, thực hiện theo quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn và cùng thực hiện”, trên cơ sở lấy vai trò nòng cốt là đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Ban quản lý nghĩa trang, Ban quản lý Hội hiếu liên khu, các Ban tổ chức lễ tang các thôn, khối phố được thành lập, đứng đầu các tổ chức là các đồng chí đảng viên, toàn bộ các hoạt động liên quan đến tổ chức tang lễ trên địa bàn đều dưới sự quản lý chặt chẽ của UBND thị trấn mà trực tiếp là Ban Văn hóa xã hội. Đồng thời giao cho Ban quản lý Hội hiếu xây dựng Nội quy, quy chế.

        Khi ở khu dân cư có công việc tang lễ, Ban tang lễ tại thôn, khối phố chịu trách nhiệm lo công tác điều hành và tổ chức toàn bộ quá trình diễn ra tang lễ đúng theo nếp sống văn hóa mới và những quy đinh mà Nội quy của Hội hiếu đã xây dựng đề ra, cụ thể như: Không để người chết trong nhà quá 48 tiếng, không được bắc rạp tổ chức lễ tang quá rộng và dài hơn mức cho phép (03 gian); Không có thầy mo, thầy cúng, không rắc vàng mã dọc đường khi đưa tang; Không được tổ chức ăn uống linh đình, tuyệt đối không được uống rượu, không được bỏ thuốc lá ra mời trong khi tổ chức lễ tang…

         Về tổ chức Lễ hội:

        Trên địa bàn thị trấn, “Lễ hội xuân” hàng năm được tổ chức trong 2-3 ngày (tùy theo các nội dung thi đấu các môn thể thao) được khai mạc vào sáng ngày mùng 05 tết nguyên đán, Hội xuân được tổ chức với nội dung chủ yếu là tổ chức hội diễn văn hóa, văn nghệ và thi đấu các bộ môn thể thao truyền thống như kéo co, nhảy bao, bịt mắt bắt dê, cờ tướng và các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn cầu lông…Hội xuân càng ngày càng được cải tiến nội dung phong phú và chất lượng và chuyên nghiệp hơn, kinh phi chi phí hoạt động cho lễ hội được xã hội hóa từ các khu dân cư. Những năm gần đây còn có thêm Lễ hội Tịnh điền được tổ chức tại di tích Văn hóa Nhà Nghè thôn Yên Lãng, lễ hội này mới được khôi phục lại sau khi Ban quản lý Di tích tổ chức trùng tu, tôn tạo lại di tích. Di tích Nhà Nghè có nguồn gốc và được xây dựng từ đầu thế kỷ XX để thờ tự Tướng quân Dương Tự Minh (người có công với đất nước trong việc đánh tan giặc tống giữ yên miền biên ải phía bắc vào thời nhà Lý). Sau trùng tu Di tích được Ban quản lý di tích thị trấn trực tiếp quản lý và điều hành, di tích đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của nhân dân. Nhìn chung các hoạt động văn hóa tâm linh và Lễ hội Tịnh điền đều chịu sự quản lý trực tiếp và  được hướng dẫn của Ban quản lý Di tích thị trấn.

          Các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội đã dần thấm sâu vào toàn bộ đời sống của nhân dân trên địa bàn thị trấn và được mọi người, mọi nhà ủng hộ và cùng chung tay thực hiện.

          Với những phong trào và việc làm thiết thực của cán bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn đã được lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều giấy khen và các danh hiệu cao quý khác; năm 2015, nhân dân và cán bộ thị trấn Bắc Sơn đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương”./                                                   

                                                                                        

                                                                                                         ThS: Đồng Hương Gấm

                                                                         Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh