Skip to main content
x
27 August 2018

        Nông dân Lạng Sơn chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 68,42% lao động xã hội trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ qua (2013 – 2018), Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” qua đó, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên, nông dân, đưa bộ mặt nông thôn mới của tỉnh ngày càng một khởi sắc. 

        Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng hộ nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp cho Hội Nông dân các huyện, thành phố; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả, đồng thời tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cấp Hội bằng các văn bản đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Kết quả, trọng nhiệm kỳ đã vận động được 62.506 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp đạt 161,36% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Qua bình xét có 35.567 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt 56,9% so với hộ đăng ký, đạt 113,8% so với mục tiêu đề ra. Trong đó cấp Trung ương là 161 lượt hộ, cấp tỉnh là 2.636 lượt hộ, cấp huyện, thành phố là 8.132 lượt hộ, cấp cơ sở là 24.638 lượt hộ.

        Cùng với đó, Hội nông dân các huyện, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, các lớp dạy nghề ngắn hạn cho 14.889 lượt hội viên nông dân, thường xuyên nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, qua đó đã bước đầu nâng cao hiểu biết, thao tác sử dụng an toàn, sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân; cung cấp kịp thời các thông tin khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thông tin thị trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ sử dụng công cụ sản xuất đến việc tổ chức sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thông qua phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm ngày càng cao.

        Một trong những kết quả nổi bật của phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi đó là việc phong trào đã thúc đẩy quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh... từng bước thành lập các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại. Trong giai đoạn 2013 - 2018 đã góp phần hình thành trên 85 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trên 328 Tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã làm sáng lập viên thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân SXKD giỏi. Từ đó, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của người dân, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

        Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong kinh tế nông thôn; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, nguồn nước của tỉnh, có nhiều mô hình đã được nhân rộng trong sản xuất, tiêu biểu như: hộ ông Nguyễn Văn Tằm, xã Tân Văn, huyện Bình Gia với mô hình trồng cây Quýt và chăn nuôi Trâu có thu nhập trên 200 triêu đồng/năm; hộ bà Đồng Thu Hiển xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan với mô hình chăn nuôi lợn thịt và dịch vụ bán tổng hợp có thu nhập trên 375 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Ty xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng với mô hình chế biến gừng, nghệ cho thu nhập 650 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Tám xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng với mô hình VACR có thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm… Mang lại hiệu quả sản xuất cho nông dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, qui mô ngày càng mở rộng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường như: Na Chi lăng; Quýt Bắc Sơn; Thạch Đen Tràng Định; Khoai Lang Lộc Bình, các sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap của các xã Tân Liên, Gia Cát huyện Cao Lộc; Chăn nuôi, trồng rừng ở Hữu Lũng; Chè, Thông ở huyện Đình Lập; Hồi ở huyện Văn Quan...

        Mặt khác, với tinh thần “Tương thân tương ái” các hộ nông dân SXKD giỏi các cấp đã tạo nhiều việc làm tại chỗ cho con em nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, các gia đình chính sách về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả trong giai đoạn 2013 – 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm (năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,07%), thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người, tăng 1,8 lần so với năm 2013 góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

        Có thể khẳng định, trong thời gian qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, quy mô sản xuất của các hộ nông dân SXKD giỏi ngày càng mở rộng; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế. Đời sống, vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên, hàng ngàn hộ hội viên nông dân thoát nghèo và làm giàu. Phong trào đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, có sức lan tỏa trong toàn tỉnh; giữ vững an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị nông thôn, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./. 

 

                                                                                    Nguyễn Văn Hiệp

                                                                              Giảng viên Khoa Dân vận