Skip to main content
x
28 June 2018

        Ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Bảy mươi năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh đưa cách mạng nước ta từ thắng lợi đến thắng lợi khác. Nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chúng ta có điều kiện nhìn lại phong trào thi đua yêu nước từ ngày phát động đến nay, khẳng định ý nghĩa, giá trị của  “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” từ đó rút ra những bài học quý báu cho việc học tập và làm theo Bác để tiếp tục phát huy “Lời kêu gọi” đến tất cả mọi người dân Việt Nam cùng nhau thi đua thực hiện góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Mở đầu “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “ Mục đích thi đua ái quốc là gì?

        “Diệt giặc đói khổ.

          Diệt giặc dốt nát.

          Diệt giặc ngoại xâm”.

        Nội dung thứ hai, Người chỉ rõ “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây:Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua: Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: 

        Toàn dân kháng chiến

        Toàn diện kháng chiến

        Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta

        Vừa kháng chiến

        Vừa kiến quốc”.

        Như vậy thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Phương châm dựa vào dân để đạt mục đích phục vụ nhân dân đã được Đảng ta lãnh đạo thực hiện trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhằm phát huy sức lực của mọi người, theo lời dạy của Bác Hồ.

       Nội dung thứ ba, Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc.Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm.Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.Thế là chúng ta thực hiện:

        Dân tộc độc lập.

        Dân quyền tự do.

        Dân sinh hạnh phúc”.

        Nội dung thứ tư, để đi đến kết quả tốt đẹp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi:

        “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;Đồng bào công nông thi đua sản xuất;Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân;Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

        Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

        Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc.

        Hỡi toàn thể đồng bào!

        Hỡi toàn thể chiến sĩ!” 

       Văn hóa thi đua là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Nó thể hiện chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, không chỉ ở xác định mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong thi đua yêu nước mà còn ở việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, đơn vị tham gia thi đua. Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao, “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”. Vì vậy, theo tư tưởng của Hồ chí Minh: thi đua là đoàn kết; thi đua để tăng cường đoàn kết, có đoàn kết mới đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ. Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.

        70 năm qua giá trị của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đối với cách mạng Việt Nam được kế thừa vận dụng và phát huy như sau:

        Một là, thi đua ái quốc chính là lời căn dặn của Người về tăng cường đoàn kết dân tộc đẩy mạnh thi đua. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thi đua ái quốc phải đoàn kết, tăng cường đoàn kết, huy động sức mạnh của mọi người, mọi tầng lớp “người người thi đua, ngành ngành thi đua” thì mới đạt được nhiều kết quả. Đoàn kết là chất keo liên kết mọi tầng lớp, mọi hạng người. Nhưng nhờ có thi đua và qua thi đua mà mọi người cảm thấy cần nhau hơn, gần gũi nhau hơn, không thể thiếu được nhau trong công cuộc cách mạng. Thí dụ: muốn bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn. Ngày nay với sự phát triển của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế nếu các tầng lớp nhân dân ta không đoàn kết sản xuất, mà vị lợi ích cá nhân quyên đi lợi ích cộng đồng thì chắc chắn sẽ tự đào thải mình. Vì vậy thi đua đoàn kết, hợp tác là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua đạt hiệu quả cao nhất.

        Hai là thi đua là yêu nước: Thi đua yêu nước chính là tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh tinh thần, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất nhằm giải quyết những yêu cầu của cách mạng mới đưa ra. Thi đua yêu nước phải là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, nghĩa là phải huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Tính chất toàn dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong “Lời kêu gọi”, như vậy mới là một cách yêu nước thiết thực và tích cực vì yêu nước là làm cho nước nhà mau hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh. Nói tóm lại ai cũng thi đua. Bởi vì, chỉ có qua thi đua với kết quả cụ thể mới bộc lộ và ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước. Yêu nước thứ tình cảm của quý kín đáo không thể cất giữ “trong hòm”, mà phải đưa ra “trưng bày”. Tinh thần yêu nước thì phải được thực hành vào công việc kháng chiến, kiến quốc. Như vậy, rõ ràng là những người thi đua tức là tăng năng suất nhiều lần trong chiến đấu và sản xuất là những người yêu nước nhất.

        Ba là, thi đua là tinh thần quốc tế: Thi đua chẳng những là bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta mà còn làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới, là góp sức giữ gìn hòa bình dân chủ thế giới. Bản chất thi đua hay thi đua yêu nước đã chứa đựng tinh thần quốc tế. Bởi vì chỉ có các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ mới có thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt giặc thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở các nước đế quốc, không bao giờ có và không thể có phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Vì nhân dân lao động các nước ấy không dại gì mà làm lợi cho những giai cấp bóc lột họ, áp bức họ”. Còn thi đua của chúng ta là “Thi đua với tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà còn làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”

        Bốn là, Thi đua là cải tạo con người: Vì lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, lao động sáng tạo xã hội thì thi đua được hiểu là một lọai lao động ở một cung bậc khác, cao hơn, tức là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra làm, nhằm thúc đẩy nhau đạt thành tích tốt nhất.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”. Đó chính là một mặt quan trọng của ý nghĩa thi đua cải tạo con người. Mặt khác, đã là chiến sĩ thi đua thì họ là những người giàu tinh thần trách nhiệm, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì vậy, phong trào thi đua càng sâu rộng, càng có nhiều con người tốt, tạo đà cho sự phát triển của xã hội, của cách mạngchứ không suy bì thiệt hơn của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những người anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần tiết kiệm, liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.

        Năm là, thi đua yêu nước phải có phương pháp: Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch, có khẩu hiệu rõ ràng, nội dung cụ thể, biết gắn kết nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, phải biết động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng đúng và kịp thời. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ có tới bốn lần Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua: “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” ngày 1/5/1948; “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 11/6/1948; “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” ngày 1/8/1949 và “Lời kêu gọi nhân ngày 20/7” ngày 20/7/1965 Cả bốn lần đó, lời kêu gọi vừa thể hiện được mục tiêu vừa là định hướng cho phong trào thi đua nhưng đó đều là những khẩu hiệu thiết thực, cụ thể, rõ ràng dễ nhớ, dễ hiểu, Người đưa ra cho từng phong trào thi đua: “Phụ nữ ba đảm đang, Thanh niên ba sẵn sàng”; thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”; “Phụ nữ năm tốt”; Phong trào “ba xây, ba chống”; Phong trào “Dạy tốt, học tốt”… Khẩu hiệu của thi đua còn phải có khả năng biến thành hiện thực thông qua nhận thức và hành động chứ không kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hoặc “đầu voi đuôi chuột”. Phong trào thi đua phải có kế hoạch, có nội dung và biện pháp. Biện pháp thi đua cũng phải đơn giản, thiết thực gắn với công việc hằng ngày của từng người, từng đơn vị, đoàn thể.

        Sáu là, thi đua phải gắn liền với khen thưởng khi phát động phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến lợi ích chung của dân tộc và lợi ích của cá nhân. Chính vì thế, đây được xem là động lực cho phong trào thi đua phát triển coi đó là một trong các biện pháp quan trọng của quá trình vận động cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn biết chọn nội dung thi đua thích hợp, khen thuởng xứng đáng với người lập được thành tích tốt trong thi đua, thúc đẩy được đông đảo quần chúng tham gia. Trong công tác thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng đến việc tạo ra sự thống nhất, hợp lý giữa thi đua và khen thưởng, tức là thưởng phạt nghiêm minh, có công thì được thưởng, mắc lỗi thì bị phạt, khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.

        Là giảng viên sau khi nghiên cứu những nội dung “thi đua yêu nước” của Hồ Chí Minh là một lần tôi tự nhủ sẽ tiếp tục cố gắng tự nghiên cứu và học tập để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình. Từ những nội dung cơ bản của lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của chủ tịch Hồ Chí Minh theo nhận thức của cá nhân tôi thì “Thi đua ái quốc” là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, của cơ quan đơn vị về những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân. Với nhiệm vụ giảng dạy để làm tốt công việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các lớp học viên là đã góp phần thực hiện tốt nội dung thi đua yêu nước. Thông qua nội dung bài giảng cần lồng ghép tuyên truyền làm rõ các Chỉ thi, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh tới học viên. Với những nhiệm vụ đó đòi hỏi mỗi cá nhân cần ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập phát triển nhanh về kinh tế, giảm nghèo bền vững, giúp nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Thi đua yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trong công cuộc xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ngày càng được giữ gìn và phát huy. Phong trào thi đua yêu nước đã trở thành phong trào của quần chúng, được các cấp, các ngành tham gia tích cực; là một trong những biện pháp vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tư tưởng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn trong việc tổ chức, phát động và duy trì phong trào thi đua yêu nước trong mọi thời kỳ cách mạng.

 

                                                                                   Triệu Thị Huệ

                                                                           Giảng viên khoa Dân vận