Skip to main content
x
10 November 2015

     Bắc Sơn là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm của tỉnh 85 km về phía Tây Nam; phía Bắc giáp huyện Bình Gia, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn; phía Tây giáp huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên. Toàn huyện có 19 xã và 01 thị trấn; diện tích tự nhiên của huyện là 699,43 km2. Dân số có 67.307 người, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 68,1%, còn lại là các dân tộc Nùng, Kinh, Dao, Mông.

     Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Đảng ta đã quyết định chọn Bắc Sơn (thuộc tỉnh Lạng Sơn) và Võ Nhai (thuộc tỉnh Thái Nguyên) thành lập vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, đây là vùng căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc, để chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

     Thực hiện chủ trương của Đảng, từ cuối năm 1936 phong trào đấu tranh cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Ở Lạng Sơn, sau thời kỳ khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp, phong trào cách mạng bước sang một giai đoạn khó khăn thử thách, trước tình hình đó giữa năm 1936 Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp về Bắc Sơn để giác ngộ, tổ chức các cơ sở quần chúng cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, do có sự vận động tích cực, nhiều cơ sở quần chúng trung kiên đã được xây dựng ở Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Sơn, Hưng Vũ.

     Trên cơ sở phát triển phong trào quần chúng cách mạng, ngày 25/9/1936 tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp đảng viên thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn, đây là một trong hai Chi bộ Đảng thành lập sớm nhất của tỉnh Lạng Sơn, sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở châu Bắc Sơn đã đánh dấu bước tiến triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng không chỉ ở châu Bắc Sơn, mà còn là một bước chuyển biến, phục hồi nhanh chóng của phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn, sau thời gian khủng bố ác liệt của thực dân Pháp. Từ khi thành lập, chi bộ Đảng đã phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng cách mạng, phong trào cách mạng Bắc Sơn đã có một bước phát triển nhất định, cơ sở Đảng không ngừng được củng cố và mở rộng, uy tín của Chi bộ Đảng được khẳng định trong nhân dân Bắc Sơn và bước đầu ảnh hưởng sang các vùng lân cận. Với bước phát triển mạnh mẽ như vậy, ngày 25/5/1938 được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ tại Nà Kheo, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) đã tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ châu Bắc Sơn với 09 chi bộ Đảng và đã bầu đồng chí Lê Xuân Thụ, cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ làm Bí thư Châu ủy.

     Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã làm nên Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo, góp phần làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước nhanh chóng giành thắng lợi. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã ghi nhận bước trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng tại Lạng Sơn sau 10 năm đấu tranh kiên cường và gian khổ. Từ hình thức đấu tranh lẻ tẻ với mục tiêu đòi quyền dân sinh, dân chủ lên tổ chức đấu tranh chính trị rộng rãi, từng bước sử dụng đấu tranh vũ trang, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

     Khởi nghĩa Bắc Sơn đã có tác dụng trực tiếp, tích cực cổ vũ tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh. Đội Du kích Bắc Sơn ra đời. Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai được thành lập đã thực sự trở thành nòng cốt cho việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng của các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên và chiến khu Việt Bắc. Từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1941, hoạt động của Du kích Bắc Sơn đã góp phần tuyên truyền, giác ngộ và bước đầu xây dựng nhiều cơ sở quần chúng cách mạng ở các huyện lân cận như: Bình Gia, Bằng Mạc, Hữu Lũng, tạo ra những tiền đề cần thiết cho việc mở rộng địa bàn của phong trào cách mạng trong tỉnh Lạng Sơn.

     Ngày nay, đất nước đã thống nhất, những công lao đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn được ghi nhận mãi trong lịch sử với các sự kiện nổi bật:

     Thứ nhất, là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo. Ngày 27/9/1940, chớp lấy thời cơ Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy tán loạn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã đoàn kết, đứng lên tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo, là tiếng súng báo hiệu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng tới toàn quốc, có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với tiến trình cách mạng của Việt Nam.

     Thứ hai, là nơi thành lập Đội Du kích Bắc Sơn, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 Đội Du kích Bắc Sơn được đổi tên là Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất, đây là đội quân vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam và là địa bàn huấn luyện chính trị, quân sự của Đảng. 

     Đầu tháng 10/1940, sau 4 ngày cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, Hội nghị Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ mở rộng, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ đã quyết định phải trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, bồi dưỡng lực lượng, tiếp tục đấu tranh vũ trang, tổ chức du kích Bắc Sơn để làm vốn quân sự sau này đối phó với quân thù.

     Cũng tại Bắc Sơn để chuẩn bị lực lượng cho Chiến dịch Đông Khê năm 1950, cuối năm 1949 Bộ tư lệnh Mặt trận Biên giới (tức Liên khu Việt Bắc) đã đặt trụ sở chỉ huy tại thôn Bắc Mỏ, thôn Pác Lũng thuộc xã Hữu Vĩnh và tổ chức huấn luyện quân sự, tổ chức diễn tập, đắp sa bàn tại xã Tân Lập. Tổng chỉ huy có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

     Thứ ba, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn. Sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Bó (Cao Bằng), các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng gồm: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, cùng một số cán bộ Trung ương đã về Bắc Sơn ở lại 42 ngày để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn - Võ Nhai và truyền đạt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương cho đảng viên của Đảng bộ Bắc Sơn và chiến sỹ Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, đây là lần học đầu tiên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta.

     Trong suốt thời gian các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn đã được nhân dân che chở, nuôi giấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn tạo mọi điều kiện để các đồng chí công tác.

     Thứ tư, là nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ uỷ Bắc kỳ và các địa bàn khác và là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng. Cuối năm 1937 đầu năm 1938 Xứ uỷ Bắc kỳ giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Xuân Thụ lên Bắc Sơn củng cố xây dựng con đường chiến lược từ Bắc Sơn qua Bình Gia, Thất Khê đến biên giới Việt - Trung, đây là con đường liên lạc do Xứ ủy Bắc kỳ xây dựng để mở rộng hệ thống tổ chức của Đảng và quần chúng về phía Nam theo con đường từ Bắc Sơn sang Bình Gia, qua Văn Mịch đến Thất Khê.

     Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn, đối với phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành độc lập cho dân tộc và để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tăng cường công tác giáo dục lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 23/9/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1714/QĐ-TTg về việc công nhận các xã An toàn khu thuộc tỉnh Lạng Sơn, công nhận 08 xã huyện Bắc Sơn gồm: Tân Lập, Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lễ, Vũ Lăng; Bắc Sơn; Quỳnh Sơn và xã Hữu Vĩnh thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng thời có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, tôn tạo, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng và công nhận các danh hiệu cao quý. Riêng 08 xã là vùng An toàn khu của Trung ương đã có 13 Di tích lịch sử cấp Quốc gia, 11 Di tích lịch sử cấp Tỉnh và 189 tập thể, cá nhân được tặng Bằng có công với nước.

                                                                                    Hà Thị Hải Yến

                                                          Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ