Skip to main content
x
21 October 2017

        Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí,  vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây chính là nét đặc sắc mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ của Hồ Chí Minh với con người nói chung và phụ nữ nói riêng.

        Phụ nữ Việt Nam có truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất chống kẻ thù xâm lược, những tấm gương chiến đấu dũng cảm của phụ nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong tác phẩm Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh viết:

        Sớm nhận thấy phụ nữ là lực lượng đông đảo của cách mạng. Trong lớp học ở Quảng Châu, khi nói về vai trò của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại quan điểm của Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi” và Người khẳng định: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới mới thành công”. Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam đã hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc và của toàn thế giới. Lời nói của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản chứng tỏ phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng quan trọng trong đội ngũ những người làm cách mạng.        

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người thấy rõ những hy sinh to lớn của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (19/10/1966), Người nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ cách mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn”. Người rất cảm kích trước những tấm gương ngoan cường của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như các chị: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Út Tịch, Nguyễn Thị Định...những người đã góp phần to lớn vào lịch sử hào hùng vẻ vang của dân tộc. Người đánh giá rất cao tinh thần nghị lực của các mẹ, các chị, những người đã hy sinh tình riêng, động viên các con tòng quân chiến đấu, còn bản thân mình trở thành cơ sở trung kiên của cách mạng, một lòng trung thành, che dấu bảo vệ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phấn khởi khi thấy phụ nữ nước nhà ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, nâng cao trình độ học vấn. Người khen ngợi phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc. Đó là những phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, chiến đấu góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân. Người rất vui mừng khi nhận thấy ở mọi ngành, mọi lĩnh vực xã hội, phụ nữ đều tham gia tích cực và đạt nhiều thành tựu tốt. Rất nhiều phụ nữ đã có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên - xã hội, nhiều chị đã giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đảng, chính quyền. Những tấm gương phụ nữ chiến đấu anh dũng, lao động sản xuất giỏi đều được Người kịp thời khen ngợi, gửi tặng huy hiệu của Người.       

        Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giải phóng phụ nữ vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Giải phóng phụ nữ trở thành một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong Chương trình vắn tắt của Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh ghi rõ: “Về phương diện xã hội: thực hiện nam nữ bình quyền”. Trong 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh soạn thảo năm 1941 cũng ghi rõ: “Đàn bà cũng được tự do; bất phân nam nữ cũng cho bình quyền”. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946, tại điều 24 ghi rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại quyền tự do, bình đẳng cho mọi người dân Việt Nam trong đó có phụ nữ. Người chú trọng tới việc xác lập và đảm bảo quyền bình đẳng của người phụ nữ, Người nói: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là: “Một cuộc cách mạng khá to và khó vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực để tranh đấu”. Người phân tích rõ: Công bằng cho phụ nữ không có nghĩa là chia đều công việc cho họ mà công bằng ở đây chính là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tùy theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khỏe. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá sự ra đời của Luật hôn nhân và gia đình là một cuộc cách mạng thuộc bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng phụ nữ đồng thời tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông. Người kịch liệt lên án việc đánh đập người phụ nữ vì đó là những hành vi phạm pháp, để ngăn ngừa những hành động dã man đó, Người đề nghị: “Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội...Bản thân chị em phụ nữ phải có ý chí tự cường, tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”.       

        Là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng vĩ đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của toàn thế giới, Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công, giải phóng con người. Trong đó, Người dành sự quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là đã chỉ ra cho những người phụ nữ thấy rằng, họ cần phải vươn lên để tự giải phóng chính mình chứ không thể chỉ trông chờ, ỷ lại vào các lực lượng khác trong xã hội. Khi đất nước còn chưa giành được được độc lập tự do, Hồ Chí Minh đã từng tố cáo, lên án tội ác dã man của bọn thực dân, đế quốc đối với những người phụ nữ ở các nước thuộc địa nói chung và với phụ nữ An Nam nói riêng. Không dừng lại ở việc tố cáo, lên án tội ác man rợ của đế quốc thực dân hoặc bày tỏ, chia sẻ sự cảm thông sâu sắc với thân phận người phụ nữ dưới ách áp bức, bất công, mà hơn thế, Hồ Chí Minh còn kêu gọi nhân dân, nhất là phụ nữ quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ ở các nước thuộc địa. Qua những ví dụ điển hình về phong trào đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ thế giới ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…Người đã chỉ rõ vai trò, sức mạnh to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như giải phóng bản thân mình; đồng thời khẳng định rằng, trong đời sống kinh tế, những “bông hồng” của phương Đông bắt đầu chứng tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những cái gai nhọn. Từ đó, Hồ Chí Minh kêu gọi phụ nữ An Nam hãy tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ quốc tế chỉ bảo”. Như vậy, trong tư duy của Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam muốn thoát khỏi áp bức bất công chỉ có một con đường đó là đi theo cách mạng và làm cách mạng để giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.       

        Khi đất nước đã giành được tự do, độc lập, Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ và cho rằng, nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì coi như xã hội chưa được giải phóng thực sự. Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh để thực sự giải phóng phụ nữ, phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng, mọi mặt như nam giới thì cần phải có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền. Song điều căn bản nhất bản thân những người phụ nữ phải vươn lên để thự khẳng định khả năng, vị trí, vai trò của mình và phải đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng chính mình.

        Năm tháng qua đi nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện lời căn dặn của Bác, phụ nữ Việt Nam phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của mình./. 

                                                                                          ThS. Chu Minh Tâm

                                                                                            GV phòng Đào tạo