Skip to main content
x
18 January 2018

        Hoạt động thanh tra giáo dục luôn được Đảng uỷ, Lãnh đạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, thông qua hoạt động thanh tra giáo dục nhằm phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên của nhà trường. Để thực hiện tốt chức năng đó Trường triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát. Bởi lẽ, trong các công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng. Ban Thanh tra Giáo dục - đào tạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có 03 đồng chí (Trưởng ban và 02 thành viên). Ban Thanh tra Giáo dục - đào tạo Trường hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; theo Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Giáo dục - Đào tạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của nhà trường.

        Do đây là hoạt động kiêm nhiệm nên thành viên Ban Thanh tra thực hiện các nhiệm vụ của Ban lồng ghép trong công tác chuyên môn của phòng Đào tạo như là Tham gia Hội đồng tuyển sinh đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Kiểm tra các điều kiện dự tuyển và các hồ sơ dự tuyển các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo Quy chế tuyển sinh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí MinhKiểm tra, đối chiếu văn bằng, chứng chỉ khi nhập học của học viên các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên; chuyên viên chính. Kiểm tra điều kiện dự thi của học viên theo Quy chế của Học viện thông qua phiếu báo giảng của giảng viên lên lớp. Kiểm tra điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; cấp chứng chỉ các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên. Tham gia giám sát kỳ thi tốt nghiệp lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Thanh tra Giáo dục - Đào tạo là thành viên của Tổ Giám sát kỳ thi tốt nghiệp. Giám sát theo dõi giám thị và học viên trong phòng thi về thực hiện Quy chế thi; giám sát việc giao - nhận đề thi, bài thi và việc mở túi bài thi, mở túi niêm phong phách. Giám sát chấm điểm tiểu luận các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên; lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Thanh tra công tác giảng dạy, dự giờ giảng của giảng viên. Kiểm tra theo yêu cầu của Hiệu trưởng các nội dung liên quan công tác đào tạo, bồi dưỡng....

        Trong năm 2016 đã thực hiện 15 cuộc kiểm tra văn bằng, chứng chỉ khi nhập học của học viên các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên; hồ sơ các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. 09 cuộc kiểm tra điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; cấp chứng chỉ các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên. Tiến hành dự giờ 02 đồng chí giảng viên thuộc khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giảng dạy Phần I.1 Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin (mỗi giảng viên 01 tiết). Công tác kiểm tra giáo án đối với 18 giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2016. Năm 2017 Hoạt động thanh tra của Ban Thanh tra giáo dục đào tạo của trường đã tiếp tục thanh tra, kiểm tra các nội dung như kiểm tra văn bằng chứng chỉ hồ sơ đầu vào các lớp Trung cấp lý luận chính trị hành chính và các lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên; kiểm tra giám sát các kỳ thi tốt nghiệp các loại hình đào tạo bồi dưỡng mà nhà trường đảm nhận và phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng.

        Có thể khẳng định qua thanh tra, kiểm tra cán bộ, giảng viên, học viên đã chấp hành đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc các Quy chế, Quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà trường về công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Chấn chỉnh và đưa hoạt động chuyên môn vào nền nếp, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Do vậy chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức được nâng lên. Nhìn chung công tác thanh tra, kiểm tra ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ  đạt kết quả tốt, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Các nội dung thanh tra, kiểm tra đã bám sát nhiệm vụ chính trị của nhà trường, chức năng tham mưu của phòng Đào tạo. Các cuộc thanh tra, kiểm tra tiến hành theo kế hoạch triển khai đầy đủ, kịp thời. Hình thức thanh tra tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của khoa, phòng và cá nhân có liên quan.

        Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì hoạt động thanh tra của trường vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Chưa thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác quản lý học viên; kiểm tra, thi; chấm kiểm tra, chấm thi. Hoạt động của công tác thanh tra giáo dục - đào tạo chư­a chưa đi vào chiều sâu. Hình thức thanh tra cơ bản thực hiện theo kế hoạch, chưa tiến hành thanh tra đột xuất đối với giảng viên. Nội dung thanh tra cơ bản là kiểm tra hồ sơ, chủ yếu kết hợp, lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên phòng Đào tạo trong Ban Thanh tra, chưa tập trung thanh tra đánh giá thực tế công tác giảng dạy của giảng viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Chưa có nhiều đại diện lãnh đạo các khoa, phòng và giảng viên tham gia các đoàn thanh tra chuyên môn. Số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất còn hạn chế.

        Để làm tốt công tác thanh tra góp phần nâng cao chất lượng đào, bồi dưỡng hơn nữa, cần tiếp tục quán triệt, xác định rõ ý nghĩa, mục đích, vai trò, chức năng của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tới toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên trong trường; tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Khắc phục những bất đồng về nhận thức, e ngại nể nang, né tránh trong hoạt động thanh tra. Đề cao ý thức “tự thanh tra, tự kiểm tra”. Coi việc thanh tra, kiểm tra, giám sát là hoạt động thường xuyên của người đi thanh tra và người được thanh tra, kiểm tra. Ban Thanh tra chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp giữa công tác thanh tra giáo dục đào tạo với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, của các chi bộ và đoàn thể trong trường và gắn với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, phương pháp công tác cho cán bộ được cử làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.                                                                 

                                                                                     ThS, GVC. Lăng Văn Thăng

                                                                              Khoa nhà nước và pháp luật