Skip to main content
x
14 June 2018

       Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận cơ bản trong công tác tư tưởng của Đảng ta, có vai trò quan trọng, nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

        Nhận thức sâu sắc vai trò và ý nghĩa to lớn đó, nhiều năm qua, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Lãnh đạo trường đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhà trường quan tâm nghiên cứu, vận dụng quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà trường; đồng thời coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và học viên.

        Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh, công tác giáo dục lý luận chính trị của nhà trường được triển khai với nội dung, hình thức phong phú. Việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả theo từng đối tượng học viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên được chú trọng. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện giảng dạy được coi trọng, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao. Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng được củng cố và tăng cường, ngày càng chặt chẽ, nền nếp, hiệu quả. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; đã kịp thời quán triệt vào trong chương trình giảng dạy nội dung các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng...; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế điển hình về phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã được xây dựng nhà giảng đường khá khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu cơ bản đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Cơ chế chính sách hỗ trợ đối với giảng viên, học viên ngày càng được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Giảng viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.

        Trong 06 tháng đầu năm 2018, thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị Trường đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIISố lượng đảng viên và quần chúng tham gia là 48/55 người (07 đồng chí không tham gia: 04 đồng chí đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời, 01 đ/c nghỉ chế độ thai sản, 02 bảo vệ). Tất cả 100% đồng chí đảng viên tham dự hội nghị đều viết bài thu hoạch; Nội dung bài thu hoạch tập trung phân tích, làm rõ nhận thức sâu sắc của cá nhân về những vấn đề cơ bản, những điểm mới, mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương sáu, khóa XII; liên hệ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và cá nhân; đề xuất, kiến nghị những giải pháp có hiệu quả để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt có một số bài viết có sự liên hệ sâu sắc về trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện các nghị quyết. 05 đồng chí đảng viên tham dự Hội nghị báo cáo viên trực tiếp tháng 5/2018 trong đó có báo cáo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

        Lồng ghép trong các hội nghị “Ngày Pháp luật” hằng tháng để quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, như: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018); Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 03/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 ... Tỷ lệ đảng viên, quần chúng tham dự các Hội nghị triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đạt trên 90%. Trong các kỳ sinh hoạt hằng tháng của Chi bộ, các chi bộ đều thông báo, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới toàn thể đảng viên của chi bộ.

        Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng trường được giao và phối hợp với các sở ngành mở được 48 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 3.512 học viên, với nhiều loại hình đào tạo như Cao cấp, Trung cấp lý luận chính trị; nhiều loại hình bồi dưỡng như chuyên viên, lãnh đạo quản lý cấp phòng, các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy quản lý; các lớp bồi dưỡng cán bộ các ban, sở, ngành, đoàn thể... Việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kịp thời và thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức lý luận chính trị của học viên; cán bộ, đảng viên nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong tỉnh đã được nâng lên về trình độ lý luận chính trị, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ, góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị các địa phương, đơn vị và vào sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua.

        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị của trường vẫn còn hạn chế nhất định. Nội dung, chương trình giảng dạy lý luận chính trị chưa đa dạng, phong phú. Một số giảng viên trẻ thiếu kiến thức thực tiễn liên hệ bài giảng. Việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực còn lúng túng và chưa thường xuyên. Ý thức học tập một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế nên đôi khi tham gia học tập còn mang tính hình thức, đối phó. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, xuống cấp. Kinh phí phục vụ cho hoạt động còn hạn chế so với yêu cầu và nhiệm vụ. Những hạn chế, bất cập trên đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.

        Để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

        Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

        Hai là, cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng chỉ đạo, kiểm tra xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về lý luận, thực tiễn cho cán bộ, đảng viên.

        Ba là, cần coi trọng từ khâu tuyển chọn đến việc cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ. Mỗi cán bộ, giảng viên phải có kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, đặc biệt là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

        Bốn là, tiếp tục quan tâm chăm lo tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa để bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ./.

 

                                                                             ThS. Hà Minh Thảo

                                                                          Phó Trưởng phòng Đào tạo