Skip to main content
x
6 November 2017

        Ngày 31/10/2017, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thành phần tham dự là dại diện lãnh đạo và công chức, viên chức theo dõi công tác đào tạo, bồi dưỡng của Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi công tác đào tạo, bồi dưỡng của Sở Nội vụ, Trường Chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc; Đại diện một số cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và các cơ quan liên quan. PGS, TS Triệu Văn Cường, thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

        Đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe quán triệt, triển khai Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

        Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập đến những điểm mới trong Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

        Nghị định đã căn cứ vào các văn bản mới: Luật tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009; Luật giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19/6/2013.

        Về mục tiêu: nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước (Điều 2).

        Về nguyên tắc: Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. (Điều 3)

        Nghị định số 101/2017/NĐ-CP đã phân định rõ hình thức đào tạo và hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; qua đó, quy định cụ thể về từng yêu cầu, điều kiện, đối tượng, nội dung, hình thức đào tạo và bồi dưỡng tại hai chương khác nhau (quy định về đào tạo tại Chương II và về bồi dưỡng tại Chương III của Nghị định).

        Về đối tượng, điều kiện đào tạo: Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, là “Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo”.

        Riêng đối với điều kiện đào tạo sau đại học được quy định cụ thể cho hai đối tượng (Điều 6):

        - Cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

        - Viên chức phải đáp ứng điều kiện: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

        - Riêng đối tượng được cử đi học theo chương trình hợp tác nước ngoài phải đáp ứng được các yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

        Như vậy, quy định mới đã đơn giản hơn điều kiện về thời gian công tác, rút ngắn thời gian cam kết thực hiện nhiệm vụ sau đào tạo so với trước đây.

        Về đền bù chi phí: Nghị định đã quy định cụ thể về chi phí đền bù, cách tính chi phí đền bù, quy trình, thủ tục xét đền bù; trả và thu hồi đền bù đối với trường hợp  cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian đã cam kết. (Điều 7)

        Về hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: bổ sung một số nội dung bồi dưỡng mới và quy định các hình thức bồi dưỡng.

        Theo đó, có 4 hình thức bồi dưỡng: Tập sự; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/1 năm; một tuần được tính bằng 5 ngày học, một ngày học 8 tiết) (Điều 15)

        Nội dung bồi dưỡng gồm: 1- Lý luận chính trị. 2- Kiến thức quốc phòng và an ninh. 3- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước. 4- Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế. 5- Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. (Điều 16).

        Về biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng (Điều 20): Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng); học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo, nghiên cứu); các cơ quan, đơn vị biên soạn tài liệu các chương trình được cấp có thẩm quyền giao tổ chức bồi dưỡng.

        Về thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu bồi dưỡng (Điều 21): Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; các cơ quan, đơn vị tổ chức thẩm định hoặc phê duyệt tài liệu bồi dưỡng được giao biên soạn.

        Việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng (Điều 26): Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức có giá trị thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cùng hạng ở các chuyên ngành khác nhau có giá trị thay thế cho nhau;

        Nghị định số 101/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 10 năm 2017;  Nghị định này thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Bãi bỏ các Điều 32, 33, 34, 35 và 36 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

        Trên đây là những điểm mới trong Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp của Đại biểu tham dự Hội thảo, thời gian sớm nhất Bộ Nội vụ sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để thống nhất thực hiện có hiệu quả về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong cả nước./.   

 

                                                                          ThS. Dương Thị Hồng Vân

                                                                                   Phó Hiệu trưởng