Skip to main content
x
9 January 2018

        Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Là nơi giao lưu thương mại, du lịch thuận lợi, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch. Có diện tích tự nhiên 78,11km2, được chia thành 8 đơn vị hành chính gồm 5 phường và 3 xã với 104 khối, thôn. Dân số ước tính có hơn 10 vạn người, có 5 dân tộc chủ yếu: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao.

        Trên địa bàn thành phố có 35 di tích, cơ sở thờ tự tín ngưỡng phân bố ở 4 phường và 3 xã; trong đó: 09 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó tỉnh quản lý 01 di tích đó là: Quần thể di tích Nhất - Nhị - Tam Thanh, Thành Nhà Mạc), 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 16 cơ sở đang trong giai đoạn đưa vào danh mục kiểm kê xếp hạng di tích.

        Công tác quản lý các di tích trên địa bàn luôn có sự quan tâm của các sở, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền thành phố tạo điệu kiện cho các di tích (đền, chùa) hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả. Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thờ tự tín ngưỡng trên địa bàn, qua kiểm tra hầu hết các di tích và cơ sở thờ tự tín ngưỡng hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước.

        Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định. Đến nay, hầu hết các di tích trên địa bàn đều lưu giữ giá trị truyền thống đảm bảo mỹ quan, an toàn cho nhân dân sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo; một số di tích đang xuống cấp đã được Ban quản lý di tích và nhân dân tu bổ kịp thời như Đền Cửa Bắc, Cửa Nam (phường Chi Lăng), Đền Tả phủ (phường Hoàng Văn Thụ)... 100% các di tích được khoanh vùng bảo vệ. Hàng năm Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại các tài sản trong di tích theo hướng dẫn của Ban quản lý di tích tỉnh; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn các phường, xã.

        Thành phố đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đặc sắc của Xứ Lạng như hát then, hát sli, hát lượn; tăng cường trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, bảo vệ cổ vật quý hiếm; chỉ đạo tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng quy định. Chỉ đạo khôi phục làng nghề truyền thống như: Nghề làm hương của  phường Đông Kinh, nghề làm bánh ngải của xã Mai Pha...

        Hàng năm, thành phố tổ chức 7 lễ hội truyền thống, tôn vinh các bậc tiền bối có công với dân, với n­ước; cùng các lễ hội truyền thống, 100% các lễ hội tổ chức đúng quy chế; phần lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm; phần hội được mở rộng và khôi phục các trò chơi dân gian gắn liền với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

        Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã được xếp hạng đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng chưa có kinh phí tôn tạo, tu bổ kịp thời như danh thắng Nhị Thanh, Thành Nhà Mạc, Di chỉ Mai Pha. Việc bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc còn hạn chế, nhất là tiếng nói, trang phục, nhà cửa truyền thống. Việc đầu tư nguồn lực cho văn hóa chưa tương xứng...

        Trong những năm tiếp theo, để tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, xã phường cần:

        Một là, tiếp tục tuyên trền sâu rộng trong quần chúng nhân dân nội dung Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với cuộc sống của nhân dân trên địa bàn thành phố. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống cách mạng. Xây dựng, thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số và chú trọng xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, như: Câu lạc bộ hát then, Câu lạc bộ thơ… Phối hợp với Hội bảo tồn dân ca tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy hát then đan tính, sli, lượn nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong gia đình và cộng đồng.

        Hai là, cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tiếp tục chỉ đạo trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hoá như Đền Cửa Bắc, Cửa Nam (phường Chi Lăng), Đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ). Quản lý và bảo vệ tốt công trình cột cờ trên núi Phai Vệ nhằm góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa của khu di tích núi Phai Vệ, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn cho nhân dân trên địa bàn và khách tham quan, du lịch.

        Ba là, tuyên truyền, vận động, khuyến khích những doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn và hướng dẫn các đơn vị khai thác du lịch gắn với tìm hiểu các di tích sẵn có như du lịch tham quan quần thể Nhất Nhị Tam Thanh gắn với di tích chùa Tam Thanh - Tam Giáo, các chương trình du lịch gắn với tham dự các lễ hội truyền thống, lễ hội ẩm thực, ... nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá những nét đẹp của thành phố Lạng Sơn với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

        Bốn là, tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, sâu rộng, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với nhiệm vụ bảo tồn vốn di sản văn hóa truyền thống, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nếp sống văn hoá đô thị nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng tốt hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có hành vi ứng xử, lối sống văn hóa, thanh lịch; có ý thức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố.

        Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn khu dân cư cùng chung tay góp sức bảo tồn và phát huy những giá trị vǎn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị vǎn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống của người dân và trở thành tập quán tiến bộ, vǎn minh góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn.

 

                                                                                Nguyễn Thị Thu Hằng

                                                             Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu