Skip to main content
x
9 January 2018

        Xã Cường Lợi, huyện Đình Lập là xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện 12 km. Xã gồm có 6 thôn, các thôn cách trung tâm xã từ 3 - 7 km: Thôn Quang Hòa, thôn Khe Bó, thôn Đồng Khoang, thôn Bản Chuộn, thôn Bản Pia, thôn Bản Xum. Xã có diện tích tự nhiên là 7.854,17 ha, trong đó đất nông nghiệp là 7.365,5 ha (Đất trồng lúa 162,37 ha), đất lâm nghiệp là 7022,16 ha. Dân số gồm 370 hộ, 1.467 nhân khẩu. Trong đó có 36 hộ nghèo = 123 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 9,65%; hộ cận nghèo 140 hộ = 571 nhân khẩu chiếm tỉ lệ 37,53%. Trong xã có 8 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Kinh, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Hoa, Tà Rẻ. Mật độ dân số bình quân đầu người là 18,6 người/km2.

        Được chọn làm xã điểm về đích xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện cho từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân làm Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban quản lý, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc làm Phó trưởng ban phụ trách công tác tuyên truyền vận động, trưởng các ngành đoàn thể xã và bí thư chi bộ của 6 thôn làm thành viên. Ban chỉ đạo đã tham mưu với Đảng ủy phân công Ủy ban Nhân dân xây dựng kế hoạch, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể thực hiện từng tiêu chí; đồng thời phân công từng cấp ủy viên phụ trách từng thôn để giám sát việc thực hiện. Ở thôn, thành lập Ban Phát triển do Trưởng thôn làm Trưởng ban, các thành viên là chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể... Theo định kỳ hằng quý và tháng Ban chỉ đạo đều có họp đánh giá kết quả thực hiện cũng như đề ra chương trình công tác cho thời gian tới.

        Quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức trên 150 cuộc họp trong dân với nhiều nội dung triển khai Chương trình và hầu hết được đồng tình rất cao, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như hiến đất, hoa màu và cây ăn quả, tham gia đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong tuyên truyền, đã vận dụng phương thức “đi từng ngõ, từng nhà”, phát sổ đăng ký “Chung sức xây dựng nông thôn mới” để các hộ tự nguyện đăng ký, kết quả có 98,7% hộ dân đồng tình. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho bản thân. Từ vận động, tuyên truyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng được nhiều phong trào, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động lồng ghép thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hóa hằng năm; Hội Nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tập trung có ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng mô hình vận động hội viên tham gia tổ góp vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hội viên góp phần nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố của xã; Hội Phụ nữ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình 5 không 3 sạch, vận động đăng ký và đóng phí vệ sinh thu gom rác được hơn 90% hộ dân; Đoàn thanh niên có phong trào “Chung sức bảo vệ môi trường, vận động người dân cải tạo cảnh đường - vườn - nhà”, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên lập thân, lập nghiệp; Hội Cựu chiến binh phối kết hợp với Công an và Quân sự xã xây dựng kế hoạch giữ vững và nâng chất tiêu chí về an ninh trật tự. Đầu tư nhanh, vững chắc nên đã về đích sớm, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, Xã đã xây dựng được trên 35,07km đường liên thôn, liên xã và các công trình cầu bê tông, trong đó có 2 tuyến đường thực hiện theo phương thức người dân tự thi công đường bê tông. Vận động nhân dân đóng góp kéo đường điện lưới quốc gia, hạ trạm biến áp tại các thôn, đến nay tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên và an toàn là 364/370hộ = 98,37%; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học, vì vậy đến nay các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 70% trở lên; hoàn thành và đưa vào sử dụng khu Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã và 6/6 thôn có nhà văn hóa hoạt động thường xuyên. Từ  việc xác định phải ưu tiên phát triển sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch thì người dân nông thôn mới có thể nâng cao được thu nhập nên xã đã vận động người dân đầu tư xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả cao như: mô hình sản xuất nhựa thông, mô hình hợp tác xã trồng cây giống lâm nghiệp 2 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới: 6 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả, 1 hợp tác xã thực hiện mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xã đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức được hơn 10 buổi tập huấn hội nghị và tư vấn việc làm cho hơn 150 lượt người tham gia qua đó người dân nâng cao nhận thức và tham gia lao động sản xuất đạt kết quả cao hơn tại địa phương. Quyết tâm không để hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách khó khăn về nhà ở, từ năm 2011 đến nay đã xây dựng, hỗ trợ tu sửa nhà ở cho dân do vậy đến nay tỷ lệ hộ có nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) và diện tích nhà ở bình quân đạt từ 10 m2/người trở lên 316/370 nhà, chiếm 85,4%. Các công trình phụ trợ được bố trí đảm bảo vệ sinh thuận tiện cho sinh hoạt. Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11,7 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2017 trở thành xã nông thôn mới thì thu nhập bình quân đầu người của người dân Cường Lợi đã nâng lên đạt tới 26,03 triệu đồng/người/năm, đến nay hộ nghèo còn 36/373 hộ chiếm 9,65% trong tổng số hộ trên toàn xã. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt nhận được sự ủng hộ, đóng góp tự nguyện của người dân nên diện mạo nông thôn ngày nay đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân được nâng lên. Cuối năm 2017 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

        Từ kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã Cường Lợi, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

        Một là, cấp ủy và chính quyền địa phương phải nghiên cứu nắm vững mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo, Ban quản lý cần phải phát huy hết trách nhiệm, mỗi cá nhân phải thực hiện và chịu trách nhiệm khi được phân công công việc cụ thể. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

        Hai là, mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

        Ba là, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về  ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin cao để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân.

        Bốn là, quan tâm làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Đặc biệt là thi đua trong cộng đồng dân cư, khen thưởng cá nhân tiêu biểu sẽ tạo được sự khích lệ kịp thời, người dân sẽ phấn khởi nâng cao tính tự giác tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

                                                                  ThS. Lăng Văn Thăng - CN. Hoàng Xuân Yến

                                                                                  Khoa Nhà nước và pháp luật