Skip to main content
x
9 December 2017

        Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Hướng dẫn số 28-HD/BTGTW, ngày 28/01/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, xác định đây là một trong những kênh thông tin quan trọng để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó góp phần định hướng tư tưởng, định hướng dư luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

        Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên được quan tâm chỉ đạo. Hằng năm, ban tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng xây dựng, kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, đơn vị. Ngay từ đầu các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành các quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; các huyện uỷ, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành quyết định thành lập, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên của đơn vị mình. Tính đến nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của tỉnh Lạng Sơn có 2.628 đồng chí.

        Chất lượng của báo cáo viên các cấp cũng được nâng lên, đội ngũ báo cáo viên các cấp được lựa chọn đều là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh; nắm vững những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học; biết vận dụng tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng; có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin; có phương pháp phân tích, lập luận; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng, năng lực tự chủ và linh hoạt điều chỉnh liều lượng trình bày đối với người nghe... Qua đánh giá hằng năm, các báo cáo viên đều xếp loại đạt khá, tốt.

        Công tác tổ chức, quản lý và theo dõi hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên cấp tỉnh trong từng nhiệm kỳ; chỉ đạo, hướng dẫn, ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu cho cấp ủy ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên cấp ủy cùng cấp. Công tác điều phối báo cáo viên được thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu, phân công, điều phối báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

        Hình thức, nội dung thông tin đã từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng; cơ cấu nội dung thông tin đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của đất nước, vấn đề biên giới, lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những vấn đề, sự kiện nổi bật, về tình hình quốc tế...; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cung cấp thông tin các lĩnh vực của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức được 110 hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh với trên 220 chuyên đề cho trên 9.130 lượt người nghe; thường xuyên duy trì tổ chức các buổi thông tin tình hình thời sự tới các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của huyện đã nghỉ chế độ là đối tượng phục vụ của Bệnh viện Điều dưỡng tỉnh.

        Các huyện uỷ, thành ủy, đảng ủy trực thuộc duy trì và tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện và tương đương theo quy định. Trong 10 năm qua, đội ngũ báo cáo viên các cấp đã tổ chức được 29.378 buổi tuyên truyền thời sự, chính sách và truyền đạt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho 1.742.262 lượt người nghe.

        Nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền miệng đã được tích cực đổi mới với các hình thức triển khai cung cấp thông tin phong phú, đa dạng như: Thông tin trực tiếp, thông tin trực tuyến, tuyên truyền thông qua các cuộc thi, tọa đàm, giao lưu...; các báo cáo viên đã áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền miệng như: Sử dụng giáo án điện tử, trình chiếu slide, tranh ảnh minh họa... làm phong phú, hấp dẫn người nghe. ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Kết quả công tác tuyên truyền miệng đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh.

        Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng đã từng bước được đổi mới về nội dung, hình thức; cung cấp và định hướng thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những vấn đề được dư luận quan tâm; đồng thời tuyên truyền triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chủ động, tăng cường đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá.

        Tuy nhiên, bên cạnh đó, chất lượng báo cáo viên chưa đồng đều, trình độ, năng lực của một số báo cáo viên, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, chất lượng hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu; Một số cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt quy chế về nghĩa vụ của người báo cáo viên; Hình thức tổ chức sinh hoạt báo cáo viên định kỳ hằng tháng chưa thật sự đa dạng, phong phú; Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; Việc cung cấp và định hướng thông tin tại hội nghị báo viên của một số huyện có nội dung còn chậm, chưa kịp thời; Việc thực hiện thông tin hai chiều và nắm bắt dư luận, dự báo tình hình, định hướng tư tưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở một số nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền miệng.

        Để công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới đạt hiệu quả, chúng tôi đề xuất với tỉnh một số nội dung sau:

        Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 30/10/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

        Hai là, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, có kỹ năng tuyên truyền miệng và có uy tín trong nhân dân; kịp thời thay thế các báo cáo viên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

        Ba là, đổi mới nội dung, phương thức trong công tác tuyên truyền và hoạt động báo cáo viên. Thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Duy trì tổ chức các kỳ hội nghị báo cáo viên theo quy chế. Thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, tích cực đối thoại, giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc, định hướng thông tin nhằm tạo sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội.

        Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề nhạy cảm mới nảy sinh trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

        Năm là, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ báo cáo viên các cấp, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các chế độ chính sách, trang thiết bị, phương tiện làm việc của báo cáo viên. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình hiện nay.

                                                                                              GVC, ThS. Phạm Anh Tuấn

                                                                                                   Trưởng khoa Dân vận