Skip to main content
x
9 August 2018

          Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước. Đồng thời, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn. Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng Lạng Sơn đã quyết tâm xây dựng nông thôn mới với nỗ lực cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp. 

        Tỉnh Lạng Sơn gồm 11 huyện , thành phố, với 226 xã, phường, thị trấn (207 xã, 14 thị trấn và 05 phường), 2.319 thôn, khối phố (2.169 thôn, 150 khối phố). Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 thì tỉnh Lạng Sơn có 38 xã khu vực I, có 63 xã khu vực II, có 125 xã khu vực III và có 1.125 thôn đặc biệt khó khăn.

        Đến thời điểm tháng 12/2017, Lạng Sơn có 36/226 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể:         

        Thành phố Lạng Sơn có 03 xã (Mai Pha, Hoàng Đồng, Quảng Lạc); huyện Chi Lăng có 05 xã (Chi Lăng, Vạn Linh, Quang Lang, Hòa Bình, Bằng Mạc), huyện Hữu Lũng có 04 xã (Tân Thành, Minh Sơn, Vân Nham, Đồng Tân), huyện Văn Lãng có 03 xã (Hoàng Văn Thụ, Tân Thanh, Trùng Quán), huyện Tràng Định có 03 xã (Đại Đồng, Tri Phương, Chi Lăng); huyện Văn Quan có 02 xã (Xuân Mai, Tràng Phái), huyện Bình Gia có 03 xã (Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Tân Văn), huyện Bắc Sơn có 5 xã (Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Hữu Vĩnh, Đồng Ý, Chiến Thắng), huyện Cao Lộc có 3 xã (Gia Cát, Hải Yến, Yên Trạch), huyện Lộc Bình có 03 xã (Xuân Mãn, Yên Khoái, Hữu Khánh), huyện Đình Lập có 02 xã (Đình Lập, Cường Lợi).

        Các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có vị trí, vai trò rất quan trọng:

        Một là, các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đầu tàu gương mẫu của cả tỉnh. Đồng thời, đây là cấp chấp hành, làm cầu nối trực tiếp toàn bộ hệ thống chính trị với dân; là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về nông thôn mới; là nơi tổ chức các phong trào quần chúng nhân dân, phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư.

        Hai là, các xã nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn là nơi kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao đồng thời là nơi tập trung hầu hết dân cư, lực lượng lao động, là nơi trực tiếp tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hoá phục vụ đời sống và xuất khẩu. Các xã đạt nông thôn mới còn là nơi diễn ra hàng ngày các hoạt động văn hoá, giáo dục, nơi lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, vì vậy phải xem xã là nơi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Truyền thống quí báu của dân tộc sẽ được khơi dậy và phát huy từ xã, xây dựng đoàn kết, sức mạnh của dân tộc củng phải bắt đầu từ xã; sức mạnh của quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân củng bắt đầu từ xã. Muốn giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cũng phải bắt đầu từ xã.

        Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn phải chăm lo xây dựng và giữ vững các xã đạt chuẩn nông thôn mới thực sự là nền tảng, phải xác định xã đạt chuẩn nông thôn mới là một xã hội thu nhỏ, ở đó nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ; Dân trí được nâng caobản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; An ninh tốt, quản lý dân chủ; Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao...

        * Đặc điểm các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn

        Một là, các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn có địa hình thuận lợi hơn so với các xã ở tỉnh Lạng Sơn nói chung. Các xã ở tỉnh Lạng Sơn chủ yếu có địa hình là đồi núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên (gồm 150 xã, chiếm 91% tổng số xã), vùng biên giới (gồm 20 xã, chiếm 0,88%). Còn các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Lạng Sơn có địa hình bằng phẳng hơn, có những cánh đồng lớn. Đặc biệt là có hệ thống giao thông thuận lợi hơn vì có thể sử dụng cả đường sắt, đường bộ và đường thủy, thuận lợi gần trung tâm tỉnh, trung tâm huyện như xã Mai Pha, Hoàng Đồng, Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn), Minh Sơn (Hữu Lũng), Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), Xuân Mai (Văn Quan), Xuân Mãn (Lộc Bình), Tân Thanh (Văn Lãng)…

        Hai là, nền kinh tế chủ đạo của 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới là nông nghiệp, các sản phẩm và mô hình nông nghiệp thường gắn với thương hiệu của tỉnh, của huyện như Na (Chi Lăng), quýt (Bắc Sơn), hồng và rau an toàn VietGap (Cao Lộc), thạch đen Tràng Định, măng Bát Độ Hữu Lũng, khoai Lộc Bình, mô hình nuôi lợn nái (Tô Hiệu, Bình Gia), mô hình trồng Táo đại theo tiêu chuẩn VietGap (Hữu Lũng)…

        Ba là, các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là các xã khu vực I và khu vực II, là các xã điểm nông thôn mới của tỉnh. Cụ thể, trong tổng số 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 15 xã khu vực I: Mai Pha, Hoàng Đồng, Quảng Lạc (Thành phố Lạng Sơn), Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh (huyện Bắc Sơn), Quang Lang, Chi Lăng (huyện Chi Lăng), Hải Yến (huyện Cao Lộc), Đồng Tân, Minh Sơn (huyện Hữu Lũng), Xuân Mãn, Yên Khoái (huyện Lộc Bình), Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ (huyện Bình Gia); có 18 xã khu vực II: Bắc Sơn, Đồng Ý, Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn), Vạn Linh, Bằng Mạc, Hòa Bình (huyện Chi Lăng), Gia Cát, Yên Trạch (huyện Cao Lộc), Xuân Mai, Tràng Phái (huyện Văn Quan), Tân Thành, Vân Nham (huyện Hữu Lũng), Hữu Khánh (huyện Lộc Bình), Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng), Đình Lập (huyện Đình Lập), Đại Đồng, Tri Phương, Chi Lăng (huyện Tràng Định). Chỉ có 03 xã khu vực III: Trùng Quán (huyện Văn Lãng), Tân Văn (huyện Bình Gia), Cường Lợi (huyện Đình Lập) và có 38 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020.

        Bốn là, điểm nổi bật nhất của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn là cuộc sống làng, xã gắn liền với nghề trồng lúa nước và lối sống tư duy kiểu nông nghiệp, dẫn đến hình thành lối ứng xử nước đôi. Tính chất nước đôi tạo ra tinh thần đoàn kết tương trợ lại vừa có óc tư hữu ích kỷ và thói cào bằng vừa có tính tập thể hoà đồng lại óc bè phái cục bộ, địa phương, vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng lại vừa có óc gia trưởng tôn ti, vừa có tinh thần tự lập vừa xem nhẹ vai trò cá nhân, vừa có tính cần cù và nếp sống tự cấp tự túc lại vừa có thói quen trông chờ, thụ động ỉ lại; tất cả cái tốt và cái xấu thành từng cặp và đã tồn tại lâu đời ở làng, xã. Tuỳ từng thời điểm, theo hoàn cảnh mà mặt tốt, mặt xấu được phát huy. Khi đứng trước những khó khăn lớn, mục tiêu lớn cần phải đạt thì tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể nổi trội hơn, nhưng khi khó khăn đã qua, mục tiêu đã đạt thì thói tư hữu và óc bè phái có thể lại nổi lên. Có thể nói các đặc điểm trên tác động vào lối sống, sinh hoạt, làm việc và ứng xử của con người các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn. Những mặt tốt và mặt xấu đã ảnh hưởng đến phong cách đội ngũ cán bộ, đặc biệt đối với người bí thư Đảng uỷ xã những mặt tốt và mặt xấu đều ẩn chứa trong phong cách của họ. Tuỳ theo hoàn cảnh thực tiễn, theo từng giai đoạn mà nó được thể hiện ra trong quá trình làm việc, trong suy nghĩ cũng như trong ứng xử và đời sống sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

        Kết thúc năm 2017, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn đã đi được nửa chặng đường với kết quả đáng ghi nhận ở các xã ở một tỉnh miền núi biên giới, xuất phát điểm thấp như ở Lạng Sơn. 36 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đã và đang tạo ra những sự đổi thay tích cực, đặc biệt trong sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian tới, nửa hành trình còn lại được dự báo không ít khó khăn, cần có sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, nhất là người dân - một chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

 

                                                                                 ThS.  Vi Thị Tuyết

                                                                              GV. Khoa Xây dựng Đảng