Skip to main content
x
15 August 2017

        Đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường, tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư và thực tiễn phong phú, sinh động của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn như vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải đáp ứng yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn; lý thuyết đi đôi với thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn là một nguyên lý cơ bản của quá trình dạy học, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

        Trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Phần V.2: Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở là nội dung quan trọng giới thiệu các nghiệp vụ cơ bản của cấp ủy cơ sở. Phần học này gồm 9 chuyên đề, cung cấp một cách khái quát về cơ cấu, quy định chung về tổ chức cơ sở đảng; nêu vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những nghiệp vụ cơ bản của cấp ủy cơ sở như: công tác đảng viên; công tác cán bộ; công tác tư tưởng… Để thực hiện được phương châm giảng dạy lý luận gắn liền với thực tiễn góp phần làm sáng tỏ lý luận trong quá trình giảng dạy phần học này, cần có nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, trong đó có phương pháp giải quyết các bài tập xử lý tình huống cụ thể đã và đang xảy ra trên thực tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở. Thực tế trong quá trình giảng dạy phần nghiệp vụ công tác Đảng tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị hành - chính cho thấy, khi giảng viên chủ động đưa những tình huống thực tế phù hợp vào trong nội dung bài giảng đã tạo nên sự sôi nổi, hứng thú, tranh luận và chủ động trong quá trình nhận thức. Từ đó học viên nắm được lý luận một cách hiệu quả hơn thông qua việc giải quyết tình huống đó. Đồng thời qua đó cũng phát hiện ra những vướng mắc, khó khăn và cách làm hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở thông qua giải quyết các tình huống đó trên thực tế. Ví dụ như giải quyết tình huống đảng viên cư trú một nơi, đăng ký sinh hoạt đảng một nơi; đảng viên xuất cảnh trái phép qua biên giới lao động làm thuê; hay công tác phát triển đảng viên trên địa bàn biên giới…

        Mặt khác việc giải quyết tình huống cụ thể trên thực tế góp phần khắc phục sự lạc hậu, không phù hợp của tài liệu (giáo trình) đang nghiên cứu trong chương trình. Ví dụ: các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng đã được ban hành, cập nhật mới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành như: Hướng dẫn số: 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Chấp hành TW hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số: 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành TW Quy định thi hành điều lệ Đảng; Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành TW Quy định thi hành chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

        Ngoài ra việc sử dụng những tình huống thực tế trong quá trình lên lớp còn giúp giảng viên nâng cao khả năng sử dụng tốt, có hiệu quả các phương pháp tích cực trong giảng dạy như: Phương pháp làm việc nhóm, hỏi đáp … Qua đó tạo nên hiệu quả học tập của lớp học, tránh sự nhàm chán đối với học viên.

        Tuy nhiên, để xây dựng một bài tập xử lý lý tình huống đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nghiệp vụ, bảo đảm tính định hướng, cập nhật các quy định của Đảng và Nhà nước đòi hỏi sự đầu tư công phu từ phía người dạy, từ lựa chọn mẫu tình huống; xác định cách mô tả; yêu cầu đặt ra trong xử lý; sưu tầm tài liệu liên quan; cập nhật các văn bản quy định, hướng dẫn của Đảng, cấp ủy cấp trên liên quan đến tình huống… nếu không đáp ứng được các yêu cầu đó sẽ ảnh hưởng phần nào đến mức độ, hiệu quả sử dụng các bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng trong quá trình giảng dạy.

        Để xây dựng Bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đáp ứng yêu cầu chất lượng, hiệu quả giảng dạy, khi xây dựng Bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

        Một là, bảo đảm tính Đảng

        Nguyên tắc tính Đảng là yêu cầu cao nhất, bảo đảm sự nhất quán, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi xây dựng Bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng giảng viên cần lựa chọn nội dung, nghiệp vụ trong bài giảng hợp lý, chuẩn bị phương án trả lời đúng quy định, hướng dẫn của Đảng, cấp ủy cấp trên.Hai là, bảo đảm tính đại diện

          Xây dựng Bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng phải đảm bảo tính đại diện, lựa chọn những vấn đề phổ biến nhất mà nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng khác nhau đều có hoặc có những vướng mắc, sai phạm thường gặp phải. Tuân thủ nguyên tắc này góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng Bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng và tối ưu hóa thời gian bài giảng trên lớp. Bên cạnh đó, tùy từng đối tượng học viên có thể lựa chọn một số yếu tố đặc thù nhằm mục đích giới thiệu nghiệp vụ công tác Đảng của đối tượng đề cập và với các đối tượng học viên khác trong lớp, góp phần nâng cao nhận thức chung trong các đối tượng học viên đang sinh hoạt tại các loại hình tổ chức cơ sở đảng khác nhau.

          Ba là, tính mô phạm

        Tính mô phạm là mức độ khúc triết, ngắn gọn, chặt chẽ về tình tiết của Bài tập xử lý tình huống công tác Đảng. Trong thời gian có hạn và khả năng nhận diện vấn đề của người học, đòi hỏi các tình huống phải ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, khúc triết để người học có thể nhanh chóng nhận diện được tình huống, yêu cầu thực hiện; lập luận chặt chẽ nhằm tránh tình huống học viên có thể sẽ đưa ra các phương án khác nhau hoặc tranh cãi khi tình huống không mô tả hoặc đặt ra những điều kiện cụ thể.         

        Bốn là, tính thời sự

        Xây dựng Bài tập xử lý tình huống công tác Đảng đòi hỏi phải đảm bảo tính cập nhật thực tiễn theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhằm bảo đảm tính đúng đắn kịp thời. Việc lựa chọn vấn đề xây dựng Bài tập xử lý tình huống công tác Đảng cần lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc hoặc vấn đề dễ nảy sinh sai phạm, thiếu sót trong các tổ chức cơ sở đảng nói chung và tại địa phương hoặc cơ quan, đơn vị…

        Năm là, tính đa dạng, phù hợp

        Khi xây dựng Bài tập xử lý tình huống công tác Đảng cần bảo đảm tính đa dạng, đa cấp độ, cân đối, bảo đảm mức độ phức tạp của các tình huống khác nhau phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của các nhóm học viên khác nhau.

        Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn giảng cho thấy, việc vận dụng bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng trong giảng dạy Phần V.2 Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực cho bài giảng, góp phần rèn luyện kỹ năng thực hành các nghiệp vụ cụ thể trong công tác đảng của cấp ủy cơ sở. Để phát huy hiệu quả của phương pháp vận dụng bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng trong giảng dạy cần quán triệt về vai trò và tầm quan trọng của việc vận dụng bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy mỗi nghiệp vụ công tác Đảng; sự thống nhất trong hình thức, nguyên tắc xây dựng, tạo thành hệ thống bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở làm nguồn tư liệu tham khảo cho giảng viên và cấp ủy ở cơ sở./.

                                                                                            Phạm Ngọc Tuệ

                                                                               Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng