Skip to main content
x
23 March 2018

        Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía bắc của Tổ quốc, nơi quần cư và sinh tụ của 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay; trong đó chủ yếu là hai dân tộc Tày và Nùng chiếm hơn 70% dân số trên địa bàn toàn tỉnh.

        Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn nói riêng, cũng như của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong cả nước nói chung. Hát then - Đàn tính là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc không thể thiếu, bởi nó vừa thỏa mãn yêu cầu tín ngưỡng tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí cho bà con Nhân dân.

        Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 153 nghệ nhân hát Then, trong đó có 56 người được cấp sắc từ bậc 1 đến 12 dây với nhiều lứa tuổi khác nhau (trong đó cao tuổi nhất là 98 tuổi); có 9 nghệ nhân chế tác đàn tính; có gần 65 câu lạc bộ hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia. Các nghệ nhân tiêu biểu ở cơ sở như bà Hoàng Thị Kìa, Then Sắc, Then Bằng, Then Pẩu (thành phố Lạng Sơn), nghệ nhân Hoàng Văn Min (Cao Lộc), nghệ nhân Đường Thị Nhâm (Tràng Định)… Đặc biệt tỉnh Lạng Sơn có 02 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đó là bà Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1922 và bà Mông Thị Sấm sinh năm 1939 ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.

        Đối với loại hình Then cổ, vào mỗi dịp tết đến xuân về, kể cả trong một năm, tại các gia đình, làng bản có người Tày, Nùng sinh sống vẫn thường tổ chức mời các bà Then, ông Then về giải hạn, cầu mong cho người già, con trẻ và mọi thành viên trong gia đình mạnh khỏe, yên vui, xua tan đi những vận hạn xui xẻo, đón năm mới phát tài, phát lộc, mùa màng bội thu. Trong các dịp có gia đình tổ chức cuộc Then đó, bà con xóm giềng, con cháu gần xa lại tụ về đông đủ để thưởng thức những làn điệu Then dìu dặt trong đêm, làm say đắm lòng người.

        Hiện nay trong Then cổ ở Lạng Sơn, về cơ bản vẫn hội tụ đầy đủ các làn điệu then như: Then Tò Mạy, Then Khảm Hải, Tàng Nặm, Xuôi Lừa, Tàng Bốc, Khẩu Tu Vua, Pây Tàng, Pây Mạ, Khao Quan, Khao Sluông, Pjuốc Vong, Khẩu Tu Đẳm, Khẩu Tu Pháp, Mủa Chầu, Cống Sứ, Hỉn En, Slắp Binh, Slắp Mạ… với các loại hình Then chủ yếu là Then nghi lễ như: Lẩu then, Then Cầu mong, Then Chúc tụng, Then Chữa bệnh, Then Bói toán, Then Cầu mùa; Then Tống tiễn... Nhìn chung địa bàn tổ chức các cuộc Then nghi lễ, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, còn khu vực thành phố có hạn chế hơn.

        Ngoài ra cũng giống như các tỉnh khác, Then ở tỉnh Lạng Sơn còn được phân chia thành hai nhóm then khác nhau là Then Tày và Then Nùng. Cả hai nhóm Then này tuy đều có những điểm chung, nhưng lại có một số điểm khác biệt khá nổi bật như: Giai điệu âm nhạc trong then Nùng có phần linh hoạt hơn then Tày. Giai điệu trong then Nùng được thể hiện với nhịp điệu tiết tấu nhanh, khoẻ, linh hoạt hơn then Tày ở hầu hết các chương đoạn. Bên cạnh đó, nếu xét về giai điệu Then, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang dần hình thành các vùng then tiêu biểu như: Bắc Sơn - Bình Gia, Văn Quan - Chi Lăng, Tràng Định - Văn Lãng...mỗi vùng then có phong cách, đặc điểm riêng của làn điệu âm nhạc và mang đậm bản sắc độc đáo của vùng đó trong các cuộc then.

        Đối với Then đặt lời mới, loại hình này chủ yếu phát triển trong các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, kể cả chuyên nghiệp ở địa phương. Hiện nay, do môi trường giao lưu văn hóa nghệ thuật ngày càng mở rộng, vì vậy một số nhạc sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ đã dựa trên chất liệu Then cổ và 02 làn diệu Then chủ yếu là Tàng Bốc và Tàng Nặm để sáng tác, đặt lời mới cho các bài hát Then nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, sân khấu hóa cho tất cả mọi người có thể nghe, hát trong các dịp Hội thi, Hội diễn, sinh hoạt trong các Câu lạc bộ, Liên hoan văn nghệ quần chúng ở cơ sở... Vì vậy, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mô hình thành lập các Câu lạc bộ đàn và hát dân ca ngày càng được nhân rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt từ năm 2009, Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn được thành lập, hoạt động hoàn toàn theo phương thức xã hội hóa, đã thu hút đông đảo các Hội viên yêu thích làn điệu Hát Then Đàn tính và Hát Sli, Hát Lượn từ khu vực thành phố cho đến khu vực các huyện, các xã trong tỉnh tham gia. Nhìn chung các Câu lạc bộ và Hội bảo tồn dân ca của tỉnh đều tích cực hoạt động, thường xuyên tự đóng góp kinh phí để mua trang phục, nhạc cụ, tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ và mời Giáo viên, nghệ nhân đến truyền dạy, nâng cao kỹ năng đàn, hát cho các Hội viên. Qua đó phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

       Trong những năm qua, loại hình nghệ thuật Hát Then - Đàn tính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay vẫn được bảo tồn, duy trì và phát huy đạt hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn có một số hạn chế như: Công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi âm, ghi hình bảo tồn các làn điệu Then cổ chưa đầy đủ và còn hạn chế; Tỉnh chưa thống kê được đầy đủ các nghệ nhân dân gian về Then. Do đó cũng chưa kịp thời thống kê, hướng dẫn lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các Bà Then, Ông Then có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này; Tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các Nghệ nhân dân gian để khuyến khích việc truyền dạy rộng rãi Hát then đàn tính cho thế hệ trẻ; Đội ngũ hành nghề Then hoạt động chủ yếu là mang tính tự do vì vậy rất khó cho công tác quản lý nhà nước và cuối cùng là dưới tác động của cơ chế thị trường và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. Cùng với thuận lợi là các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân được tăng cường giao lưu, mở rộng hợp tác thì việc duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật Hát Then - Đàn tính cũng chịu tác động không nhỏ. Hiện nay không gian dành cho diễn xướng Then đã thay đổi rất nhiều; Lời Then cổ đứng trước nguy cơ bị lai căng; một số lớp trẻ không biết nói tiếng dân tộc nên giảm sự yêu thích nghe và tìm hiểu về Hát then.

 

                                                                              GVC, ThS. Phạm Anh Tuấn

                                                                                    Trưởng khoa Dân vận