Skip to main content
x
1 June 2018

        Xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn nằm ở phía Tây của huyện Bình Gia, cách trung tâm huyện khoảng 1km. Có diện tích đất tự nhiên là 4.086,76 ha trong đó đất nông nghiệp là 2.346,41 ha. Dân số là 3.332 nhân khẩu chủ yếu thuộc 3 dân tộc Tày, Nùng Kinh,... phân bố ở 11 thôn bản. Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song với sự đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Văn Thụ đã nỗ lực về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2017.

        Xác định mục đích xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và làm bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới thì kinh tế phải đi trước một bước. Vì vậy ngay từ đầu xã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển ngành nghề dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động để nâng cao thu nhập của người dân. Trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung quy hoạch vào vào sản xuất các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như quýt, hồi. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, xã đã chọn mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản để làm mô hình đầu tư và nhân rộng. Ngoài việc tập trung phát triển ngành nông nghiệp là thế mạnh của địa phương thì các hoạt động kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa, nghề mộc, các dịch vụ ăn uống, sửa chữa xe máy, ô tô, sửa chữa máy móc nông nghiệp, kinh doanh vật tư nông nghiệp... được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Đến nay, 99,95% dân số trong độ tuổi lao động ở xã Hoàng Văn Thụ đều có việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 26,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 37 hộ/813 hộ chiếm 4,5%, giảm nhiều so với mức bình quân chung toàn huyện (34%). Hơn 81% số hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định, không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Về lĩnh vực đầu tư – xây dựng cơ bản với các chính sách của huyện, của tỉnh, ngân sách xã và huy động sức đóng góp của nhân dân. Đến nay, 100% các tuyến đường xã được cứng hóa; hệ thống điện đảm bảo với tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 100%; trường Tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trường mầm non và THCS đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 79,68% kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo chủ động tưới tiêu và đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai; 100% hoàn thành nhà văn hóa các thôn và hội trường văn hóa đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã. Sữa chữa nâng cấp trạm y tế và các công trình phúc lợi dân sinh trên địa bàn xã.

Bên cạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng chuẩn hóa. Đến năm 2017 xã đã có 11/11 thôn được công nhận thôn văn hóa, trong đó có 8/11 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa 3 năm liên tục. Công tác giáo dục được chú trọng, hoàn thành 100% phổ cập giáo dục bậc mầm non, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 trở lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,86%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%; chất thải rắn, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt hơn 96%... Quốc phòng-an ninh luôn được giữ vững, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Có thể nói, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND các cơ quan chức năng của huyện đến năm 2017, xã Hoàng Văn Thụ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn xã có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

        Thứ nhất, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đội ngũ cán bộ đảng viên, nhân dân trong xã nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng xây dựng NTM, đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao. Công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu, rộng khắp tạo niềm tin lớn để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân. 

        Thứ hai, cần phải nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM; chỉ đạo và làm tốt công tác phối hợp với MTTQ và các hội, đoàn thể nhân dân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ, tổ giúp việc; thực hiện việc điều hành sâu sát, quyết liệt, đảm bảo tiến độ thời gian đối với từng tiêu chí; chủ động xây dựng nguồn lực, tính khả thi trong huy động nguồn lực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; biểu dương, động viên khen thưởng kịp thời song cũng cần nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những tập thể, cá nhân làm chưa tốt nhiệm vụ được giao ...

Thứ ba, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn lực tại địa phương, “lấy sức dân để lo cho dân”, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước.

 

                                                                        ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                                         GV. Khoa Xây dựng Đảng