Skip to main content
x
20 November 2017

        Ông cha ta vẫn có câu: Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì hạnh phúc mười năm trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm trồng người”. Chúng ta đều biết, giáo dục luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Trong đó, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo - những nhà sư phạm của mọi thế hệ luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, “Người thy giáo tốt -  thầy giáo xứng đáng là thy giáo là người vẻ vang nhất. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục đối với nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của người thầy đối với xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước. Thầy cô giáo không chỉ dạy người mà bản thân người thầy phải không ngừng học hỏi, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, biết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục.

        Xuất phát từ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, vì cán bộ là “gốc” của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đối với thầy, cô ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thì trách nhiệm của người giảng viên trong việc truyền đạt kiến thức đến với học viên vô cùng quan trọng, nhất là đối với thầy, cô giáo trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy mỗi giảng viên của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ không chỉ cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức tốt, mà cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có sự gương mẫu trong cử chỉ, hành vi, có kiến thức thực tiễn phong phú, sâu sát với cơ sở... Muốn vậy người giảng viên trường chính trị luôn phải có ý thức “Học, học nữa, học mãi”...Không chỉ học trong sách vở, mà còn học ở ngoài đời sống thực tế. Không chỉ có sự nhiệt tình, trách nhiệm, để nắm vững những tri thức khoa học trong lĩnh vực giảng dạy của mình và truyền đạt đến học viên một cách có hiệu quả, người thầy cần nghiên cứu, học hỏi, trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu biết xã hội, cải tiến phương pháp dạy học, khai thác, phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ...để đem lại hiệu quả tích cực qua mỗi bài giảng đến với học viên. Đặc biệt, người thầy cần phải biết tự cố gắng, phấn đấu, không yên vị với những gì đang có. Bởi tri thức như một dòng chảy liên tục không ngừng. Người thầy cần phải cập nhật những tri thức đó, nếu không tiếp cận được, thì có nghĩa là chấp nhận sự tụt hậu. Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch, biết bao thế hệ các thầy cô giáo nhà trường đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ đào tạo cán bộ cho tỉnh.

        Những thế hệ giảng viên hôm nay luôn tự hào khi được cống hiến sức lực và trí tuệ dưới mái trường mang tên đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Chính vì vậy, nhân kỷ niệm 68 năm thành lập trường và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi - những thầy giáo, cô giáo trực tiếp giảng dạy trong nhà trường không khỏi bồi hồi xúc động, tự bản thân chúng tôi ý thức được sự vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao của công việc mà mình đang theo đuổi.… hành trang mà chúng tôi mang theo là tri thức, kinh nghiệm và hơn hết là lòng yêu nghề, trang bị cho học viên những điều tốt nhất, cần thiết nhất cho tương lai. Bằng nỗ lực và phấn đấu của bản thân, chúng tôi đã luôn cố gắng hết mình để đem lại những thành tích cao cho Nhà trường. Trong năm 2017 đội ngũ giảng viên có: 02 đồng chí thi đỗ cao học; 02 đồng chí đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ VI”; 08 đồng chí đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi cấp trường”; 05 đồng chí được tuyên dương tại Đảng bộ trường và 02 đồng chí đạt giải khuyến khích cuộc thi “tìm hiểu về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017 do Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh Lạng Sơn tổ chức; 01 đồng chí đạt giải ba hội thi “kể chuyện về đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017 do Đoàn khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn tổ chức; 03 đồng chí được Hiệu trưởng tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong “phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước”

        Đội ngũ giảng viên với lòng nhiệt huyết và tinh thần hăng say yêu nghề và truyền đạt kiến thức cho học viên thì phải luôn cố gắng phấn đấu hết mình, không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức của người giảng viên, học hỏi trao đổi với đồng nghiệp. Từ đó đem lại những kết quả và thành tích cao cho Nhà trường.

        Để đạt được những kết quả và thành tích cao, mỗi giảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng: cần cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục những khó khăn của bản thân, gia đình và nhà trường, không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và tu dưỡng tư thế, tác phong, đạo đức của người giảng viên. Mỗi người thầy, người cô phải là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Chúng tôi sẽ thông qua những hành động thiết thực, cụ thể trong từng ngày, từng giờ lên lớp, qua từng trang giáo án và từng bài giảng trước học viên,…để mỗi giờ học trong nhà trường thật sự là một giờ vui, thân thiện, bổ ích và ý nghĩa.

        Bản thân tôi và thế hệ giảng viên nhà trường luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc, sự động viên cổ vũ của lãnh đạo Nhà trường và cũng luôn phấn đấu:

        Không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tư thế, tác phong, đạo đức nghề nghiệp của người giảng viên trường Chính trị.

        Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh.

        Luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

        Tiếp tục học tập kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ giảng viên đi trước, để bổ sung tri thức xứng đáng là người giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ./ 

                                                                                       Cổ Thu Thủy

                                                         GV Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh