Skip to main content
x
22 August 2018

         Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy  nhà nước đã nêu rõ: “Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem  đây là khâu  đột phá để tạo môi trường  thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của nhân dân và doanh nghiệp. Tiến hành rà soát tất cả các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, chỉ    những thủ tục, những quy định sai pháp luật, không phù hợp để kiên quyết sửa đổi. Đây là khâu cản trở sự phát triển và gây nhiều bức xúc trong nhân dân; cần tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này”

        Trong những năm qua công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng trên địa bàn huyện Cao Lộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ của cấp trên, quan tâm chỉ đạo sát sao, phối hợp thực hiện thường xuyên của các cấp các ngành trên địa bàn huyện nhìn chung công tác cải cách hành chính đã từng bước đi vào nề nếp, tạo ra những chuyển biến đáng kể của nền hành chính Nhà nước; Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn càng được nâng cao, đặc biệt là công chức phụ trách cải cách hành chính ở các cơ quan đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

        Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và nhân dân chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cải cách hành chính của người đứng đầu một số ít cơ quan, đơn vị còn thiếu sự đồng bộ và chưa thật sự quyết liệt nên chưa đề ra và triển khai được các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Kinh phí, cơ sở hạ tầng, phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính còn hạn chế.

        Chính vì vậy, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí.

        Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, trong công tác cải cách thủ tục hành chính của huyện Cao Lộc cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

         Một là, rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính hiện hành

        Thông qua quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến công tác cải cách hành chính, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản của trung ương và địa phương không còn phù hợp với tình trạng thực tế và nhu cầu của nhân dân, những văn bản hết hiệu lực hoặc không đúng với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tiếp tục loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, chưa phù hợp, sớm xây dựng và hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện, giảm thiểu về thủ tục, thời gian giải quyết công việc, tránh  phiền hà cho cá nhân, tổ chức và công dân.

         Hai là, Công khai hóa thủ tục hành chính

        Để thực hiện được giải pháp này, cần có sự đầu tư và quan tâm hơn để các thủ tục hành chính khi thực hiện được nhanh gọn và hiệu quả, dễ hiểu và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, công bố công khai biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện thủ tục hành chính còn phục vụ mục đích tạo cơ sở để nhân dân giám sát. Hơn nữa, công khai hóa thủ tục hành chính còn nhằm giúp cán bộ, công chức nắm rõ được các quy định, trình tự tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, từ đó không  tùy tiện thêm bớt các yêu cầu của thủ tục đối với tổ chức, công dân. Ngoài ra công việc này còn giúp các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ thực hiện chức năng thanh tra, giám sát việc thực thi thủ tục hành chính tại cơ sở.

        Việc công bố, công khai thủ tục hành chính cần được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Công bố trước công khai, theo trình tự chặt chẽ và đúng thẩm quyền công bố bộ thủ tục hành chính, sau đó phải công khai thủ tục đó để cá nhân và tổ chức được  biết. Các đơn vị không tùy tiện ban hành thủ tục hành chính, ở chính quyền  địa phương thì chỉ có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh mới quy định thủ tục hành chính, còn cấp huyện và xã là cấp thực hiện nên không được ban hành hay quy định thủ tục hành chính, mà phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong tìm hiểu và thực hiện. Ngoài ra, việc công khai phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, thường xuyên, dễ khai thác, sử dụng.

        Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

        Cán bộ công chức đóng vai trò quan trọng trong hoạt động công vụ, xây dựng và hoàn  thiện bộ máy nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước  nói riêng và hệ thống chính trị nói chung được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc thực hiện thủ tục hành chính có hiệu quả cao hay không cũng là do đội ngũ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính và các cán bộ, công chức liên quan đến việc quy trình thực hiện liên thông liên quan đến trách nhiệm của hai hay nhiều cơ quan khác nhau.

        Do đó, Ủy ban nhân dân huyện cần tiếp tục duy trì các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, cụ thể là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là những kỹ năng nghiệp vụ hành chính, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc; phổ biến kiến thức pháp luật  để cán bộ, công chức vận dụng trong quá trình thực thi công vụ, đặc biệt các yêu cầu đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Đồng thời, tổ chức bố trí, sắp xếp cán bộ đúng vị trí, sở trường công việc. Nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến các quy trình, đặc biệt quy trình liên thông ngoài các tiêu chí chung, còn phải đảm bảo yêu cầu đặc thù cho từng đối tượng, từng nhiệm vụ, phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cần tăng cường thực hiện chế độ thu hút và tự đào tạo người có trình độ chuyên môn cao tham gia công tác tại huyện để việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông đạt kết quả cao hơn.

         Bốn là, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ

        Khi giải quyết các thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cần được trang bị những phương tiện cần thiết để việc thực thi công vụ hiệu quả và tránh sự tùy tiện. Do đó, các cấp lãnh đạo cần có sự quan tâm đúng mức và kịp thời để trang bị các phương tiện cũng như các điều kiện làm việc cần thiết để giúp các bộ phận thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng và thuận lợi; từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị; phục vụ công tác hiện đại hóa công sở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác cải cách hành chính.

        Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là một đòi hỏi khách quan của công tác cải cách hành chính và cũng là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo cho mọi hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính: nâng cấp và tăng cường số dịch vụ công trực tuyến lên cấp  độ 3  (tiếp nhận hồ sơ qua môi trường mạng); mở rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các huyện còn lại của tỉnh; duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất  lượng theo tiêu  chuẩn TCVN I SO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Công nghệ thông tin được coi là “cánh tay đắc lực” phục vụ cho cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, giúp công việc được giải quyết nhanh gọn, chính xác; giúp công tác kiểm tra, giám sát của lănh đạo được thực hiện thuận lợi.

        Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục hành chính

        Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính cần được quan tâm, chú trọng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, mang lại niềm tin cho nhân dân trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và nêu gương điển hình đối với các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là vô cùng cần  thiết.

        Để làm tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cần tập trung vào thực  hiện  một số việc như sau:

        - Tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan cấp trên, cơ quan chuyên môn đối với hoạt động thực hiện cải cách thủ tục hành chính

        - Tiến hành thanh tra, kiểm tra nội bộ trong chính Ủy ban nhân dân huyện đối với công tác thực hiện thủ tục hành chính.

        - Tăng cường sự giám sát của nhân dân./.

 

                                                                                                         ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

                                                                                                      Khoa Nhà nước và pháp luật