Skip to main content
x
24 October 2017

        Đại hội XII của Đảng khẳng định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phạm vi rộng hơn, yêu cầu cao hơn, trọng tâm là học và làm theo phong cách của Bác. Việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        1. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh

        Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, giá trị hợp thành nền văn hóa Việt Nam. Mặc dù thể hiện cái riêng, nhưng phong cách tư duy của Người không xa lạ mà mang tính lan tỏa, tác động tích cực tới hành động của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy khoa học, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.

        Phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại của Hồ Chí Minh là suốt cuộc đời hoạt động, Bác luôn có thói quen đi sâu phân tích, tổng hợp, đề ra những luận điểm mới để lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.

        Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người được thể hiện trong tư duy, lời nói và hành động, Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình của phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi của người khác, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

        Phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình được thể hiện rõ nhất ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. 

        Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tính độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đối với Hồ Chí Minh độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước đất nước trước dân tộc. Sáng tạo là dũng cảm từ bỏ cái cũ không còn phù hợp, linh hoạt điều chỉnh những biện pháp, sách lược, sẵn sàng tiếp nhận và vận dụng cái mới tiến bộ.

        Với tư duy độc tập, tự chủ và sáng tạo ấy đã làm cho Hồ Chí Minh đi con đường riêng của mình trên hành trình cứu nước là theo Quốc tế III, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không đi theo lối mòn của các vị tiền bối yêu nước trước. Tiếp nhận Chủ Nghĩa Mác - Lênin đã làm cho tư duy của Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới, đó là tính cách mạng triệt để và tính khoa học chặt chẽ. Và cũng từ đây, tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong việc lựa chọn và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể  của Việt Nam một cách phù hợp, không bắt chước, không rập khuôn giáo điều mà mang tính sáng tạo, tính thực tiễn rất cao. Nhờ phong cách tư duy đó, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, sáng tạo ra con đường và phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

        2. Học tập và làm theo phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn hiện nay

        Nhận thức được tầm quan trọng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tiếp tục phát động, lãnh đạo toàn đảng, toàn quân, toàn dân “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để việc học tập và làm theo của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lạng Sơn ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả thì bản thân mỗi giảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Đó là con đường dẫn đến nhận thức đúng, phương pháp và hành động đúng cũng chính là cách đem lại hiệu quả thiết thực trong công việc, là cách để mỗi giảng viên hôm nay biết sống, làm việc và cống hiến cho Đảng, đất nước và nhân dân.

        Học tập phong cách tư duy Hồ Chí Minh là học tập tinh thần sáng tạo để hành động cho phù hợp với mục tiêu mà mình đã đề ra trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh rồi vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

        Là giảng viên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại thế giới kết nối vì vậy phải biết chắt lọc vận dụng những tri thức khoa học, phù hợp đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, giảng giải cho học viên chứ không cóp nhặt nguyên xi tri thức của người khác để vận dụng vào bài giảng của mình. Điều đó có nghĩa mỗi giảng viên cần phải biết lồng ghép nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi bài giảng để giảng dạy cho học viên theo yêu cầu nội dung Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với nội dung bài học. Bản thân mỗi giảng viên phải thường xuyên rèn luyện học tập, làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh từ những công việc nhỏ hằng ngày, từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động và tích cực chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức thực tế, khi lên lớp phải thực hiện đúng phong cách sư phạm, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế giảng dạy, học tập.

        Giảng viên cần chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để đưa những nội dung tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào bài giảng một cách hợp lý, sinh động giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và biết cách vận dụng thực tế các nội dung bài học khi về cơ sở truyền đạt lại cho nhân dân cũng như tích cực tuyên truyền đến những người xung quanh thông qua các hoạt động giao tiếp, lời nói và hành động.

        Để góp phần nâng cao chất lượng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh cho giảng viên trong thời gian tới nhà trường cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, đánh giá đảng viên, viên chức hằng năm thông qua hai nhiệm vụ chính đó là giảng dạy và nghiên cứu khoa hoc. Thông qua các hoạt động đó hoàn thiện các tiêu chí đánh giá sao cho toàn diện khách quan rõ ràng, cụ thể hóa các tiêu chí chung phù hợp với từng nội dung công việc của giảng viên để thấy rõ được phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và hiệu quả công tác của từng cán bộ, giảng viên.

        Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học viên ở các lớp học ngay sau khi giảng viên lên lớp để đánh giá kịp thời chất lượng giảng dạy và rút kinh nghiệm cho giảng viên trong khoa. Đánh giá góp ý cho giảng viên những mặt được cần phát huy, những mặt hạn chế cần rút kinh nghiệm. Trên cơ sở kết quả kiểm tra giám sát và ý kiến của học viên sẽ giúp giảng viên tự hoàn thiện mình và giúp lãnh đạo nhà trường đề ra được những biện pháp hữu hiệu trong quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

        Đồng thời nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, các buổi giao lưu, sinh hoạt chung với các Trường Chính trị tỉnh khác để giảng viên có điều kiện giao lưu, tiếp xúc, trao đổi, thảo luận chia sẻ với nhau về kinh nghiệm hay, các giải pháp trong công tác và trong ứng xử giao tiếp. Qua đó mỗi giảng viên sẽ rút ra được kinh nghiệm quý báu và cách làm phù hợp nhất cho mình trong hoạt động chuyên môn cũng như trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

                                                                                                        Triệu Thị Huệ

                                                                                                      GV khoa Dân vận