Skip to main content
x
6 September 2017

        Lạng Sơn có vị trí địa lý quan trọng ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, lực lượng cách mạng đã khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện và trên toàn tỉnh từ tháng 4/1945 – 25/8/1945, Lạng Sơn trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm trong cách mạng Tháng Tám.

        Sau khi Nhật đảo chính quân Pháp, Cứu quốc quân ở căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai hoạt động mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền rộng rãi chủ trương tiến tới khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Cùng với sự chỉ đạo và tăng cường cán bộ của liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng không khí khởi nghĩa cấp bách đã được dấy lên ở Bắc Sơn, Bình Gia và Hữu Lũng. Các đội vũ trang tuyên truyền, chiến đấu ở Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên đã khẩn trương tăng cường, củng cố lực lượng vũ trang và lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh.

        Giai đoạn đầu: Giành chính quyền thắng lợi ở một số huyện từ tháng 4/1945 – 7/1945

         * Tại các huyện Bắc Sơn – Bình Gia – Văn Quan

        Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945, Đảng bộ Bắc Sơn đã chỉ đạo các đội vũ trang tổ chức tiến công, tiêu diệt các đồn bốt của địch, làm hậu thuẫn vững chắc cho đông đảo quần chúng lần lượt giải phóng các xã Vũ Lễ, Vũ Lăng, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Chiêu Vũ. Trên đà thắng lợi, ngày 18 tháng 4, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã tiến vào giải phóng châu lỵ, giải tán chính quyền địch, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi.

        Cùng thời gian này, ở Bình Gia, thời cơ cách mạng đã diễn ra một cách nhanh chóng. Được tin quân Pháp ở thị xã đã đầu hàng Nhật, tên đồn trưởng Pháp Lơ – Gay cùng binh lính đã tháo chạy, để lại chính quyền tay sai rệu rã cho tri phủ Công – một tri phủ già đã về hưu cùng với một đội lính dõng tạm thời cai quản. Nắm bắt thời cơ thuận lợi, ngày 19/4/1945, trung đội vũ trang chiến đấu do đồng chí Hà Tân Cương chỉ huy đã phối hợp cùng đội vũ trang giải phóng do đồng chí Quốc Vinh chỉ huy từ Bắc Sơn sang, tiến công đồn Bình Gia, buộc tri phủ Công phải đầu hàng quân khởi nghĩa nhanh chóng làm chủ châu lỵ. Ngay chiều hôm đó, cuộc mít tinh với sự tham gia của đông đảo quần chúng các xã lân cận đã được tổ chức, để biểu dương lực lượng cách mạng và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến.

        Từ giữa tháng 4 năm 1945, sau khi chấn chỉnh lại được bộ máy cai trị, bọn Nhật huy động một lực lượng binh lính tập trung tiến vào Bình Gia, Bắc Sơn hòng phá vỡ thành quả cách mạng của nhân dân ta vừa giành được. Từ ngày 22 tháng 4 đến 25 tháng 4, do tổ chức chuẩn bị được lực lượng chu đáo, quân dân Bình Gia, Bắc Sơn đã giữ vững vùng mới giải phóng, chặn đứng và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải tháo chạy nhục nhã. Tuy vậy, chúng vẫn nuôi dưỡng dã tâm thâm độc là phá tan chính quyền cách mạng vừa giành được của nhân dân ta. Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 5, bọn Nhật đã huy động một lực lượng binh lính tiến công vào vùng giải phóng Bình Gia – Bắc Sơn theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất từ Thất Khê qua Khau Hương vào Bình Gia; hướng thứ hai từ Đồng Mỏ theo đường qua Canh Dàn vào Bắc Sơn và qua Kéo Coong vào Bình Gia. Trước sự tấn công của Nhật, Đảng bộ Bắc Sơn cũng như Ban Việt Minh châu Bình Gia đã bình tĩnh tổ chức lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện biện pháp vườn không, nhà trống, bao vây kinh tế, chặn đường tiếp viện của địch, thường xuyên tập kích tiêu diệt sinh lực địch. Dưới sự chống trả quyết liệt của quân và dân Bắc Sơn – Bình Gia, bọn Nhật đã phải tháo chạy lần nữa.

        Thắng lợi ở Bình Gia, Bắc Sơn lần này đã khẳng định thế suy yếu của Nhật không còn sức để duy trì bộ máy cai trị trước sự lớn mạnh toàn diện của cách mạng.

        Trước tình hình mở ra nhiều thuận lợi. Tỉnh ủy đã quyết định huy động lực lượng giải phóng châu Điềm He, xây dựng căn cứ tập trung gần nhất để tiến vào giải phóng tỉnh lỵ. Ngày 03 tháng 7, một đội vũ trang chiến đấu do đồng chí Hoàng Văn Kiểu trực tiếp chỉ huy phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng cách mạng xung quanh châu lỵ tiến công đánh chiếm đồn Điềm He, sào huyệt tập trung của tàn quân Pháp và bọn tay sai. Sau vài tiếng đồng hồ chống cự yếu ớt, quân địch hoàn toàn bị bắt và bị tiêu diệt, quần chúng cách mạng làm chủ châu lỵ. Cùng ngày cũng tại Điềm He, tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, làm lễ tuyên bố ra mắt chính thức trước đông đảo quần chúng.

        Giữa lúc tiến trình khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, tại Yên Hùng (Bình Gia) tên Nông Xuân Nhu, lý trưởng thuộc chính quyền cai trị của thực dân Pháp đã tổ chức một nhóm tay chân phản động gọi là Hội Bảo An câu kết, móc nối với một số nhóm phản động thân Pháp trong tỉnh, lôi kéo, lừa phỉnh nhân dân chống đối cách mạng, âm mưu gây chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc ở Bình Gia, ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng tới vùng này.Tỉnh ủy đã quyết định đánh tan tổ chức phản động của Xuân Nhu để ngăn chặn sự nổi loạn trong vùng giải phóng. Cuối tháng 7, một bộ phận vũ trang chủ lực của tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang châu Bình Gia tiến công, bao vây, truy quét bọn phản động, Xuân Nhu và bọn tay sai đã phải đầu hàng. Chính quyền cách mạng châu Bình Gia, chính quyền cách mạng ở các xã vùng Yên Hùng lần lượt được thành lập.

        * Tại các huyện Hữu Lũng – Chi Lăng

        Từ cuối tháng 3 từ căn cứ địa Bắc Sơn  - Võ Nhai, các chi đội cứu quốc quân đã hoạt động mạnh ở các xã thuộc châu Hữu Lũng làm dấy lên một không khí khởi nghĩa cấp bách. Đầu tháng 4, quần chúng cách mạng ở xã Vân Nham đã nổi dậy phá kho thóc của địch ở Phổng, đem phân phát ra nhiều xã xung quanh. Ngày 15 tháng 4, quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mẹt, buộc chính quyền địch phải đầu hàng. Sau khi làm chủ châu lỵ Ban Việt Minh châu đã được thành lập, lực lượng vũ trang được củng cố, chuẩn bị đối phó với sự quấy rối của bọn phỉ và sự tấn công đàn áp của Nhật.

        Sau khi bị thất bại ở Bình Gia, Bắc Sơn từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, quân Nhật đã rút về co cụm ở thị xã và Đồng Mỏ. Đội vũ trang chiến đấu của ta từ Bình Gia, Bắc Sơn đã tiến về châu Bằng Mạc, phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng tiến công đồn Vạn Linh, buộc tri châu Đinh Ngọc Hồ và quân lính phải đầu hàng, quân cách mạng và nhân dân đã làm chủ châu lỵ, Bằng Mạc được hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng ở các xã lần lượt được ra đời.

        Thứ ba, tại các huyện Văn Lãng – Tràng Định

        Ở Tràng Định, sau khi đánh bại Pháp, bọn Nhật đã kéo tới chiếm đóng ở phố Thất Khê, tuy nhiên, ngay từ đầu chúng cũng chưa kịp lập chính quyền tay sai ở vùng nông thôn. Trước thời cơ đó, Đảng bộ đã quyết định tổ chức lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 3 tháng 5 năm 1945, kết hợp với quần chúng cách mạng các đội vũ trang chiến đấu tấn công đồn Pò Mã, Quốc Khánh, tiêu diệt quân địch tại đây, giải phóng hoàn toàn xã Quốc Khánh, thành lập chính quyền cách mạng xã. Từ căn cứ Quốc Khánh, lực lượng vũ trang lần lượt tiến công về các xã khác, cùng quần chúng tước vũ khí của tàn binh Pháp, tiêu diệt bọn tay sai, xóa bỏ chính quyền địch. Đến đầu tháng 6 hầu hết các xã ở Tràng Định đã thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một vành đai giải phóng chặt chẽ, bao vây quân Nhật và chính quyền bù nhìn, tay sai ở phố Thất Khê, chuẩn bị giải phóng hoàn toàn Tràng Định.

        Cùng với khí thế khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương lân cận, tại Thoát Lãng, nắm bắt được thời cơ thuận lợi khi quân Pháp bỏ chạy, chính quyền tay sai hoang mang dao động, đội ngũ vũ trang giải phóng do đồng chí Hoàng Văn Kiểu phụ trách cùng quần chúng cách mạng đã nổi dậy ở nhiều xã, nhanh chóng giành chính quyền về tay nhân dân. Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ các thôn xã (trừ Thị trấn Na Sầm, quân Nhật còn chiếm đóng). Việc giải phóng phần lớn các xã ở Thoát Lãng đã góp phần liên kết và mở rộng vùng giải phóng của tỉnh từ Bằng Mạc qua Bắc Sơn, Bình Gia đến Tràng Định, tạo hậu thuẫn vững chắc cho việc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

        Sự chuyển biến lớn lao của tình hình cách mạng trong toàn tỉnh lúc này đặt ra một yêu cầu vô cùng bức thiết là cần phải có sự chỉ đạo tập trung, nhạy bén hơn nữa của Đảng. Một số cơ sở Đảng ở Bắc Sơn, Tràng Định, Bình Gia chưa đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng giành chính quyền trong toàn tỉnh. Giữa tháng 5 năm 1945, tại khu rừng Khau Kham, Văn Mịch, châu Bình Gia, Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn đã được kiện toàn và củng cố do đồng chí Lô Quang Nam làm Bí thư. Đây là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng Lạng Sơn, đồng thời phản ánh bước trưởng thành vững chắc của các cơ sở Đảng Lạng Sơn sau 15 năm xây dựng, rèn luyện. Tỉnh ủy được kiện toàn, củng cố không những chỉ đáp ứng được đòi hỏi của tình hình trước mắt, mà còn là kết quả ghi nhận một cách toàn diện thắng lợi của đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng và việc thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng, ở một tỉnh miền núi có nhiều thành phần dân tộc và cũng có nhiều khó khăn riêng biệt.

        Giai đoạn sau: Giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh 19/8 – 25/8/1945

        Ngay sau khi có lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, từ 14 đến 18 tháng 8, nhiều tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn. Ngày 19 tháng 8 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở Hà Nội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng tiến công của nhân dân cả nước. Thực hiện chủ trương tiếp xúc với quân Đồng Minh trong tư thế chính quyền cách mạng của nhân dân, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh biên giới phía Bắc nhanh chóng giành chính quyền từ tay Nhật, lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

        Ngày 19 tháng 8 tại Đồng Mỏ, dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh châu, được sự tăng cường của lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh, quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ. Ôn Châu hoàn toàn giải phóng.

        Cùng ngày, tại Hữu Lũng lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ phố Mẹt, sào huyệt cuối cùng của Nhật, cách mạng thắng lợi nhanh chóng.

        Ngày 21 tháng 8, tại Thất Khê Tràng Định, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và quân chúng cách mạng đã nổi dậy đã tiến công, bao vây tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn Tràng Định.

        Ngày 22 tháng 8, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng ở Thoát Lãng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng.

        Trước khí thế nổi dậy cấp bách của quần chúng cách mạng, ngày 24 tháng 8, tại Ba Xã, châu Điềm He. Tỉnh ủy họp và đề ra chủ trương: Nhân lúc này phải nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng. Cùng ngày, ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh được thành lập và quyết định huy động lực lượng giải phóng tỉnh lỵ ngày 25 tháng 8. Thực hiện chủ trương sát hợp đó, ngay đêm 24 tháng 8 tại Ba Xã, Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh đã tập trung các đội vũ trang cách mạng từ các địa phương trong vùng giải phóng, hành quân tiến về giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

        Rạng sáng ngày 25 tháng 8, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng các vùng lân cận, bằng nhiều hướng đã tiến vào thị xã. Ngay từ sáng sớm, do có sự chuẩn bị từ trước, nhân dân thị xã đã rầm rộ đổ ra các ngõ phố đón chào quân cách mạng. Vào đến thị xã, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng đã nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, bao vây dinh của tỉnh trưởng buộc Linh Quang Vọng phải đầu hàng, tổ chức một cuộc mít tinh lớn trước nhà chánh xứ cũ của Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, công bố 10 chính sách Việt Minh, kêu gọi quần chúng đoàn kết, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, tích cực ủng hộ chính phủ lâm thời do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

        Cùng ngày, dưới sự phát động trực tiếp của Ban Việt Minh Cao Lộc, phối hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh, quần chúng cách mạng ở hầu hết các xã trong phủ Cao Lộc, đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền cách mạng.

        Sau khi làm chủ hoàn toàn thị xã, được tin quân Tưởng sắp kéo vào để giải giáp quân Nhật và đứng trước tình hình một số địa phương trong tỉnh chưa giành được chính quyền, Tỉnh ủy đã nhanh chóng đề ra chủ trương mới: Rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra ngoại vi thị xã chiếm giữ các điểm cao khống chế không cho quân Tưởng hoạt động. Đồng thời, cử đại biểu Việt Minh tỉnh vào thị xã để dàn xếp những vấn đề phức tạp xẩy ra. Cử một số đội vũ trang tiếp tục hỗ trợ để giành chính quyền ở Lộc Bình, Đình Lập. Sau đó, tiến hành bao vây kinh tế quân Tưởng, lấy quần chúng làm áp lực buộc chúng phải thương lượng với ta, tiến tới thành lập chính quyền cách mạng cấp tỉnh.

        Tại Lộc Bình, ngày 28 tháng 8, dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh châu và sự giúp sức của lực lượng vũ trang của tỉnh, quần chúng cách mạng đã nổi dậy giải phóng châu lỵ, xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền của nhân dân.

        Cùng thời gian này, được sự chỉ đạo của Đảng, quần chúng cách mạng ở Đình Lập đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là sự kiện ghi nhận toàn diện tiến trình giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám ở Lạng Sơn.

        Để thực hiện một cách triệt để nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng, củng cố và giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được trong tỉnh, biểu dương uy thế cách mạng, cổ vũ tinh thần tiến công của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tháng 10 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng nghìn quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh đã được tổ chức tại làng Khâm Nặm, Chợ Bãi (châu Bằng Mạc). Cuộc mít tinh đã được tổ chức long trọng và rộng rãi thực sự là một ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc. Ủy Ban nhân dân lâm thời của tỉnh được thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm chủ tịch. Đây là sự kiện quan trọng, ghi nhận thắng lợi trọn vẹn của cuộc vận động cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh ta, đánh dấu một chặng đường đoàn kết đấu tranh anh dũng, bền bỉ, kiên cường của cán bộ Đảng viên và quần chúng cách mạng Lạng Sơn từ 1930 đến năm 1945.

        Giành chính quyền từ tay Phát xít Nhật được đúng 1 ngày, thì ngày 26/8/1945, trên 12 vạn quân Tưởng với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp vũ khí của Nhật đã tiến vào thị xã. Trung tuần tháng 7/1946, thực dân Pháp quay trở lại  chiếm đóng Lạng Sơn. Cùng cả nước, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

        Cách mạng Tháng Tám thành công ở Lạng Sơn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu. Cách mạng Tháng Tám đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó lâu đời của nhân dân các dân tộc trên quê hương Xứ Lạng  - Cửa ngõ biên cương vùng Đông Bắc của tổ quốc.  Đảng bộ Lạng Sơn đã vận dụng thành công những bài học kinh nghiệm đó trong các cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

                                                                                       Vi Thị Tuyết

                                                       GV Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh