Skip to main content
x
28 March 2017

        Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ở phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước bao gồm 9 bài, tổng số giờ lên lớp là 56 tiết và thảo luận là 12 tiết. Đây là phần học gồm nhiều nội dung về quản lý hành chính nhà nước trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở như: Quản lý cán bộ công chức ở cơ sở; Quản lý hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đất đai, địa giới hành chính ở cơ sở.... đòi hỏi người giảng viên khi giảng dạy phải gắn lý luận với thực tiễn, cần có nhiều kiến thức thực tiễn để bổ sung cho bài giảng nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đang diễn ra ở cơ sở.

        Để nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn trong phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau: 

        Thứ nhấtcập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới nhất

        Việc cập nhật kiến thức mới ban hành đã có hiệu lực pháp luật để truyền đạt cho học viên, để học viên nghiên cứu và vận dụng những kiến thức đó vào quá trình công tác như: Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật Đất đai năm 2013; Luật Hộ tịch năm 2014.  Đặc biệt là để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cơ sở hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã chính thức có hiệu lực từ ngày 03/3/2017. Theo đó những điểm mới trong Nghị định này phải được đưa vào giảng dạy. Nghị định này quy định cụ thể: những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay trước ngày 01/01/2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay vì mốc thời gian quy định trước ngày 01/7/2004. 

        Thứ hai,  Giảng viên bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, đưa các nội dung đó vào bài giảng hợp lý.

        Để có những nội dung thực tiễn sinh động đòi hỏi giảng viên phải có những kiến thức thực tiễn nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề còn vướng mắc tồn tại ở cơ sở. Để đáp ứng được yêu cầu trên, Khoa Nhà nước và pháp luật đã xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, các giảng viên đều được tham gia đi thực tế từ đó đúc rút cho bản thân những kiến thức thực tiễn bổ sung vào bài giảng và truyền đạt cho học viên. Ví dụ: mô hình nuôi Hưu Sao lấy Nhung ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản lý địa giới hành chính tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập, trong những năm qua đã làm tốt công tác quản lý đường biên, mốc giới. Khi đưa các yếu tố thực tiễn vào liên hệ cần có những hình ảnh cụ thể, địa chỉ rõ ràng để học viên có thể liên hệ trong quá trình thực hiện, cần phải hiểu đúng, rõ các nội dung kiến thức thực tiễn và đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng một cách phù hợp thì mới đạt được kết quả cao.

        Thứ ba, Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học tập của học viên.

       Đối với phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có đặc thù là vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Thực tiễn trong các bài giảng phần này rất cụ thể và chi tiết số liệu cần phải chính xác vì vậy, để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Tùy từng lĩnh vực ở từng bài mà sử dụng các phương pháp khác nhau cho phù hợp.  Mỗi phương pháp giảng dạy đều có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên vận dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp đó phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhất là sử dụng Powerpoint, hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung bài giảng gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Học viên tích cực tham gia xây dựng bài, trao đổi những vấn đề đã làm tốt ở cơ sở và những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc đề xuất giải pháp xử lý cho phù hợp với tình hình của địa phương.

         Thứ tư: Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế

        Để nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn thì một trong những giải pháp không thể thiếu đó chính là giảng viên phải thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính khái quát hoá cao, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng tổng kết thực tiễn. Bằng việc nghiên cứu khoa học, người giảng nắm chắc được kiến thức lý luận từ đó vận dụng vào thực tiễn cho phù hợp nội dung từng bài giảng.

        Việc tăng cường nghiên cứu thực tế đối với giảng viên là công việc rất bổ ích, bởi lẽ khi đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở sẽ nắm được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương vận dụng vào trong nội dung bài giảng như một minh chứng sống, thuyết phục góp phần nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Qua nghiên cứu thực tế, giảng viên tiếp thu được những kiến thức thực tiễn để đưa vào bài giảng đạt hiệu quả cao. Việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy của mỗi giảng viên sẻ nâng cao chất lượng bài giảng đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị giảng dạy học tập của trường ./.

 

                                                                                                        Hoàng Xuân Yến

                                                                                              GV Khoa Nhà nước và pháp luật